Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn
CTTBTG - Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, gắn với giảng dạy sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bài viết đánh giá thực trạng công tác nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này, hướng tới hoàn thiện, bảo đảm các tiêu chí, đáp ứng mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn.
Trường Chính trị tỉnh Hà Giang - Ảnh: baohagiang.vn
1. Công tác nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị hiện nay
Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học... Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ghi rõ: “trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương”. Như vậy, Quy định số 09-QĐi/TW đã tiếp tục làm rõ và nâng cao chức trách, nhiệm vụ của các trường chính trị. Theo đó, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của các trường phải được coi trọng “ngang bằng” với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương.
Thực tiễn cho thấy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị liên quan rất lớn tới công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường. Bởi lẽ, các khung chương trình, giáo trình, các quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) và các cơ quan có thẩm quyền ban hành chỉ định hướng, cung cấp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên những thể chế, kiến thức cơ bản. Để làm sâu sắc nội dung bài giảng, làm cho bài giảng có sức thuyết phục và thiết thực thì nhà trường và giảng viên phải liên hệ với thực tiễn địa phương, bổ sung rất nhiều kiến thức thực tiễn, những vấn đề mới.
Đồng thời, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, trường chính trị cung cấp luận cứ khoa học cho công tác tham mưu, xây dựng thể chế, tư vấn, phản biện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội địa phương.
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Quy định số 09-QĐi/TW đến nay, nhiều trường chính trị đã chủ động, tích cực hơn và dần đưa công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường thành nền nếp; chất lượng nghiên cứu khoa học của trường, của từng khoa, từng giảng viên được nâng lên.
Những kết quả đạt được của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở nhiều trường chính trị đã bám sát nhiệm vụ chính trị cũng như giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương. Nhiều trường đã coi trọng tính ứng dụng, xã hội hóa kết quả nghiên cứu, trên quan điểm lấy chất lượng, tính khả thi và hiệu quả thực tiễn làm tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá kết quả hoạt động khoa học.
Nhiều trường đã bám sát các nghị quyết của Đảng, đảng bộ, chương trình, giáo trình của Học viện để xác định các chủ đề nghiên cứu nhằm làm rõ, làm sâu sắc hơn các nội dung chương trình, phục vụ cho công tác giảng dạy của từng môn học, phần học.
Một số trường bước đầu đẩy mạnh hướng nghiên cứu phục vụ tư vấn chủ trương, cơ chế, kế hoạch của địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2021, các trường chính trị đã triển khai nghiên cứu 247 đề tài khoa học cấp trường và đề tài khoa học cấp khoa, phòng; tổ chức 04 hội thảo cấp nhà nước, 44 hội thảo khoa học cấp cụm, 39 hội thảo cấp tỉnh, 185 hội thảo cấp khoa, cấp trường, 121 tọa đàm khoa học các cấp. Xuất bản định kỳ từ 2 đến 4 số bản tin, nội san Thông tin Lý luận và thực tiễn; 17 đầu sách chuyên khảo, tham khảo, có 26 bài đăng tạp chí nước ngoài, 377 bài đăng tạp chí có chỉ số ISSN.
Thực hiện hướng dẫn của Học viện về biên soạn tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương” thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị, với sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, hiện nay 63/63 trường đã hoàn thành biên soạn và được Học viện tổ chức thẩm định, nghiệm thu đạt yêu cầu; tính đến ngày 02-6-2022 có 49/63 trường chính trị đã xuất bản, còn lại đều đang trong giai đoạn xuất bản. Tập bài giảng gồm các chuyên đề bám sát thực tiễn xây dựng và phát triển của địa phương, được các giảng viên nghiên cứu và đưa vào giảng dạy trong chương trình trung cấp lý luận chính trị.
Một số trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ động đưa ra các nhiệm vụ khoa học cho giảng viên nghiên cứu để từ đó bổ sung cho bài giảng những kiến thức thực tiễn. Điển hình như Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã có 7 đề tài khoa học cấp tỉnh, nhiều đề tài khoa học cấp trường, in được nhiều sách chuyên khảo. Trong những năm qua, được Tỉnh ủy giao xây dựng và in tài liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ xã, phường, thị trấn; Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Chính trị tỉnh Hà Tĩnh, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh... là những điểm sáng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và là những trường có nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp bộ.
Nhiều trường đã xây dựng cơ chế tổ chức hội thảo liên trường, cụm thi đua với những chủ đề rất thiết thực đối với đội ngũ giảng viên.
Nhiều giảng viên đã chủ động tìm tòi và có những nghiên cứu chuyên sâu. Những nội dung nghiên cứu tập trung làm rõ hơn, sâu sắc hơn về phương pháp, nội dung khai thác, phát triển các phần học, các nội dung về lý luận ứng dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy. Nhiều bài viết đã được đăng tải trên các bản tin, kỷ yếu hội thảo khoa học và trên tạp chí. Những bài viết có chất lượng này đã có sức lan tỏa, là cơ sở để cán bộ, giảng viên các trường tham khảo, nghiên cứu, học tập.
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Quy định số 09-QĐi/TW đến nay, nhiều trường chính trị đã chủ động, tích cực hơn và dần đưa công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường thành nền nếp; chất lượng nghiên cứu khoa học của trường, của từng khoa, từng giảng viên được nâng lên. | Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nhiều trường đã thành lập chuyên mục trên trang thông tin điện tử, đăng bài, dẫn tải các bài viết về chủ đề này như Trường Chính trị tỉnh An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Nghệ An, Yên Bái... |
Trong năm 2021, 100% trường tham gia viết bài hưởng ứng cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới do Học viện phát động.Đã có 66/74 trường chính trị, trường bộ, ngành tham gia với 764 bài viết gửi về Ban Tổ chức. Trong đó, 2 tập thể (Trường Chính trị tỉnh Bến Tre và Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh), 19 cá nhân là cán bộ trường chính trị đã đoạt giải.
Một số hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị
Số đề tài khoa học (nhiệm vụ khoa học) cấp tỉnh, cấp bộ chưa nhiều. Công tác nghiên cứu tư vấn, cung cấp luận cứ cho hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương chưa thực sự được chú trọng. Qua rà soát, đối chiếu các tiêu chí về hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường chính trị cấp tỉnh theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư thì hiện nay có tới 56/63 trường chưa đạt tỷ lệ về đề tài khoa học; 53/63 trường chưa đạt tiêu chí về xuất bản sách; 45/63 trường chưa đạt tiêu chí về xuất bản bản tin; 39/63 trường chưa đạt tiêu chí về hội thảo, tọa đàm khoa học(1).
Chưa có sự đồng bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều trường chỉ tập trung vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, chưa thực sự chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hoặc chỉ dừng ở việc giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (cấp trường, cấp khoa). Theo đó, các nhiệm vụ khoa học chỉ mang tính nghiên cứu nhỏ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trước mắt cho đội ngũ giảng viên, chưa thực sự nghiên cứu về các nhóm, các lĩnh vực, có khả năng ứng dụng rộng, hoặc có thể tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học thành các đề xuất, kiến nghị tổng kết thực tiễn cho địa phương. Chính vì vậy, có tình trạng, nhiều trường trong nhiều năm không có đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh hoặc có thì rất ít và không duy trì thường xuyên qua các năm.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2022, có 22/63 trường không được giao đề tài cấp tỉnh (chiếm 34,92%); 26/63 trường có 01 đề tài cấp tỉnh (41,27%); 11/63 trường có 02 đề tài cấp tỉnh (chiếm 17,46%); 01/63 trường có 03 đề tài cấp tỉnh (chiếm 1,59%); 02/63 trường có 4 đề tài cấp tỉnh, cấp bộ (chiếm 3,17%); 01/63 trường có 07 đề tài cấp tỉnh (chiếm 1,59%).
Giai đoạn 2020-2022, trong 63 trường chính trị chỉ có 23 trường có đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, cấp bộ được giao (đã hoàn thành) đạt 36,51%.
Việc xuất bản bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn của các trường chưa đều, có trường duy trì 2 số/năm, có trường chỉ 1 số/năm; trung bình là 3 số/năm. Chất lượng bản tin của nhiều trường chưa cao, nhiều nội dung chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin, đưa các tin tư liệu hình ảnh, chưa phản ánh được chiều sâu các nội dung nghiên cứu. Nhiều trường trong nhiều năm không xuất bản được sách chuyên khảo, hoặc có rất ít.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được
Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm xây dựng hệ thống trường chính trị. Trung ương Đảng, Học viện đã quan tâm và ngày càng hoàn thiện các quy định, thể chế về công tác trường chính trị một cách chặt chẽ, khoa học hơn. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn là căn cứ để đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực và nội dung hoạt động, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Mục đích nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý về chuyên môn đối với các trường chính trị. Thời gian qua, Học viện đã ban hành bộ quy chế về quản lý đào tạo, quản lý hoạt động bồi dưỡng, ban hành khung chương trình mới về đào tạo trung cấp lý luận chính trị, các chương trình bồi dưỡng mới, là cơ sở cho các trường chính trị triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học sát với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Đồng thời, Học viện đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường, tăng cường quản lý kết nối hệ thống, có nhiều định hướng cho các trường để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, quan tâm lắng nghe ý kiến đề xuất, góp ý của các trường, do vậy đã kịp thời giúp các trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ban lãnh đạo nhiều trường chính trị đã nhận thức đúng và làm tốt việc định hướng, đặt ra những yêu cầu về nghiên cứu khoa học, thường xuyên đôn đốc và đưa vào các kế hoạch hoạt động cụ thể của trường về nghiên cứu khoa học, yêu cầu các khoa, các giảng viên phải có định hướng nghiên cứu cụ thể để đáp ứng chuẩn về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Nguyên nhân của những hạn chế trong nghiên cứu khoa học
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với công tác trường chính trị có lúc, có nơi chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ của trường.
Công tác quản lý, điều hành của một số trường chính trị thiếu sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo; chưa có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Công tác nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Nhiều lãnh đạo trường chưa chủ động triển khai hoạt động này; chưa chủ động đề xuất các vấn đề mới, khó cần nghiên cứu, luận giải để từ đó tìm ra giải pháp, đề xuất kiến nghị, tham mưu chính sách cho địa phương. Chưa phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.
Nhiều trường thụ động, trông chờ tỉnh, sở khoa học công nghệ giao nhiệm vụ hoặc mới chỉ dừng ở việc giao một vài hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở cho khoa, phòng, tập trung chủ yếu vào những nội dung mang tính chất gợi mở, làm rõ các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động giảng dạy trung cấp lý luận chính trị ở từng phần học, môn học. Có trường lại chỉ tập trung vào hoạt động nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, hội thảo cấp khu vực mà không chú trọng hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở.
Trình độ nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đều: vẫn còn tình trạng giảng viên chưa nắm vững phương pháp nghiên cứu; chất lượng hoạt động khoa học chưa cao. Nhiều giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học mang tính đối phó, viết bài để bảo đảm quy định về định mức nghiên cứu khoa học, chất lượng bài viết nghiên cứu chưa sâu. Nhiều giảng viên chưa thực sự chủ động chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chủ yếu tập trung vào việc soạn bài, giảng dạy các lớp được giao, mà chưa nhận thức rõ nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, làm tốt hơn chức trách nghề nghiệp nhà giáo.
2. Giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường chính trị
Một là, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường hướng dẫn các trường chính trị đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án 587 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên Học viện và các trường chính trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo giảng viên lý luận chính trị; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường chính trị.
Học viện tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm định hướng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của các trường như: Triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ các trường tổ chức các hội thảo khoa học cấp bộ(2), xây dựng mẫu cụ thể để tổ chức hội thảo cấp bộ, xây dựng nhóm chuyên gia hỗ trợ các trường về định hướng nội dung nghiên cứu; triển khai hỗ trợ tư vấn cho các trường trong xây dựng đề cương và tổ chức nghiệm thu đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ.
Đây là những cách làm mới, có sức lan tỏa trong hoạt động nghiên cứu khoa học, làm cơ sở để các nhà khoa học của Học viện và nhà khoa học quốc tế tham gia đồng hành cùng với các trường, tạo động lực để các trường quyết tâm, nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học đạt chất lượng, hiệu quả.
Ban Chủ nhiệm Đề án 587 tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, tập huấn quy trình triển khai đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đổi mới, xây dựng lại chương trình, nội dung chuyên đề bài giảng theo hướng cụ thể các quy trình, cách làm, các bước xây dựng thuyết minh đề tài, đề dẫn, tổng quan, báo cáo kiến nghị...
Hai là, đối với các tỉnh ủy, thành ủy, trên cơ sở triển khai Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, tiếp tục yêu cầu trường chính trị xây dựng, hoàn thiện đề án trường chính trị chuẩn, trong đó làm rõ các nội dung tiêu chí thiếu, nhất là tiêu chí về nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, tỉnh ủy, thành ủy hỗ trợ các trường xây dựng và triển khai tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, cụ thể như: giao cho trường xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về các vấn đề xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, tổng kết mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới... phù hợp với khả năng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường. Đồng thời, thường xuyên quan tâm việc thực hiện đề án trường chính trị chuẩn. Giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với trường chính trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ba là, đối với từng trường chính trị, việc triển khai Quy định 11-QĐ/TW là “cú hích” rất quan trọng và thực sự cấp thiết, giúp nhà trường nhìn nhận lại, thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, hạn chế. Từ việc xây dựng đề án trường chính trị chuẩn, khẩn trường triển khai tới từng giảng viên, xác định lộ trình cụ thể để mỗi giảng viên, cán bộ nhà trường nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của trường, của từng vị trí việc làm để từ đó xây dựng lộ trình nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có thêm kiến thức thực tế để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đó, tạo nên uy tín khoa học, vị thế của nhà trường.
Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn sẽ phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chính trị, hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi trường cần xác định rõ các tiêu chí thiếu trong nghiên cứu khoa học, tìm ra các giải pháp cụ thể để triển khai, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí thiếu này. Trường thiếu các tiêu chí nghiên cứu là đề tài cấp cơ sở, cần đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở cho các khoa, các giảng viên có năng lực; hay đối với những trường thiếu tiêu chí đề tài hoặc nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh cần có kế hoạch nắm bắt thông tin về nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh hằng năm để đáp ứng yêu cầu của tỉnh, từ đó đưa ra những chủ đề sát, trúng và có sức thuyết phục.
Các trường cần chủ động, tích cực, đa dạng hóa các hình thức triển khai Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch như: lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng, vào các chương trình bồi dưỡng; tổ chức nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học về công tác này; viết bài đăng bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn hoặc trang thông tin điện tử của trường, gửi website Việt Nam thịnh vượng; tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, mỗi giảng viên trường chính trị cần nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ý thức rõ việc nghiên cứu khoa học là trau dồi tri thức để nâng cao trình độ. Nâng cao chất lượng sáng kiến, kinh nghiệm, kiến nghị được đúc kết từ các kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của cá nhân, tập thể nhà trường để tư vấn chính sách với địa phương. Mỗi giảng viên trường chính trị cần tiếp tục được bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu từ kỹ năng xây dựng thuyết minh đề tài, đấu thầu, mời chuyên gia nghiên cứu... Nỗ lực nghiên cứu lý luận kết hợp tổng kết thực tiễn của địa phương để làm rõ và giải quyết những vấn đề đang đặt ra.
__________________
Ngày nhận bài: 2-6-2022; Ngày bình duyệt: 3-6-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.
(1) Theo: Dự thảo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
(2) Năm 2022, trong khuôn khổ Dự án “diễn đàn phát triển địa phương”, Học viện đang triển khai tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ cho 13 trường chính trị gồm các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thừa Thiên Huế, An Giang, Đắc Lắc, Đồng Tháp.
TS CẦM THỊ LAI
Vụ Các trường chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh