A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tấm gương phụ nữ tiêu biểu vượt khó

CTTBTG-Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Hải Yến ở thôn Pác Mìa, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, có lẽ ít ai biết để có được quy mô, hiệu quả như hiện nay là cả một quá trình vượt qua khó khăn để quyết tâm khởi nghiệp của gia đình chị.

Chị chia sẻ: “Năm 2010 điều không may đã xảy ra với gia đình tôi. Sau bao năm hai vợ chồng làm lụng vất vả, tích cóp để mong cuộc sống khấm khá hơn, thế nhưng chỉ sau một vụ hoả hoạn, toàn bộ ngôi nhà, tài sản của gia đình đã bị mất sạch, phải làm lại từ đầu với cuộc sống mới bằng đôi bàn tay trắng…”. Dù buồn với điều không may xảy ra nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ, chị tự nhủ với bản thân phải thật sự cố gắng bởi Còn người là còn của”. Vì vậy, năm 2012, chỉ sau 02 năm cuộc sống gia đình dần ổn định, với suy nghĩ trong điều kiện khó khăn lúc này phải phát triển kinh tế theo hướng Lấy ngắn nuôi dài”, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn đen. Bước đầu đàn lợn của gia đình chị phát triển tốt, tuy nhiên niềm vui chưa được bao lâu, bởi sau đợt dịch bệnh xảy ra, toàn bộ đàn lợn đã phải đem đi tiêu hủy. “Mất vốn, mất của” nhưng không bỏ cuộc, chị lại nỗ lực tìm hiểu để biết thêm kiến thức, kinh nghiệm và tiếp tục đầu tư phát triển đàn lợn đen sinh sản và lợn thịt vào năm 2016. Nhờ hệ thống chuồng trại, quy trình chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, nguồn thức ăn được đảm bảo do được tận dụng từ bỗng nấu rượu của gia đình nên đàn lợn của gia đình chị ngày càng phát triển, đến nay quy mô đạt gần 100 con; ngoài ra, nguồn rượu gạo và rượu ngô sau khi trưng cất cũng đã được chị cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn huyện tiêu thụ để tăng thêm nguồn thu cho gia đình.

Với tính chịu thương, chịu khó, tận dụng số diện tích đất sản xuất còn lại của gia đình, chị còn thử nghiệm mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Từ việc vừa nuôi, vừa tích luỹ kinh nghiệm, đền đáp sự nỗ lực của chị, chỉ từ 05 đôi ban đầu đến nay đàn bồ câu của gia đình chị đã sinh sản, phát triển lên đến hàng nghìn đôi; sản phẩm chim bồ câu của gia đình chị được nhiều thương lái thu mua, cung cấp cho thị trường. Chị còn nuôi thêm gà, vịt để đẻ trứng và cung cấp con giống cho người dân địa phương.

 

Chị Yến cần mẫn với công việc gia đình

 

Từ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi tổng hợp đã đem lại thu nhập hàng năm cho gia đình chị Yến được khoảng 200 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Với số tiền trên, chị đã dùng để tiếp tục tái đầu tư, mở rộng mô hình kinh tế, đồng thời tu sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, chăm lo học hành cho các con. Chia sẻ kết quả bước đầu đạt được, chị không giấu được sự xúc động: “Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ đến nay cuộc sống gia đình tôi đã dần bớt đi những khó khăn. Tôi thấy rằng Còn nước, còn tát”, cuộc sống không bao giờ cho phép mình được hết hy vọng…”.

Ngoài thời gian bận rộn với công việc gia đình, chị còn là hội viên tích cực trong các hoạt động, phong trào thi đua của Chi hội phụ nữ thôn Pác Mìa. Chị Yến đã không ngần ngại chia sẻ, động viên chị em hội viên cùng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và đến nay đã có 07 chị em trong Chi hội học tập, làm theo mô hình của gia đình chị.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến là tấm gương điển hình tiêu biểu về ý chí, tinh thần vượt lên khó khăn. Chị xứng đáng để chị em phụ nữ cùng phấn đấu học tập, làm theo.


Tác giả: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 24
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 31.077
Năm 2024 : 764.485