Cán bộ, đảng viên nêu gương việc làm thường xuyên, lâu dài - Kỳ I: Thấm nhuần quan điểm nêu gương
CTTBTG - Nêu gương chính là làm gương trong mọi hành động, việc làm. Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên (CBĐV) luôn là chuẩn mực đạo đức để quần chúng soi rọi, noi theo. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi ở nhiều lĩnh vực, địa phương với sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của CBĐV và người dân. Yếu tố then chốt để thực hiện thành công là từ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần nêu gương đi đầu của CBĐV, trở thành điển hình tiêu biểu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân nhân.
Lãnh đạo huyện Vị Xuyên đối thoại, giải đáp các kiến nghị của người dân thôn Bản Sáng, xã Linh Hồ. |
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “… Mỗi CBĐV, người đứng đầu cần phát huy vai trò nêu gương trong hoạt động thực tiễn, bằng những việc làm cụ thể. Phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy CBĐV phải làm gương mẫu”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ CBĐV trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, qua hoạt động thực tiễn và coi đó là điều kiện, tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá phẩm chất, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBĐV, mỗi cấp, ngành.
Đảng ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Nội dung nêu gương của CBĐV ngày một được hoàn thiện và chỉ rõ tại Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng đã đưa ra 7 nội dung về trách nhiệm nêu gương, đó là: Nêu gương về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; về quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Tiếp đó, ngày 19/12/2016 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CBĐV. Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của CBĐV, nhất là người đứng đầu; kiên quyết đấu tranh phòng chống có hiệu quả chủ nghĩa cơ hội”…
Trên cơ sở đó, tỉnh ta xác định rõ việc trách nhiệm nêu gương của CBĐV phải được thể hiện trong đạo đức, lối sống, tác phong, nêu cao ý thức chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước, tinh thần trách nhiệm trong công tác, phục vụ nhân dân. Quan điểm về việc thực hiện nêu gương tiếp tục được tỉnh ta cụ thể hóa tại Quy định số 652-QĐ/TU, ngày 6/3/2013 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước; Quy định số 653-QĐ/TU, ngày 6/3/2013 về trách nhiệm nêu gương của đảng viên ở thôn, tổ dân phố. Tại Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tái khẳng đỉnh: “Nâng cao và phát huy vai trò của CBĐV trong thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương”.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, với phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, quan tâm triển khai thực hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định nêu gương của Trung ương, tỉnh. Đội ngũ CBĐV tích cực tham gia nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng, tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị. Trong giai đoạn 2015 đến nay, đã có trên 860.400 lượt CBĐV tham gia 10.521 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; hơn 865.000 lượt CBĐV tham gia 812 hội nghị cập nhật kiến thức; 1.971 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị… Đội ngũ CBĐV tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, suy thoái về đạo đức, lối sống.
Với tinh thần cầu thị, tự giác, không né tránh, các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình trong đội ngũ CBĐV thông qua các hình thức như: Sinh hoạt chi bộ định kỳ, đột xuất, kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh đánh giá, xếp loại chất lượng 67.259 đảng viên, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10.379 đảng viên, chiếm 15,43%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 51.577 đảng viên, chiếm 76,7%; hoàn thành nhiệm vụ 5.028 đảng viên, chiếm 7,47%; không hoàn thành nhiệm vụ 275 đảng viên, chiếm 0,4%. Qua đánh giá, phân loại, tự phê bình và phê bình đã từng bước khắc phục tình trạng không tự giác, nể nang, né tránh, đồng thời nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo phương châm tự soi, tự sửa, tự khắc phục. Đội ngũ CBĐV đặc biệt chú trọng nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực trong việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ CBĐV. Tiêu biểu như: Thành phố Hà Giang duy trì hiệu quả diễn đàn “Chiều thứ 6 nghe dân nói”; Công an tỉnh tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”; huyện Quản Bạ với diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân nghe” và Hội nghị “Đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân ở cơ sở”; huyện Vị Xuyên với diễn đàn “Đối thoại trực tiếp với nhân dân”; huyện Hoàng Su Phì với phong trào “Ngày nghỉ hướng về Nông thôn mới và nhà ở”; huyện Bắc Quang với phong trào “Lao động cộng sản”…
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, mỗi CBĐV trong tỉnh tiếp tục thấm nhuần, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về nêu gương để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng hình ảnh người CBĐV đi đầu, tận tụy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC