A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Xuân Tiến, người thanh niên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm

CTTBTG-Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, năm 2016 thay vì ước mơ được vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, anh Nguyễn Xuân Tiến, chàng trai người Tày sinh năm 1991 ở Tổ 9, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã mạnh dạn rẽ ngang, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp.

Gắn với chương trình khởi nghiệp do Đoàn thanh niên tỉnh Hà Giang phát động, anh Tiến thuyết phục gia đình cho đất để đầu tư nhà lưới trồng dưa với ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động nhỏ giọt tại Thôn Nà Thài, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Ban đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng qua sách báo, trang mạng xã hội, hướng dẫn của các tổ chức đoàn đã giúp anh tìm đến kỹ thuật trồng cây áp dụng công nghệ mới, nhờ đó đã bước đầu khởi nghiệp thành công.

 

Anh Tiến (bên phải) cùng thành viên HTX chăm sóc vườn dưa

Năm 2019, từ vài trăm mét vuông đất làm nhà lưới, anh Tiến cùng với 06 thanh niên ở địa phương thành lập hợp tác xã Thanh niên (HTXTN) Phương Tiến do anh Tiến làm giám đốc HTXTN. Để tiếp tục phát triển hợp tác xã, anh Tiến cùng các thành viên HTXTN vay Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Hà Giang 400 triệu đồng và góp thêm vốn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới có ứng dụng công nghệ để trồng các loại dưa có giá trị kinh tế cao, theo hướng an toàn, như dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa lê Bạch Ngọc... Mặc dù trong quá trình khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, thời tiết khắc nghiệt nhưng với ý chí, sức trẻ anh Tiến và các thành viên HTXTN đã nỗ lực vượt khó để đi đến những thành công bước đầu. Đến nay, HTXTN phát triển thêm 02 cơ sở  tại thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) với tổng diện tích trên 3.000m2 nhà lưới. Không ai nghĩ, từ những mảnh đất cằn đến nay đã được thay thế bằng hệ thống nhà lưới trồng cây ăn quả với ứng dụng công nghệ trồng mới, có hệ thống tưới và cung cấp dưỡng chất cho cây tự động, được điều khiển bằng điện thoại thông minh, giúp tiết kiệm công sức, chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Hiện tại trung bình mỗi thành viên của HTXTN có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng từ mô hình này.

Anh Tiến chia sẻ: Nhờ làm chủ công nghệ sản xuất, nếu thị trường đầu ra thuận lợi, bình quân mỗi 1.000m2 hàng năm sẽ mang lại cho HTXTN lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Thời gian tới, HTXTN mong muốn được chính quyền, đoàn thể địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Để có được những kết quả như hôm nay là sự quyết tâm và trí tuệ của anh Tiến và các thành viên HTXTN.


Tác giả: Ly Páo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.768
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 67.124
Năm 2024 : 366.538