A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa gia đình trong luật tục các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Trong Luật tục của người Tây Nguyên, văn hóa gia đình, vai trò của gia đình chiếm đa số các quy định của luật tục. Điều này cho thấy trong quan niệm của các tộc người, tính bền vững của gia đình luôn được cộng đồng hướng đến, tuân thủ; bởi sâu xa, đó là chuẩn mực đạo đức, pháp lý đảm bảo tính trường tồn cho mỗi tộc người trước những tác động từ bên ngoài.

Sinh hoạt thường ngày của đồng bào Ê Đê bên ngôi nhà dài truyền thống. Ảnh: Internet

Luật tục của các tộc người Tây Nguyên có nhiều ấn định về hôn nhân, gia đình như nguyên tắc ràng buộc mỗi cá nhân vào sự ổn định của cộng đồng, sâu xa hơn đấy chính là văn hóa gia đình được kết tinh, bảo lưu. Cụ thể như:

 Quy định về kết hôn

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, nam nữ không được kết hôn trong cùng một dòng họ, vì như thế là loạn luân, bởi: “Mối hiểm họa loạn luân gây ra là tận thế” (1); sẽ khiến cho các vị thần linh nổi giận, phạt lây đến cả cộng đồng buôn làng:“Gió bão sẽ cuốn buôn làng/ Sét sẽ đánh sạch nhà cửa”; các Giàng còn làm cho“đất đai khô hạn/Ngô lúa chết khát chết khô/Thú rừng, sâu bọ chết đói/dưa chuột rụng/Dưa hấu thối/cây cối không mọc được/Vì thế chúng bị đem ra xét xử”. Chính vì vậy, “Quan hệ với chị em họ sẽ bị trời phạt/ Quan hệ với cô dì họ sẽ bị tai tiếng/ Thần linh, sấm sét sẽ đánh/ Thần nước sẽ bắt/ Đi xuồng qua sông sẽ bị chìm/ Thần linh trên trời sẽ giận/ Con cọp trong rừng sẽ ăn thịt”(2)

Quy định về tự nguyện trong hôn nhân

Khi đến tuổi trưởng thành, trai gái được tự do yêu đương, tự do tìm hiểu người bạn đời của mình mà không phải chịu sức ép nào cả: “Vòng cườm họ đã trao cho nhau, vòng đeo tay họ đã đổi cho nhau, vòng kia đổi lấy vòng này/…/ việc trao đổi do họ tự định đoạt” (3)Gia đình tôn trọng tự do yêu đương của các con với quan niệm: “Đi qua đi lại chẳng mắc mớ gì tới ai/ Trai còn tơ, gái còn son họ đến gặp gỡ nhau/ Có việc gì đụng chạm tới ai thì mới sợ/ Chúng nó được phép bắt lấy nhau làm vợ chồng” (4)

Chính vì vậy, hôn nhân của họ được bắt đầu từ việc yêu thương nhau và lấy nhau như một lẽ tự nhiên. Nhân văn hơn, với những người đã kết hôn nhưng không may vợ hoặc chồng mất và khi họ đã làm xong lễ bỏ mả thì cũng có quyền kết hôn: “Họ sửa lại, mái nhà đã bị thủng/ Họ sửa lại sàn nhà đã bị gãy/ Vựa thóc và ngôi nhà buồn thảm/ Sẽ được người ta dựng lại/ Hãy để các cô gái/ Lấy thêm một người chồng nữa” (5)

Sau thời gian chịu tang là một năm, hoặc sau lễ bỏ mả, luật tục cho phép đàn bà góa tái giá, tuy nhiên chỉ đúng luật khi: “Nếu năm đã đầy, tháng đã đủ/ Lễ bỏ mồ mả, một ché một rượu/ Tẩy xóa bản thân, tẩy xóa các con” (6)

Quy định về chọn bạn đời

 Người Mnông quan niệm khi người con gái đi lấy chồng được ví như: “Chặt cây trên rừng biến thành cột nhà/ Bắt người ta biến thành người của mình” (7) . Do vậy, người con gái phải hết sức chín chắn khi chọn chồng để không phụ lòng cha mẹ. Để có thể lấy được người chồng khỏe mạnh, làm ăn giỏi, nhanh nhẹn, tháo vát, thật thà thì người vợ phải chăm chỉ làm ăn, thông thạo các công việc, biết cư xử khéo léo trong gia đình và ngoài xã hội: “Cười mủm mỉm, giỏi tay làm tay ăn” và “Mải miết làm việc chỉ một mình/ Siêng năng công việc từ tinh mơ đến sáng/ Từ sáng sớm đến trưa đầy bóng mới về” (8)

Quy định về quan hệ giữa vợ và chồng

Để đảm bảo cho sự bền vững của hôn nhân, luật tục quy định về chế độ một vợ một chồng, họ cho rằng: “mỗi người đã có một đống củi để sưởi/một con vẹt để nhìn”... (luật tục Gia rai). Cho nên: “lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chếtChớ có ban đêm nói thế này/ban ngày nói thế khác”. ” Hay “Đừng có dẫm lên chiếu/ đừng có bước qua cửa phòng người ta/ Cốc nước phải cầm, cái bến phải giữ” (9)

Trong cuộc sống hôn nhân cũng có những lúc khó khăn, nhưng phải có sự kiên trì: “Khi lạt muối đừng bỏ nhau/ Bị thiếu ăn đừng bỏ nhau/ bị cháy nhà đừng bỏ nhau/Khi có nợ nần đừng bỏ nhau”. Nếu xảy ra việc bất hòa giữa vợ chồng thì hai bên phải tìm hiểu và sửa chữa, không được tự ý bỏ nhau: “Ching không kêu ta sửa một ngày/ Gong không kêu ta sửa một ngày/ Voi còn bướng ta tập một ngày” (10)

Quy định về trách nhiệm của vợ chồng cùng xây dựng gia đình và chăm sóc, giáo dục các con:

Luật tục Mnông quy định: “Vợ chồng như nồi và đũa/ Lúc giận nói xong thì hòa/ Đừng xé rách chiếc chăn/ Đừng xé rách chiếc chiếu/ Làm rách váy, rách khố khó xử/ Không chửi nhau trong lúc ăn uống/ Vợ dệt vải, chồng đừng ngăn cản/ Chồng đan gùi, vợ đừng ngăn cản” (11). Còn luật tục Jrai luôn khuyên người chồng có trách nhiệm lao động để nuôi vợ, nuôi con của mình: “Chăm lo công việc nương rẫy, trồng lúa cho vợ con, nuôi con cháu vui sướng, có như thế gia đình mới đông vui, yên ấm”; hay khuyên người vợ khi đang cãi nhau với chồng người vợ không được “lấy váy áo đập lên đầu chồng”.

Ngoại tình luôn là việc bị lên án và kẻ ngoại tình bị dân làng xem là kẻ xấu xa, có tội rất nghiêm trọng, là kẻ “thèm bông hoa tông mông, thèm con diều có đuôi dài”; đã “dao có rồi còn đi kiếm sắt/ Cơm có rồi còn đi kiếm lúa/ Cá có rồi còn đi bắt nữa”. Chính vì vậyđể đảm bảo sự bền vững của hôn nhân, luật tục các tộc người Tây Nguyên quy định cụ thể những hình phạt cho tội ngoại tình: “đây là một việc không cần nói nhiều, không cần đi xa hơn nữa/ … không cần to họng cãi nhiều/… không cần đốt đuốc lên mới sáng tỏ/… đàn ông có lỗi phải phạt đền cho vợ hắn, đàn bà có lỗi thì chịu phạt đền cho chồng hắn” (12)

Quy định về việc ly hôn

Người Tây Nguyên có quy định nhằm hạn chế ly hôn bằng cách phạt như “Kẻ nào gây ra việc này/ Phải đền thịt đền rượu lễ cưới/ Đồ vật một nó phải trả hai/ Của cải một nó phải trả hai/ Chém con trâu làm lễ ly hôn/ Chồng rlung bỏ vợ bỏ chồng/ Bộ chiêng kỷ niệm cho con” (13). Trường hợp ly hôn đã có con, luật tục M’nông chỉ rõ: “Giao kết chiêng phải có chiêng/ Giao kết ché, phải có ché/ Giao kết của cải, phải trả đủ” (14) mới có thể được ly hôn.

Nếu lý do ly hôn chính đáng, không còn cách nào hòa giải thì hội đồng xét xử quyết định cho ly hôn. Vì vậy, khi hai vợ chồng đồng ý ly hôn, họ mời già làng và dòng họ hai bên gia đình đến giải quyết. Khi hai bên đã trả vòng cho nhau, giao ước kết hôn của hai bên coi như bị hủy bỏ: “Cái vòng bên trai đã trả cho bên gái/ Cái vòng bên gái đã trả cho bên trai/ Như vậy, sẽ không có điều gì xảy ra/ Và người con trai có thể lấy vợ/ Và người con gái có thể lấy chồng

Quy định về trách nhiệm của con cái với cha mẹ

Luật tục M’nông có lời nhắc nhở: “Mẹ cõng mới còn/ Cha cõng mới còn / Mẹ nuôi từ nhỏ, cha nuôi đến lớn”; suốt đời chăm lo cho con cái cho đến khi: “Tóc cha mẹ đã bạc/Hai gò má đã nhăn/Hàm răng đã rụng cả/ Lưng đã gù”.

Luật tục Ê Đê chê trách loại người: “như ngọn cỏ muốn vươn cao hơn cây lau/ Như cọng tranh muốn vươn cao hơn cây sậy/Như thú rừng muốn vọt cao hơn lùm cây êjung

Luật tục Gia rai cũng không tha thứ cho những đứa con vô ơn, thờ ơ với cha mẹ: “Khi uống rượu ngon nó quên/ Ăn trâu, uống heo nó không nhớ tới bố mẹ đẻ”... chỉ như vậy thôi “chúng đã là người có tội”…

Trong xu thế vận động và phát triển, văn hóa gia đình trong luật tục người Tây Nguyên có nhiều giá trị, nhiều quy định phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành như các quy định về tự do tìm hiểu hôn nhân; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng, chế độ về trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc giữa cha mẹ và con cái, các quy định về lý do ly hôn, đồng thời lên án những phản giá trị ảnh hưởng đến sự kết nối các thành viên trong cộng đồng, gia đình.... Đây là những giá trị ràng buộc, bảo đảm sự bền vững của một gia đình, của cả cộng đồng rất đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát huy

vietnamthingvuong.com


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.819
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.603
Năm 2024 : 512.949