A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Học Bác về tự lực, tự cường để Hà Giang phát triển bền vững

Những ngày này, cùng với khí thế hồ hởi thi đua, lao động sản xuất, mừng Đảng, mừng Xuân, quyết tâm giành thắng lợi ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; cả hệ thống chính trị tỉnh ta cũng tích cực, chủ động triển khai học tập và làm theo Bác về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Năm 2023 đã khép lại với những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng, khó nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã, đang từng bước biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Những thành quả đạt được là minh chứng sinh động về ý chí tự lực, tự cường của đất và người nơi cực Bắc Tổ quốc; sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Trên đà thắng lợi của năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh; cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh ta tiếp tục bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với quyết tâm giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. Cùng với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp được đề ra cho năm “nước rút”, cả hệ thống chính trị tỉnh ta cũng triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, cụ thể hóa chuyên đề học tập làm theo Bác năm 2024 đó là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Đây thực sự là nguồn động lực quan trọng để tỉnh ta tiếp tục đoàn kết, chủ động vượt qua những khó khăn nội tại, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Người dân Cao nguyên đá Đồng Văn bước vào mùa vụ mới với khát vọng mới.                                                    Ảnh: HỒNG NỤ
Người dân Cao nguyên đá Đồng Văn bước vào mùa vụ mới với khát vọng mới. Ảnh: HỒNG NỤ

Trong những năm qua, học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, thúc đẩy tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ý chí tự lực, tự cường cũng là phẩm chất cao đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, tự tôn, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân... tư tưởng này được vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kiên định trong suốt quá trình phát triển đất nước ta.

Nhìn lại quá trình phát triển cho thấy, ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là điểm tựa quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước. Quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến “nội lực bên trong”, ý chí tự cường để hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong các Văn kiện của Đảng như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), về quan điểm, mục tiêu đề ra là “Khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và của cả cộng đồng dân tộc, động viên và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình, cho đất nước”. Văn kiện Đại hội VIII (1996) nhấn mạnh: “Khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu”...

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đồng thời khẳng định sự cần thiết trong việc phát huy vai trò của nhân dân, thực hiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó, nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Trong tổng kết bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Văn kiện Đại hội XIII, cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức dân, chăm lo cho dân: Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Vận dụng nhất quán quan điểm về tự lực, tự cường, ngay từ năm 2011, trong Chương trình số 14-CTr/TU, ngày 13/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra khẩu hiệu hành động: “Quyết tâm không cam chịu đói nghèo; biến khó khăn thành cơ hội phát triển; vì Hà Giang phát triển, hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”. Xây dựng nền văn hóa và con người Hà Giang phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và giàu bản sắc truyền thống; xây dựng con người Hà Giang tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong Nghị quyết Đại hội XVII nêu rõ: Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đi đôi với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của tỉnh.

Thực hiện nhất quán quan điểm trên, tỉnh ta đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách, phù hợp với điều kiện thực tế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2024 - năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, cả hệ thống chính trị tỉnh ta đặt ra quyết tâm cao độ; cùng với những giải pháp đồng bộ được triển khai, thì việc học tập và làm theo Bác về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân sẽ tiếp thêm sức mạnh để chúng ta hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

THIÊN THANH


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.269
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.439
Năm 2024 : 978.137