Mối quan hệ giữa bạn và thù trong tư tưởng Hồ Chí Minh
CTTBTG - Nhận diện chính xác bạn, thù cũng như mối quan hệ chuyển hóa giữa bạn và thù là vấn đề quan trọng trong quan hệ ngoại giao của mỗi quốc gia. Với thực tiễn phong phú, nhãn quan chính trị sắc bén, lại được trang bị bởi lý luận tiên tiến là chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện được bạn và thù. Trên cơ sở đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra những giải pháp đúng đắn về công tác đối ngoại theo phương châm “thêm bạn, bớt thù” để giải quyết những tình huống ngoại giao phức tạp, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; bạn và thù; ngoại giao
1. Cơ sở thực tiễn và lý luận Hồ Chí Minh xác định rõ bạn và thù
Năm 1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau nhiều hiệp ước bán nước cho Pháp, đến Hiệp ước Patenôtre (1884), Việt Nam trở thành quốc gia thuộc địa nửa phong kiến. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là liên kết với ai để họ giúp dân tộc Việt Nam đấu tranh giành lại nền độc lập. Có người chủ trương dựa vào Nhật Bản, với hy vọng “đồng chủng, đồng văn” họ sẽ giúp Việt Nam chống Pháp, giải phóng dân tộc; có người lại chủ trương dựa vào Trung Quốc, một nước cũng đang trong tình trạng thuộc địa giống Việt Nam. Thậm chí, có người chủ trương dựa chính vào Pháp hoặc một nước phương Tây nào đó để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà văn người Mỹ, Anna Louise Strong, Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”1. Các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX diễn ra rất sôi nổi, nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các phong trào có nhiều, trong đó nguyên nhân quan trọng là không thể xác định được ai là bạn, ai là thù; sự chuyển hóa giữa bạn và thù vì “số đông trong họ còn chưa phân biệt rành rẽ trong những người da trắng ai là thù, còn ai là bạn”2. Hồ Chí Minh thấy rằng, nhận rõ bạn và thù là rất quan trọng. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”3. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh cả dân tộc đang loay hoay, “Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn”4, Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã có một quyết định mang tính lịch sử. Người nói: “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”5. Cuộc hành trình ấy của Nguyễn Tất Thành không chỉ để tìm kiếm cho dân tộc con đường giải phóng, mà còn giúp Người xác định rõ đâu là bạn, đâu là thù, qua đó tìm kiếm cho cách mạng Việt Nam những người bạn, đặt nền tảng vững chắc đường lối ngoại giao của dân tộc sau này.
Như vậy, trong thời đại mới, thời đại mà các nước đế quốc đã liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới để “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”6, thời đại mà cách mạng Việt Nam được đặt vào dòng chảy của cách mạng thế giới để cùng chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc và giải phóng con người, thì việc xác định rõ bạn và thù nhằm mở rộng quan hệ ngoại giao, tăng cường liên kết, tranh thủ sự ủng hộ lẫn nhau giữa những con người, những dân tộc cùng chung số phận là hết sức quan trọng.
Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình cứu nước của mình. Cuộc hành trình 30 năm đã đưa Người đi qua nhiều quốc gia, nhiều châu lục trên thế giới, từ các nước thuộc địa, phụ thuộc đến các nước tư bản, đế quốc. Đi đến đâu Người cũng chú ý quan sát, so sánh và đưa ra những nhận định của mình về những gì mắt thấy, tai nghe nhằm tìm ra bản chất của vấn đề. Với nhãn quan chính trị sắc bén, óc phân tích tinh tường, Người đã nhận ra, dù ở nước thuộc địa hay đế quốc, dù da trắng hay da màu thì “trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”7. Do đó, ở đâu trên thế giới này, nhân dân lao động cũng muốn thoát khỏi ách áp bức bóc lột, dù là nhân dân các nước thuộc địa hay nhân dân lao động ở các nước đế quốc. Đó chính là cơ sở thực tiễn quan trọng giúp Người thấy rõ được bạn và thù, từ đó hoạt động tích cực nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân thế giới, đoàn kết với các phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân, phong trào hòa bình trên toàn thế giới. Với bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được Người gửi đến Hội nghị Versailles bị từ chối, chứng tỏ các nước đế quốc dù có mâu thuẫn với nhau như thế nào đi chăng nữa, thì chúng vẫn làm ngơ trước quyền lợi của nhân dân lao động và nhân dân thuộc địa, chúng có thể tạm gác mâu thuẫn nội tại để bảo vệ lợi ích của cả hệ thống tư bản, đế quốc. Qua đó, đã giúp Người nhận thức rõ hơn bản chất của chủ nghĩa đế quốc, dù đó là đế quốc Pháp, Anh hay Mỹ thì bản chất đều giống nhau. Do đó, chỉ có những người cùng chung số phận, chung cảnh ngộ, chung mục tiêu, chung lý tưởng mới có thể thấu hiểu và trở thành bạn bè của nhau. Từ đó, Người đã nỗ lực hoạt động để gắn kết cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chính quốc và cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa bằng việc tham gia Đảng Xã hội Pháp (1918), lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925).
Khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người không chỉ tìm ra cho dân tộc Việt Nam con đường giải phóng, mà chủ nghĩa Mác - Lênin còn là cơ sở lý luận, giúp Người phân biệt chính xác giữa bạn và thù; chỉ ra cách thức để tranh thủ những mâu thuẫn nội tại của kẻ thù, nhằm biến thù thành bạn, tranh thủ sự ủng hộ dù là nhỏ nhất của tất cả các lực lượng nhằm tăng cường sức mạnh cho cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ cho Người biết rằng: “chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã làm cho chúng đồi bại, biến chúng từ chỗ là những người bạn đồng minh trở thành những con dã thú đối với nhau”8 Như vậy, bản chất các nước đế quốc, dù có liên kết chặt chẽ với nhau để xâm lược, cai trị, đàn áp bóc lột nhân dân lao động trong nước và các nước thuộc địa thì giữa các nước này luôn tồn tại những mâu thuẫn nội tại không thể hóa giải. Mâu thuẫn ấy bắt nguồn từ chính bản chất nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản với chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất cũng như bản chất tham lam của chủ nghĩa đế quốc. Do đó, những người cách mạng phải biết lợi dụng mâu thuẫn đó để phân hóa, làm suy yếu kẻ thù và đưa cách mạng đến thắng lợi. Lênin đã khẳng định: “Chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một nỗ lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách… hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt” bé nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù, bất cứ những mâu thuẫn bé nhỏ nhất nào về lợi ích giữa giai cấp tư sản các nước, giữa các tập đoàn hay các hạng tư sản khác nhau ở trong từng nước, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít đáng tin cậy”9. Lý luận này được Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt ở những bối cảnh, điều kiện khác nhau trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở cho những thắng lợi ngoại giao vang dội của Việt Nam thời hiện đại. Điều này được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung Đảng nêu rõ: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lênin về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”10.
Thực tiễn phong phú của bản thân và lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, xác định rõ bạn gần, bạn xa, bạn lâu dài, chắc chắn và bạn nhất thời. Điều này không chỉ giúp cách mạng Việt Nam tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của bè bạn quốc tế trên tinh thần “không được lòng họ 100% nhưng không được làm mất lòng ai 100%...”11 mà còn góp phần vào phong trào cách mạng thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bạn và thù
Thứ nhất, bạn và thù trong quan hệ ngoại giao: Xác định ai là bạn, ai là thù là vấn đề hết sức quan trọng trong tiến trình cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, đó là “Những điều nên làm”12. Người căn dặn “Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù?”13. Vậy, dựa trên cơ sở nào để xác định đâu là bạn, đâu là thù? Hồ Chí Minh cho rằng: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”14. Đây cũng chính là sợi chỉ đỏ trong suốt tiến trình tìm kiếm bạn bè cho cách mạng Việt Nam khi Người hoạt động ở nước ngoài, cũng như sau này, khi Người về nước, cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên nguyên lý ấy, Người đã tham gia vào Đảng Xã hội Pháp “vì các ông bà ấy… đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”15. Đối với Hồ Chí Minh, Quốc tế thứ hai, Quốc tế thứ hai rưỡi hay Quốc tế thứ ba không quan trọng, mà điều Người quan tâm là “quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”16. Cũng trên nguyên lý ấy, từ rất sớm, Người đã phân biệt một cách rạch ròi giữa giai cấp tư sản và nhân dân lao động ở các nước tư bản. Người cho rằng: “tư bản da trắng và người công nhân da trắng - đó không phải như nhau”17. Bởi một bên là kẻ đi bóc lột và một bên là người bị bóc lột, người dân ở các nước tư bản họ cũng bị giai cấp tư sản áp bức bóc lột, cũng đấu tranh để chống lại sự áp bức bóc lột đó như nhân dân các nước thuộc địa, nên không thể đánh đồng. Người giải thích: “nếu kẻ thứ nhất - là kẻ thù độc ác…, thì người thứ hai, đặc biệt người đi dưới ngọn cờ của Quốc tế Cộng sản - là người bạn và đồng minh trung thành nhất, tốt nhất…”18 của các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cũng như trong kháng chiến chống Pháp, rất nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Pháp chính là bạn, còn thực dân Pháp phản động, hiếu chiến chính là kẻ thù. Người nêu quan điểm: “Nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác với nhân dân Pháp. Người Pháp, dù là tư sản hay công nhân, nhà buôn hay trí thức, nếu họ muốn thành thực hợp tác với nhân dân Việt Nam, thì họ được coi là bạn của Việt Nam. Những gì đồng lõa với bọn quân phiệt Pháp, đều không thể chấp nhận được”19. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người tiếp tục “phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học, và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam”20. Tóm lại, “Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta. Đế quốc Mỹ, bọn tay sai của Mỹ, bọn phản cách mạng là kẻ thù của ta”21.
Tuy nhiên, bạn và thù trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong khái niệm nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà còn mở rộng hơn rất nhiều. Khi được hỏi: “Nhân dân Việt Nam có thể mong đợi gì về sự ủng hộ tinh thần và vật chất của tất cả những người trên thế giới ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và riêng của những người bạn Pháp?”22. Người đã trả lời: “Đối với nhân dân chúng tôi đang đấu tranh, những hoạt động của nhân dân Pháp là một sự cổ vũ lớn và đối với toàn thế giới, đó là một đóng góp quan trọng cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”23. Như vậy, không chỉ ủng hộ cho cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam mới được Người coi là bạn, mà tất cả những người “đấu tranh cho mục tiêu chung, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”24 đều là bạn của nhân dân Việt Nam và ngược lại. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”25.
Bạn trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn là các dân tộc bị áp bức, có chung cảnh ngộ, có chung số phận, có cùng mục tiêu độc lập, tự do. Sự ủng hộ lẫn nhau của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân là hết sức cần thiết trong bối cảnh các nước thực dân đã liên kết với nhau để xâm lược, áp bức, bóc lột các dân tộc thuộc địa. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh chủ trương: “Chúng ta phải tranh đấu cho tự do, độc lập của các dân tộc khác như là tranh đấu cho dân tộc ta vậy”26. Với phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”27, Người ra sức hoạt động để gắn kết các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, ủng hộ cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Lào, Campuchia và cuộc đấu tranh giành độc lập ở các nước Á, Phi, Mỹ Latinh.
Bên cạnh bạn song phương, Hồ Chí Minh cũng quan tâm đến bạn đa phương, đó là những tổ chức có thể giúp đỡ cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng có thể tham gia vào đó để góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Người lưu ý: “Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế)”28. Bởi đây không chỉ là bộ chỉ huy chung của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, mà cách thức tổ chức của nó còn thể hiện sự ủng hộ, giúp đỡ đối với phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam. Với khẩu hiệu “Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại”, Quốc tế Cộng sản đã “đặt ra một bộ riêng, chuyên nghiên cứu và giúp đỡ cho cách mệnh bên Á - Đông”29. Từ đây, Người khẳng định “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”30, bởi thành viên của Đệ tam quốc tế không ai khác, đó là các Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân các nước, đang đi đầu trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc, kẻ thù chung của nhân dân lao động thế giới.
Trên nguyên lý đó, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn khẳng định tinh thần Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không thù oán với ai”31. “Nước Việt Nam độc lập muốn hợp tác thân thiện với tất cả các nước anh em ở châu Á và giữ mối giao hảo với toàn thế giới”32. Để hiện thực hóa được tinh thần trên, Người căn dặn: “chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài…”33. Hồ Chí Minh đã nêu những cơ sở, điều kiện để “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào…”34 không phân biệt chế độ chính trị, tôn giáo, văn hóa, nước lớn hay nước nhỏ, nước xa hay nước gần, đó là: “tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình”35.
Thứ hai, mối quan hệ giữa bạn và thù trong quan hệ quốc tế
Ngay từ giữa thế kỷ XIX, trong bài tranh luận tại Hạ viện Anh ngày 1-3-1848, Henry John Temple đã nêu quan điểm: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu, và chúng ta không có kẻ thù vĩnh cửu. Lợi ích của chúng ta là vĩnh cửu và trường tồn, … các quốc gia khác cùng tiến bước và theo đuổi cùng mục tiêu như chúng ta, chúng ta coi họ là bạn của mình, …”36. Như vậy, bạn hay thù là tùy thuộc vào sự chuyển hóa của lợi ích quốc gia, nếu lợi ích giữa các quốc gia mâu thuẫn, bạn có thể chuyển hóa thành thù. Ngược lại, thù cũng có thể chuyển hóa thành bạn, nếu tìm ra những điểm chung, tiếng nói và lợi ích chung.
Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhận thấy, bạn và thù không phải là bất biến, mà luôn có mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau, hôm nay có thể là thù, nhưng ngày mai có thể là bạn và ngược lại. Sự chuyển hóa đó tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, mục đích, đặc biệt là với bạn xa, bạn nhất thời thì khả năng chuyển hóa này lại càng lớn. Chính vì vậy, trong quan hệ ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn nhìn thấy và chỉ ra những tương đồng, những lợi ích chung đối với từng lực lượng để làm cơ sở cho quan hệ ngoại giao, tăng cường đoàn kết, thêm bạn bớt thù. Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng CNXH. Đối với các dân tộc trên thế giới, đó là độc lập, tự do và bình đẳng. Đối với lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, đó là tình yêu hòa bình, công lý, chống chiến tranh. Trong đó, cái cốt lõi để Việt Nam “đặt mối quan hệ bình thường hữu hảo với bất cứ nước nào dù có chế độ xã hội khác nhau”37 chính là “5 nguyên tắc chung sống hòa bình đã đề ra trong bản tuyên bố chung của các Thủ tướng Trung Quốc - Ấn Độ và Trung Quốc - Miến Điện…”38.
Trong thực tiễn quá trình lãnh đạo đất nước, để thù có thể trở thành bạn cũng như để tránh đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù, Hồ Chí Minh đã quán triệt quan điểm của Lênin, tìm mọi cách để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân hóa kẻ thù, biến thù thành bạn, dù đó là “bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít đáng tin cậy”39. Và để làm được như thế, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng là nhân nhượng có nguyên tắc. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong việc Người xử lý quan hệ ngoại giao phức tạp giữa Nhật, Pháp, Tưởng, Anh, Mỹ trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Trước khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) kẻ thù của nhân dân Việt Nam là Nhật-Pháp, nhưng sau ngày 9-3-1945, Pháp trở thành bạn “tạm thời” của nhân dân Việt Nam để cùng nhau chống phát xít Nhật, các nước thuộc phe đồng minh chống phát xít thì dù là Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc hay Liên Xô đều là bạn của Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với họ. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bạn, thù khó phân biệt một cách rạch ròi, Người đã vận dụng lý luận của Lênin để xác định bạn và thù. Thực dân Pháp từ bạn đồng minh chống Nhật trở thành kẻ thù số 1 của nhân dân Việt Nam, những người Nhật bại trận lại trở thành những người bạn, các nước đồng minh chống Nhật (Tưởng, Anh, Mỹ) cũng dần chuyển hóa từ bạn sang thù. Nhờ nắm được quá trình chuyển hóa đó mà Người đã cùng Trung ương Đảng đưa ra những đối sách phù hợp với từng đối tượng, từng bước loại bớt kẻ thù của dân tộc (Tưởng, Anh). Trước khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), trong Báo cáo tại HNTƯ 6 khóa II, Hồ Chí Minh đã sớm nhận định: “đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ. Bất kỳ người nào, nước nào không thân Mỹ đều có thể làm mặt trận thống nhất (dù là tạm thời) với ta”40. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được biến bạn thành thù. Để bạn không trở thành thù thì chúng ta phải hài hòa lợi ích, giữ mối quan hệ sẵn có. Người nhắc nhở: “Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, củng cố hơn nữa tình hữu nghị với các nước yêu chuộng hòa bình, nhất là các nước láng giềng và các nước Á - Phi. Chúng ta cần tranh thủ hơn nữa sự đồng tình quốc tế…”41.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa bạn và thù, không chỉ có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của dân tộc, mà còn là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng xác định rõ “đối tác”, “đối tượng”, sự chuyển hóa linh hoạt giữa “đối tác” và “đối tượng” trong một thế giới đầy biến động với xu thế đan xen giữa hợp tác và đấu tranh trong tình hình hiện nay. Trên nền tảng lý luận đó, HNTƯ 8 khóa IX (2003) đã thông qua Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới”, trong đó xác định: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”42. Quan điểm trên tiếp tục được Đảng bổ sung và làm rõ trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Trong đó, đối tác được khẳng định rõ hơn, đó là: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam…”43. Mối quan hệ biện chứng giữa đối tác và đối tượng cũng được làm rõ hơn bằng cách thay thế cụm từ “trong một số đối tác” bằng cụm từ “trong mỗi đối tác”. Điều đó cho thấy Đảng đã có những nhìn nhận toàn diện, khách quan và khoa học hơn về đối tác, đối tượng cũng như mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa bạn và thù, còn góp phần làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về ngoại giao, đặt nền tảng cho việc xây dựng “trường phái ngoại giao cây tre” Việt Nam hiện nay.
Ngày nhận bài: 22-12-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 22-2-2025; ngày duyệt đăng:15-3-2025
* Bài viết là sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Trường; mã số CS-2023-23 được tài trợ bởi Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
1, 5. Báo Nhân Dân số ra ngày 18-5-1965
2, 6, 17, 18, 25, 28, 29, 30. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 445, 296, 445, 445, 329, 305, 311, 312
3, 21. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 13, tr. 453, 453
4, 27. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 56, 105
7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 1,t r. 287
8. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, T. 37, tr. 570
9, 39. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, T. 41, tr. 68-69, 69
10. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.39
11, 22, 23. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr.63,185,185
12, 13, 14, 33. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.9, tr.264, 264, 264, 264
15, 16. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 561, 562
19, 32. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 6, tr. 77, 143
20. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 304
24. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lí luận chính trị), Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 187
26. Vũ Quang Hiển: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc - mấy vấn đề bàn luận”, https://ussh.vnu.edu.vn/vi/nckh/san-pham-nghien-cuu-tieu-bieu/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-van-de-dan-toc-may-van-de-ban-luan-11808.html, ngày đăng 18-5-2015
31. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 256
34, 35, 37, 38, 41. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.10, tr. 12, 12, 17, 17, 500
36. UK Parliament: Treaty of adrianople-charges against Viscount Palmerston, Hansard, 1 March 1848, Parliamentary debates. https://api.parliament.uk/historic-hansard/commons/1848/mar/01/treaty-of-adrianople-charges-against.
42. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H, 2003, tr. 44
43. Ban Chấp hành Trung ương: “Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
TS ĐỖ MINH TỨ, ThS NGUYỄN THỊ THẢO NGUYÊN
Viện Khoa học chính trị - Xã hội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh