A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ, đảng viên nêu gương - việc làm thường xuyên, lâu dài - Kỳ II: Lan tỏa những việc làm hay

CTTBTG - Qua việc làm, hoạt động thực tiễn về gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên (CBĐV) đã tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Góp phần cổ vũ, khơi dậy tinh thần tự giác, lan tỏa những việc làm hay, cách làm mới trong cộng đồng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: “Xây dựng thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch và cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II”. Theo đó, Thành ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 02/NQ/TU ngày 21.9.2020 của BTV Thành ủy Hà Giang về xã hội hóa xây dựng, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020 – 2025. Chính quyền thành phố triển khai kế hoạch xã hội hóa chỉnh trang đô thị bài bản, công khai, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Các phường, xã nhận kế hoạch và thông báo về các tổ dân phố, thôn bản để lấy đó làm cơ sở thống nhất triển khai với phương châm lấy CBĐV là hạt nhân của phong trào; CBĐV gương mẫu làm trước rồi vận động nhân dân làm theo.
Đồng chí Đào Quang Diệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang, cho biết: Ban đầu qua nắm bắt tư tưởng của nhân dân, nhiều hộ dân tại các tổ dân phố chưa đồng tình, lý giải việc lát gạch vỉa hè, phá dỡ công trình ảnh hưởng đến vỉa hè, lắp camera an ninh là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng khi được tuyên truyền giải thích, đối thoại, nhất là khi nhìn thấy CBĐV trong các tổ gương mẫu, tiên phong làm trước thì người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc chỉnh trang đô thị rồi hưởng ứng làm theo. Tiêu biểu của việc nêu gương làm trước là các đảng viên: Hoàng Văn Giai tổ 3; Dương Văn Thành, Nguyễn Mạnh Diệp, Nguyễn Khắc Quyền, tổ 4 (phường Minh Khai); Nguyễn Thị Cứ tổ 13, Vũ Hoài Nam tổ 10 (phường Trần Phú); Trần Mai Hoa tổ 18, Nguyễn Văn Thắng tổ 17 (phường Nguyễn Trãi)… Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố Hà Giang đã xã hội hóa lắp đặt được 703 bộ camera an ninh; lát gạch vỉa hè được 41.424 m2; thảm bê tông nhựa được 17 tuyến đường; hoàn thành cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt đường bê tông đã hư hỏng, làm mới 56 tuyến đường phố, ngõ xóm với chiều dài 12 km. Tổng kinh phí thực hiện hơn 85 tỷ đồng, trong đó có gần 30 tỷ đồng do CBĐV và người dân đóng góp.

Cán bộ, nhân dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) tham gia lao động cộng sản làm sạch đường quê.     Ảnh: HOÀNG NGỌC

Cán bộ, nhân dân xã Việt Hồng (Bắc Quang) tham gia lao động cộng sản làm sạch đường quê. 

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của xã Liên Hiệp (Bắc Quang) là phải bứt phá để hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Để đạt tiêu chí số 2 về hệ thống giao thông phải được cứng hóa đến 60%, trong đó nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 15%, tỉnh cung cấp xi măng tới chân công trình. Đảng ủy xã nhận định, muốn huy động nội lực trong dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, vai trò lãnh đạo của Đảng phải được đề cao. Muốn như vậy, từng CBĐV phải thực hiện vai trò nêu gương, đi đầu của mình qua từng hành động, kể từ những việc nhỏ như đi họp đầy đủ, đúng giờ, chỉnh đốn tác phong, ngôn phong trong công việc, giao tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí, phần việc… Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tiên phong của CBĐV, trong năm 2021, xã Liên Hiệp huy động nguồn kinh phí 19,7 tỷ đồng để xây dựng 25 km đường bê tông nông thôn. Trong đó, hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh; trên 1,8 tỷ đồng ngân sách huyện và gần 12,6 tỷ đồng do CBĐV và người dân đóng góp (chiếm 63,86%). Niềm vui lớn nhất là cuối năm 2021, xã Liên Hiệp đã đạt chuẩn NTM, đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp, nỗ lực, quyết tâm của CBĐV, người dân trong xã. Trong thành công chung đó phải kế đến CBĐV, người dân thôn Nà Ôm, có 53 hộ thì 100% tự nguyện hiến đất làm đường, công trình phúc lợi hoặc đóng góp nhân lực, vật lực để hoàn thành hơn 4 km đường bê tông nội thôn, ngoài việc tham gia ngày công, bình quân mỗi hộ đóng góp hơn 30 triệu đồng… Còn tại thôn Muộng, tuyến đường vào nhóm hộ đi qua nhà ông Tô Trọng Sông trước đây là đường mòn, xe máy đi lại khó khăn, nhưng nay 220 m đường được đổ bê tông phẳng phiu, rộng 2,5 m, dày 14 cm, tạo thuận lợi cho việc đi lại của các hộ dân. Đặc biệt, trong tổng kinh phí huy động từ nhân dân thì gia đình đảng viên Tô Trọng Sông tự nguyện đóng góp số tiền 43 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Đông Minh kiểm tra mô hình thí điểm liên kết trồng cây Đậu đỏ xuất khẩu

Lãnh đạo xã Đông Minh kiểm tra mô hình thí điểm liên kết trồng cây Đậu đỏ xuất khẩu. Ảnh: Tư liệu

Thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất ở Đồng Văn. Nhưng nay, Thài Phìn Tủng đã đổi khác, nhà nào cũng nuôi bò, dê, ong nội, nhà cửa khang trang, con trẻ được đến trường học tập đầy đủ; trung bình mỗi hộ trong thôn có 2 con bò trở lên… Có được cuộc sống ấm no ngày hôm nay, dân bản đều nhắc đến công lao rất lớn của Bí thư Chi bộ Giàng Mí Chỏ - người có hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ. “Người Mông mình vốn cần cù, chịu khó, trước đây do không có cách làm phù hợp nên cái nghèo bám lấy dân bản. Mình là đảng viên phải đi đầu, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xóa nghèo” - Bí thư Chi bộ thôn Thài Phìn Tủng Giàng Mí Chỏ chia sẻ. Ông Chỏ cùng các đảng viên bàn bạc, thống nhất xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó xác định trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo là hướng đi chính. Xác định được hướng thoát nghèo, ông Chỏ cùng các đảng viên tích cực tuyên truyền cho người dân. Để người dân tin, nghe và làm theo chủ trương, ông Chỏ thực hiện trước. Lúc đầu ông nuôi 2 con bò, rồi tăng lên 5 – 7 con; mỗi con nuôi tầm 3 tháng, bán có lãi khoảng 3 đến 5 triệu đồng/con. Thấy Bí thư Chỏ nói đúng, nhiều hộ dân trong thôn làm theo. Anh Thào Mí Nô chia sẻ, gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Nghe ông Chỏ vận động phát triển nuôi bò được Nhà nước hỗ trợ vay vốn nên gia đình tôi quyết tâm làm theo. Nay gia đình đã nuôi 5 con bò, 20 con lợn. Không chỉ thoát nghèo mà gia đình anh Nô còn trở thành hộ khá của thôn.

Dòng họ Vàng, dân tộc Mông, thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván (Quản Bạ) bao đời nay còn hủ tục người chết không đưa vào áo quan mà cứ để trong nhà 4 - 5 ngày, gia đình làm thịt 6 – 7 con bò, lợn mời cả làng đến ăn ngay cạnh người đã khuất; việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn khá phổ biến. Thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Để người dân nghe, tin và làm theo, ông Vàng Xín Dư, nguyên là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nghỉ chế độ tại địa phương và sinh hoạt Chi bộ tại thôn Lò Suối Tủng đã vận động anh em, dòng họ mình làm trước. Hàng ngày, ông dành thời gian kiên trì đến từng hộ để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; vận động mỗi hộ đóng góp 400 nghìn đồng/năm vào quỹ đám hiếu của thôn, xã. Đến nay, thôn Lò Suối Tủng không còn hủ tục trong tang lễ, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Sự nêu gương, đi đầu của CBĐV về lối sống, phẩm chất đạo đức và trong công việc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thực sự đã truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Mỗi CBĐV dù ở ngành nghề, lĩnh vực nào chỉ cần làm thật tốt nhiệm vụ được giao, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chính là tấm gương cho quần chúng và nhân dân học tập, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh:  HOÀNG NGỌC


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 821
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.651
Năm 2025 : 25.651