A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Gần 99% thôn, bản đã được phủ sóng di động

CTTBTG - Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin với 18/22 cơ sở dữ liệu quốc gia; hỗ trợ gần 31.100 hộ nghèo, cận nghèo sử dụng dịch vụ Internet; đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số cho 29 xã, thị trấn; phủ sóng di động 98,89% số thôn trên địa bàn tỉnh...

 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh chủ trì phiên họp. (Ảnh: Sở TTTT tỉnh Hà Giang).

Thông tin được đưa ra tại phiên họp quý II năm 2024 của Ban Điều hành chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hà Giang, diễn ra sáng 18/6. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin với 18/22 cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực, chủ động huy động nguồn lực triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số. 100% các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.

Quan tâm triển khai quyết liệt 92 chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số. Lũy kế đến hết ngày 31/5/2024, số lượng nhiệm vụ, chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành đối với từng nhóm nhiệm vụ, trong đó hoàn thành 10/20 chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số và an toàn thông tin; 12/27 chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số; 20/33 nhiệm vụ, mô hình về Đề án 06.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại Hà Giang đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin với 18/22 cơ sở dữ liệu quốc gia; nhiều cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành đã và đang được xây dựng. Tỷ lệ thôn được phủ sóng di động đạt 98,89% (còn 23 thôn trắng sóng); hỗ trợ gần 31.100 hộ nghèo, cận nghèo sử dụng dịch vụ Internet thông qua chương trình viễn thông công ích; đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số cho 29 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hoá đơn điện tử, được triển khai rộng khắp làm thay đổi căn bản nhận thức và thói quen của người dân và du khách, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý nguồn thu của tỉnh. 100% sản phẩm OCOP được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế số.

Các mô hình của Đề án 06 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nhiều loại hình dịch vụ dựa trên công nghệ số được xã hội quan tâm sử dụng, phương thức sống và làm việc đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng chuyển đổi số. Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang được quan tâm, đăng tải nhiều trên nền tảng số trên không gian mạng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh trong quý II năm 2024 còn một số hạn chế như: số lượng máy điện thoại 2G trên địa bàn tỉnh còn cao; toàn tỉnh còn 23 thôn trắng sóng; một số tiêu chí trong Bộ chỉ số chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông khó hoàn thành như: Tỷ lệ người dân có chữ ký số; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử…; công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin còn chậm.

Tham dự phiên họp, các đại biểu đã tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị đề xuất nhiều giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực mình, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn.

 Hà Giang đã phủ sóng di động 98,89% số thôn; hỗ trợ gần 31.100 hộ nghèo, cận nghèo sử dụng dịch vụ Internet; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số cho 29 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh... (Ảnh: Ngọc Hải/Báo Dân Việt).

Hoàn thành hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang

Ghi nhận sự vào cuộc tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số, tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Sở TT&TT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt các trạm phát sóng di động tại các thôn, bản trắng sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phối hợp các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai hoàn thành hệ thống điều hành thông minh tỉnh Hà Giang, đưa các hệ thống họp  không giấy tờ, Hệ thống báo cáo và Hệ thống chỉ đạo, điều hành vào sử dụng diện rộng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trên hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền và thu hút người dân tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai chính sách, tạo sự đồng thuận giữa nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các sở ngành, UBND các huyện, thành phố chủ trì, rà soát và cấu trúc lại quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.

Khẩn trương hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua Nền tảng chia sể tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đảm bảo đúng tiến độ. Phổ biến, tuyên truyền kịp thời Thể lệ và các nội dung liên quan đến Cuộc thi trực tuyến “Xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang” tại các cuộc họp, hội nghị các cơ quan, đơn vị; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Cuộc thi trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội do cơ quan mình quản lý…

Nhóm PV


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 965
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.217
Năm 2024 : 504.603