A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tảo hôn và những giọt nước mắt

CTTBTG - Mèo Vạc là huyện nghèo biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, hầu hết là người dân tộc thiểu số, có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống mang lại giá trị tích cực cho đồng bào. Nhưng cũng còn đó nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Trong đó, nạn tảo hôn ở các thôn bản vùng xa là một điển hình. Chính điều này đã làm cho nhiều em trai, em gái không còn cơ hội đến trường, cuộc sống trở lên khó khăn hơn.

Chúng tôi đến thăm gia đình em Ly Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) ở một thôn vùng xa của huyện Mèo Vạc. Mai sinh năm 2005 trong một gia đình đông anh em, gia cảnh rất khó khăn, năm 2020 học đến lớp 10, khi đó em mới 15 tuổi nhưng phải dừng việc học lại đi lấy chồng. Đang ở cái độ tuổi lẽ ra phải được chăm lo, học hành đầy đủ thì nay em phải gánh vác trách nhiệm là một người vợ, mọi mơ ước của em về một cuộc sống tốt đẹp đã đóng lại trong căn nhà nhỏ bé với rất nhiều sự vất vả và cơ cực. Chồng Mai là con mồ côi cha mẹ, vì hai em tảo hôn nên sau ba năm kết hôn cái nghèo, cái đói vẫn luôn bủa vây hai em, nhà cửa xiêu vẹo, mỗi khi mưa bão lại bị dột, trong khi hai em không có việc làm nên trong nhà không thóc lúa, không ngô, không có gia súc, gia cầm, ngoài một số đồ dùng sinh hoạt ra thì nhà không có vật dụng gì giá trị. Hiện tại chồng Mai phải đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống, còn Mai chỉ biết ở nhà chăm sóc mấy cây ngô để mùa vụ đến sẽ có mèn mén ăn. Việc tảo hôn không chỉ khiến Mai mất cơ hội học tập mà dường như sức khỏe và tâm lý của em cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Kết hôn được ba năm, giờ em đã đủ tuổi sinh đẻ nhưng em vẫn chưa có con, mà còn thường xuyên bị đau bụng, song em cũng chưa từng đi khám bệnh bao giờ. Khi được hỏi sao lại lấy chồng sớm, em ngẹn ngào trong nước mắt cho biết: Ước mơ của em là được đi học để sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng vì ở nhà bố suốt ngày say rượu và đánh nên em nghĩ chỉ có cách đi lấy chồng mới không thấy cảnh bố đánh mẹ nữa.

Ngoài một số đồ dùng sinh hoạt ra thì nhà em Mai không có vật dụng gì giá trị.

Giờ đây, khi được cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và tổ chức Plan đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn thông qua các hình ảnh, câu chuyện, video, tập phim hoạt hình thực tế và sinh động trên nền tảng Em Vui thì em Mai đã hiểu ra cái sai của mình và hối hận muộn màng trong nước mắt. Em cảm thấy cách em chọn đi lấy chồng là một sai lầm, nhưng thời gian không thể quay lại được nữa, giá như thời gian có thể qua lại em sẽ chọn cách đi học, Mai tâm sự trong tiếc nuối.

Là người tảo hôn, Mai thấu hiểu những hậu quả mà tảo hôn mang lại với cái đói, cái nghèo cuộc sống tối tăm, chật vật quanh năm suốt tháng. Em mong muốn các bạn thanh thiếu dân tộc thiểu số không tảo hôn, phải cố gắng đi học. Từ những hình ảnh chân thực nói về hậu quả của tảo hôn trong những tập phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ” được dự án Em Vui xây dựng, em hy vọng sẽ có nhiều bạn nhận ra và không kết hôn sớm.

Câu chuyện về em Mai, mà chúng tôi đã thay đổi tên nhân vật, cũng như được dấu địa chỉ nơi em sinh sống. Qua câu chuyện này rất mong các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục có giải pháp tích cực để tuyên truyền cho đồng bào hiểu được quyền trẻ em, Luật hôn nhân gia đình cũng như để các bậc làm cha làm mẹ thấy được mặt trái của tảo hôn, để không còn nữa những hoàn cảnh éo le như em Mai ở trong bài biết này.


Tác giả: Minh Chuyên – Minh Giàng
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 704
Hôm qua : 2.092
Tháng 04 : 70.328
Năm 2024 : 258.668