A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập gương sáng Nguyễn Thị Minh Khai trong công tác vận động phụ nữ

CTTBTG - Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30 -9 -1910, trong một gia đình viên chức tại Vinh (Nghệ An), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Tiếp thu truyền thống của quê hương và gia đình, được tận mắt chứng kiến cảnh lầm than của người dân mất nước, ngay từ khi còn trẻ tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai đã tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, theo đuổi mục tiêu lý tưởng đã chọn. 15 năm hoạt động cách mạng (1926-1941), Nguyễn Thị Minh Khai đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Bài viết nêu lên những đóng góp của Nguyễn Thị Minh Khai trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và bài học rút ra hiện nay.

Học tập gương sáng Nguyễn Thị Minh Khai trong công tác vận động phụ nữ

Một số tài liệu về đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ảnh: btxvnt.org.vn

1. Tích cực tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia cách mạng

Năm 1926, Nguyễn Thị Minh Khai theo học Trường tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục (Nghệ An). Khi đó, phần lớn các thầy giáo dạy ở Trường Cao Xuân Dục là những trí thức yêu nước, tham gia vào tổ chức Phục Việt - một tổ chức yêu nước được thành lập ở Vinh (Nghệ An), tháng 7-1925(1), như Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Hà Huy Tập, Trần Văn Tăng… Được các thầy giáo dục, giác ngộ, hướng dẫn, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực tham gia vào phong trào yêu nước, như tham gia đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, tham gia vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh… Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai là người phụ nữ đầu tiên gia nhập tổ chức Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội (tên mới của Phục Việt). 

Khoảng thời gian cuối 1927 đến cuối 1928, số cán bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đi dự huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) trở về hoạt động ở Vinh, Nguyễn Thị Minh Khai đã bí mật liên lạc. Qua đó, Chị được tiếp cận với nhiều tài liệu, sách báo tiến bộ, trong đó có nhiều bài đăng trên Tuần báo Thanh niên giới thiệu vai trò của phụ nữ Liên Xô dưới chế độ Xô viết. Chị đã có sự so sánh giữa địa vị, vai trò của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến, khi mà họ dường như không được hưởng một chút tự do bình đẳng nào với địa vị, vai trò của những người phụ nữ dưới chế độ Xô viết. Điều đó càng thôi thúc Chị vững bước đấu tranh để làm sao giải phóng được nhân dân lao động khổ cực, làm sao giải phóng được người phụ nữ. Chị càng ý thức hơn việc tích cực hoạt động cách mạng góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng người phụ nữ của các dân tộc phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vượt lên trên mọi sự ràng buộc của gia đình và xã hội, Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tuyên truyền, vận động trong giới phụ nữ, ra sức kêu gọi chị em phụ nữ đứng lên đấu tranh giành quyền lợi cho bản thân mình. Nguyễn Thị Minh Khai thường xuyên giúp đỡ chị em khi họ gặp khó khăn, tìm hiểu những mặt mạnh, mặt yếu của từng người, gắn kết chị em trong một khối đoàn kết, thương yêu và sống có trách nhiệm với nhau. Nguyễn Thị Minh Khai luôn gần gũi, động viên và tuyên truyền, giác ngộ chị em, bồi dưỡng những chị em tích cực làm nhân tố, nòng cốt cho phong trào. Thông qua đó, nhiều phụ nữ hăng hái đã được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, trở thành những cán bộ cốt cán trong phong trào, như: Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế... Cứ như vậy, số chị em tham gia cách mạng ngày càng nhiều. Phong trào đấu tranh của phụ nữ ngày càng sôi nổi hơn, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Vinh (Nghệ An) mạnh lên. 

Trong bản lý lịch tự khai sau này, Nguyễn Thị Minh Khai viết: “Đến năm 1928 “phụ nữ đoàn” phát triển thêm được 50 người: 1 đoàn thể công nhân ở nhà máy Diêm 20 người, 1 đoàn thể công nhân Nhà máy Cưa 5 người, 1 nữ sinh đoàn được 4 người, ở đường phố và nhà quê được 11 người”(2). Với những đóng góp đối với phong trào cách mạng nói chung và phong trào phụ nữ nói riêng, Nguyễn Thị Minh Khai được cử làm Bí thư Phụ nữ đoàn và tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tân Việt tỉnh Nghệ An(3).

Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Ngay sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng phân công một số cán bộ vào Trung Kỳ và Nam Kỳ để gây dựng cơ sở và phát triển lực lượng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung được giao nhiệm vụ vào Trung Kỳ để phát triển Đảng. Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều nữ đồng chí trong tổ chức Tân Việt (Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế…) đã chuyển sang Đông Dương Cộng sản Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực hoạt động xây dựng và phát triển các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí đã tích cực vận động chị em phụ nữ tham gia các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ nhằm xúc tiến hợp nhất các tổ chức Đảng, thành lập một chính Đảng duy nhất, để thống nhất lực lượng.

Nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-1929), Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương phát động quần chúng nhân dân đấu tranh, treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, in báo để tuyên truyền. Vấn đề may cờ được giao cho Nguyễn Thị Minh Khai phụ trách. Đồng chí đã giao vải may cờ cho hai chị em Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu, sau đó đem phân phát xuống từng cơ sở. Ngày Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng với truyền đơn được rải, cờ đỏ búa liềm được treo trên các cây cao, đình làng, ở nhiều địa điểm đông người qua lại. Lần đầu tiên nhân dân huyện Nghi Lộc được nhìn thấy cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới. Sau đợt treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, phong trào cách mạng của huyện Nghi Lộc đã phát triển mạnh.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, được tổ chức phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ công nhân, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy (Nghệ An).

Tại Vinh, Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tuyên truyền, vận động công nhân đấu tranh, mở các lớp dạy học ban đêm cho công nhân. Nhận thức của nữ công nhân ngày càng được nâng lên. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931.

 Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định với các Đảng Cộng sản trên thế giới: "Chúng tôi sẽ gắng sức để làm cho phụ nữ lao động Đông Dương thực sự là chiến sĩ bảo vệ hòa bình". Quan điểm đó khẳng định rõ vai trò của người phụ nữ, không chỉ động viên khích lệ và khơi dậy mạnh mẽ chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội.

Theo yêu cầu của Đảng, trong năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức cử sang Trung Quốc hoạt động. Dù hoạt động ở nước ngoài nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm, theo dõi mọi hoạt động của phong trào của phụ nữ. Chị xúc động trước những thành tích hoạt động hăng hái và tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của chị em phụ nữ quê nhà trong các cuộc đấu tranh chống áp bức cường quyền để giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.

2. Có nhiều đóng góp với Quốc tế Cộng sản về vai trò của phụ nữ trong đấu tranh giải phóng dân tộc

Tháng 7-1935, diễn ra Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản(4). Nguyễn Thị Minh Khai với tên Phan Lan trong Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội.

Trong phiên họp thứ 40, ngày 16-8-1935, lần đầu tiên trên diễn đàn Đại hội quốc tế, một phụ nữ Việt Nam, 24 tuổi đã có bài tham luận trình bày tại Đại hội, tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã thi hành chính sách tàn bạo, dã man đối với nhân dân Đông Dương, nhất là đối với phụ nữ; nêu bật vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Đồng chí nêu rõ: “Chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân của các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người bị khổ cực gấp bội hơn các đồng chí ở Tây Âu, đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng. Những nữ anh hùng nước Tàu, những nữ công nhân và nông dân Đông Dương đang trở thành lực lượng thực sự trong hàng ngũ cách mạng của các nước thuộc địa phương Đông”(5). Đồng chí nhấn mạnh “Tôi cần phải nói rằng ở Đông Dương chúng tôi, đặc biệt trong thời kỳ cao trào cách mạng, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào công cuộc đấu tranh cách mạng, họ tham dự các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh. Cần phải nhấn mạnh thêm là nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và buộc binh lính phải thoái lui, phải đồng tình… Trong Đảng chúng tôi đã có nhiều nữ đảng viên… Họ tham gia các cuộc bãi công của thợ thuyền và tranh đấu của dân cày. Nữ công nhân và nữ dân nghèo thành thị đang say sưa tranh đấu”(6). Tham luận của Nguyễn Thị Minh Khai được các đại biểu tham dự Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh.

Với tư cách đại biểu chính thức của Thanh niên Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên (10-1935). Tại phiên họp thứ 13, ngày 3-10-1935, Nguyễn Thị Minh Khai đã có bài phát biểu quan trọng, khái quát tình hình thanh niên Đông Dương, tình cảnh của thanh niên công nhân, nông dân, trí thức; hoạt động của thanh niên và những nhiệm vụ trước mắt của Thanh niên Cộng sản đoàn Đông Dương. Một trong bốn nhiệm vụ trước mắt là “đặc biệt chú ý đến quần chúng nữ thanh niên, thiếu nữ các dân tộc thiểu số”(7). Tham luận của đồng chí đã được các đoàn đại biểu Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp… nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng, biểu thị bằng cách cùng nhau hát vang bài Cận vệ thanh niên.

Những bài phát biểu của Nguyễn Thị Minh Khai tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Đại hội VI Quốc tế Thanh niên đã giúp Quốc tế Cộng sản hiểu rõ hơn tình hình ở thuộc địa và tình cảnh của người dân thuộc địa, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ; đặt ra nhiệm vụ cho các đảng cộng sản cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Sau khi tham dự các Đại hội của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Thị Minh Khai ở lại Liên Xô tiếp tục học tập tại Trường Đại học Phương Đông khoảng một năm. Trong thời gian này, đồng chí viết nhiều bài về Đảng, về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, về quan điểm của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ. Về công tác vận động phụ nữ, đồng chí viết: “Nếu mỗi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực mà bỏ công việc xã hội thì công chuyện phụ nữ giải phóng không biết đến đời nào sẽ thực hiện? Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ, đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mỗi người”(8). Theo đồng chí, muốn hoàn toàn giải phóng và bình đẳng, thì cần phải thay đổi chế độ xã hội hiện thời. Đồng chí nêu quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương là, đấu tranh giải phóng mọi người khỏi ách áp bức thực dân, trong đó có giải phóng phụ nữ. Đồng chí cũng vạch trần bộ mặt thật của kẻ đi xâm lược, không phải đi “khai hóa, bảo hộ”, mà là xâm lược Việt Nam, xâm phạm quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam.

3. Một nữ Bí thư Thành ủy tài năng

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, cuối năm 1936, Nguyễn Thị Minh Khai được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Đầu năm 1937, đồng chí về Sài Gòn hoạt động, được bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ. Cùng với các đồng chí trong Xứ ủy, Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực hoạt động, làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi, bám sát cơ sở, tổ chức các cuộc đấu tranh ở thành phố. Cuối năm 1937, Đồng chí được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và trở thành một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1938-1939 ở Sài Gòn. Đồng chí đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, công nhân Công ty Hỏa Xa Sài Gòn, công nhân và phụ nữ Hóc Môn, Gia Định; mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ ở Thành phố và các lớp huấn luyện cho cán bộ nữ ở các tỉnh Nam Bộ; viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề chống phản động thuộc địa, chống phong kiến, về quyền bình đẳng của phụ nữ và vận động phụ nữ tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Tuy không phải là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng với uy tín và trình độ lý luận sắc bén, đồng chí được Trung ương mời tham gia thảo luận trong hầu hết các cuộc Hội nghị Trung ương họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, như: Hội nghị tháng 3-1937, tháng 9-1937 và tháng 3-1938.

4. Những bài học kinh nghiệm qua công tác vận động phụ nữ của Nguyễn Thị Minh Khai

Quá trình hoạt động, phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ của Nguyễn Thị Minh Khai, đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác vận động phụ nữ:

Thứ nhất, phụ nữ cần có ý chí, nghị lực, tinh thần tự học tập, không quản ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu cho sự nghiệp chung của dân tộc

Suốt những năm tháng ở quê nhà, tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than khổ cực của những người nông dân, những công nhân, thợ thuyền,... chứng kiến ách áp bức bóc lột của thực dân đế quốc; cùng tinh thần đấu tranh trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng... đã hun đúc nên một Nguyễn Thị Minh Khai chí thép, kiên cường, suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Lời tuyên thệ khi được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội chính là lời thề chiến đấu của Nguyễn Thị Minh Khai: “Tôi không tham tài, không tham sức, không tham danh, không tham lợi, chỉ tham cái tư cách cao thượng của người quốc dân. Tôi không sợ nghèo, không sợ khổ, không sợ chết, không sợ tù, chỉ sợ không làm được chi”.

Sự tiến bộ nhanh ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, quá trình tham gia cách mạng tại Vinh, Nguyễn Thị Minh Khai đã được cách mạng tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình học tập và công tác, đồng chí luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc nên mọi nhiệm vụ được giao đồng chí luôn hoàn thành tốt. Trong thực hiện nhiệm vụ, đồng chí vừa phải tránh sự theo dõi của bọn mật thám, vừa phải liên hệ mật thiết với quần chúng, đặc biệt phải luôn nắm bắt tình hình để đề ra cách thức tổ chức, thực hiện các kế hoạch trong tổ chức đấu tranh. Trí, tài và ngọn lửa cách mạng, dòng máu cách mạng luôn sáng bừng đã thôi thúc đồng chí vượt lên phía trước để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Trong tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí đã có công rất lớn trong vận động, giáo dục về lý luận, tư tưởng cho nhiều cán bộ, nhất là cán bộ nữ; nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ, góp phần không nhỏ vào khôi phục lại phong trào sau cuộc khủng bố trắng của địch năm 1930 - 1931. 

Thứ hai, kiên định mục tiêu cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ

Công lao lớn của Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ là tham gia vận động cách mạng, tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong tổ chức Đảng mà đặc biệt, đồng chí là một trong những cán bộ nữ đầu tiên của Việt Nam trực tiếp tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong phong trào cách mạng. Từ việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, đúc rút kinh nghiệm, những kiến thức thực tiễn, đồng chí cùng các học trò ưu tú của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần giáo dục lý luận, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào phong trào quần chúng. Với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Thị Minh Khai trực tiếp giáo dục, vận động, động viên quần chúng, đặc biệt là chị em phụ nữ tham gia có tổ chức trong các phong trào đấu tranh. Trong các phong trào này, đồng chí trực tiếp tham gia và cũng là người tổ chức lãnh đạo, tập hợp quần chúng để thực hiện đấu tranh có kế hoạch, tổ chức và phát triển quy mô. Đây thật sự là công lao to lớn, lâu dài của nữ chiến sỹ cộng sản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí luôn động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Đặc biệt, với phụ nữ, đồng chí nhìn thấy vai trò lớn lao của họ trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc và hòa bình thế giới. Vì thế, ngay từ khi đứng vào hàng ngũ Việt Nam Cách mạng Đảng, đồng chí đã phụ trách nhiệm vụ vận động, tập hợp, tổ chức các chi hội phụ nữ tham gia chống Pháp. 

Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định với các Đảng Cộng sản trên thế giới: “Chúng tôi sẽ gắng sức để làm cho phụ nữ lao động Đông Dương thực sự là chiến sĩ bảo vệ hòa bình”. Quan điểm đó khẳng định rõ vai trò của người phụ nữ, không chỉ động viên khích lệ và khơi dậy mạnh mẽ chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội.

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), chúng ta tưởng nhớ đến Nguyễn Thị Minh Khai một người con trung hiếu của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một Bí thư Thành ủy mẫu mực, đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Nhớ về Nguyễn Thị Minh Khai là để tô đậm thêm tấm gương người phụ nữ quên thân vì nước, hy sinh vì lý tưởng, là để nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên nữ nói riêng ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm trước dân tộc, nhân dân và Đảng, quyết tâm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

_________________

(1) Tổ chức Phục Việt được thành lập tháng 7-1925, tháng 3-1926 đổi thành Hưng Nam; tháng 7-1926 đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng; tháng 7-1927, đổi thành Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội; tháng 7-1928 đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng.

(2), (3) Lý lịch Phan Lan (bản viết tay, tiếng Việt), lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh, ký hiệu HS 28/344. Bản chụp lưu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.

(4) Đại hội VII Quốc tế cộng sản họp từ ngày 25-7-1935 đến ngày 21-8-1935.

(5), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.339-340, 345-346, 351-358.

(8) Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM DUNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tapj chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 145
Hôm qua : 2.756
Tháng 04 : 72.525
Năm 2024 : 260.865