Nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám của Chủ tịch Hồ Chí Minh
CTTBTG-Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất” giành chính quyền trong cả nước. Việc dự báo, nhận định đúng thời cơ, nghệ thuật chớp thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là vô cùng quan trọng, yếu tố quyết định đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. |
1. Từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã cảnh báo: Tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới... Đúng như dự đoán, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngay sau khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ hai, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11-1939), Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng (11-1940) đã phân tích tình hình trong và ngoài nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trước mắt, quyết định điều chỉnh về đường lối và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào chống bọn đế quốc và tay sai. Với Bác, việc phân tích tình hình, lựa chọn tình thế, nắm chắc thời cơ đã được thể hiện rõ ngay từ khi Bác còn nằm trong nhà tù của Quốc dân Đảng. Trong bài thơ “Học đánh cờ”, Bác viết: “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”.
Tháng 6-1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Nguyễn Ái Quốc triệu tập một cuộc họp cơ quan của Đảng ở nước ngoài để phân tích tình hình và chuẩn bị kế hoạch hành động. Người đã phân tích và dự báo: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Sau cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tìm cách về nước. Cuối tháng 9-1940, Người đã đưa ra một nhận định cực kỳ quan trọng: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”.
Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba lên đường về nước. Đến ngày 8-02-1941, Người đã đặt chân tới cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trở về nước sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài.
Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 để phân tích tình hình thế giới đang bị tác động sâu sắc bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của các mạng Đông Dương, không biết chớp thời cơ thì vạn năm cũng không đòi lại được. “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”.
Để tập hợp, quy tụ các lực lượng, cá nhân yêu nước trên toàn quốc, theo chủ trương của Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh ra đời với Tuyên ngôn: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn…”. Chương trình Việt Minh nêu rõ: “Liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho nước Việt Nam… lập chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Quốc dân Đại hội cử lên, lấy cờ đỏ, sao vàng năm cánh làm quốc kỳ…”. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, công tác xây dựng lực lượng cách mạng, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi trong toàn quốc. Phong trào xây dựng các đoàn thể cứu quốc, như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc… diễn ra sôi nổi từ cuối năm 1941 ở cả nông thôn và thành thị. Việc xây dựng các căn cứ địa cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Người, khu căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ và trở thành khu giải phóng Việt Bắc. Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Đến giữa năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã phát triển vượt bậc, sẵn sàng cho thời cơ đến.
Tình hình chiến sự đã diễn ra đúng như dự đoán. 21 giờ 30 phút ngày 9-3-1945, Nhật đồng loạt tấn công Pháp trên toàn Đông Dương. Ngày 10-3, quân Pháp đầu hàng Nhật. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp ở Đình Bảng. Hội nghị đã đưa ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị nêu rõ: “Ngay bây giờ phát động chiến tranh du kích, chiếm căn cứ, duy trì và mở rộng chiến tranh du kích phải là phương pháp duy nhất của dân tộc ta để đóng vai trò chủ động trong việc đánh đuổi quân ăn cướp Nhật bản ra khỏi nước, chuẩn bị hưởng ứng quân Đồng minh một cách tích cực”.
Tháng 5-1945, sau khi phát xít Ý, Đức bị đánh bại ở châu Âu, ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. 12 giờ ngày 15-8-1945, Nhật hoàng chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc – đầu hàng Đồng minh. Quân đội Nhật đang đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã; Chính phủ thân Nhật bị lung lay cực điểm.
Ngày 13-8-1945, Kỳ bộ Việt Minh Bắc kỳ đã ra thông báo khẩn: “Thời kỳ tiền khởi nghĩa đã hết, chúng ta đứng trong tình thế trực tiếp khởi nghĩa”. Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện và thời cơ này chỉ tồn tại trong khoảng hai mươi ngày, từ ngày 15-8. Người khẩn trương chỉ đạo Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, cách mạng Việt Nam lúc này đang trong “tình thế vô cùng khẩn cấp”. Đại hội quốc dân (ngày 16 và 17-8) tại Tân Trào đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam - Chính phủ lâm thời sau khi cách mạng thắng lợi.
Ngày 17-8-1945, trước đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước…”.
Ngày 18-8-1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến! Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dười lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.
Đáp lời kêu gọi của Người và Trung ương Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8), toàn thể nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo… đều nhất loạt đứng lên tổ chức khởi nghĩa, lập ra chính quyền nhân dân. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập!”.
2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược. Thắng lợi đó cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính có thể làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.
Nhiều bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đó là bài học về sự kiên quyết điều chỉnh đường lối cách mạng khi cần, trên cơ sở phương hướng chiến lược cách mạng đúng đắn, mục tiêu cách mạng nhất quán. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng không ngừng bổ sung, phát triển, cụ thể hóa đường lối cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Bài học về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi. Nghệ thuật chớp thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là bài học cực kỳ quý báu cho cả hiện tại và tương lai, đang được Đảng và nhân dân ta kế thừa, phát huy, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước. Bài học về tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, tham gia sự nghiệp xây dựng đất nước; nâng cao ý thức tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của dân tộc, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế. Bài học về xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trần Công Huyền