Nhà thuốc và sân tập
Vào thời điểm bước sang tuổi 49 âm, ngưỡng tuổi nhạy cảm theo quan niệm dân gian, tôi quyết định quay lại chơi thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện.
Vào thời điểm bước sang tuổi 49 âm, ngưỡng tuổi nhạy cảm theo quan niệm dân gian, tôi quyết định quay lại chơi thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện.
Công việc bàn giấy, cộng với thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ và sử dụng nhiều bia rượu khiến tôi từng phải dùng thuốc điều trị huyết áp cao và có các chỉ số xét nghiệm báo động về đường huyết, acid uric, mỡ máu. Mỗi sáng thức dậy, các khớp xương của tôi kêu lục cục như ổ trục bị vỡ. Mỗi năm tôi bị vài trận ho kéo dài khi chuyển mùa do các căn bệnh về đường hô hấp.
Sau hơn một năm kiên trì chạy bộ, đạp xe với ít nhất 5 giờ mỗi tuần, tôi bỏ được thuốc huyết áp và đưa các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường. Thể lực cải thiện, tinh thần sảng khoái, làm việc hiệu quả hơn là những điều tôi cảm nhận được mỗi ngày nhờ tập thể thao thường xuyên. Quan trọng hơn, lựa chọn tập luyện thể thao được cả gia đình tôi hưởng ứng. Chúng tôi đã cùng nhau tham gia một số giải marathon phong trào để làm động lực cho việc tập luyện hàng ngày.
Theo số liệu năm 2021 của Bộ Y tế, ở Việt Nam, trung bình 1.564 người dân có một nhà thuốc. Mức độ tiếp cận thuốc trong cộng đồng của người Việt cao hơn rất nhiều so với mặt bằng quốc tế (4.182 người dân/nhà thuốc). Việc dễ tiếp cận nhà thuốc và thói quen mua thuốc không cần đơn khiến xu hướng lạm dụng thuốc của người Việt gia tăng. Thống kê cho thấy một đơn trung bình có bốn loại thuốc thì hai trong số đó không phải là thuốc thiết yếu cần kê cho bệnh nhân.
Nhưng dù giàu hay nghèo, người bệnh hầu như không có lựa chọn khác ngoài đi mua thuốc, với niềm tin rằng chỉ có thuốc mới trị được bệnh.
Bệnh tật do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó một phần do chế độ ăn uống, lối sống, môi trường sinh hoạt. Theo các kết quả khảo sát y tế, có tới hơn nửa số nam giới ở Việt Nam thường xuyên sử dụng bia rượu ở mức độ có hại cho sức khỏe. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới với khoảng 30% dân số ít vận động thể lực và trên 82% trẻ vị thành niên thiếu các hoạt động thể chất thường xuyên. Lối sống thiếu vận động, ngồi nhiều, ăn uống thiếu điều độ, thức khuya, sử dụng chất kích thích là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các căn bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout...
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ước tính, hàng năm, Việt Nam có khoảng 350.000 người chết vì các bệnh không lây nhiễm. Chi phí điều trị các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng chi phí bệnh tật. Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, 74% số ca tử vong hàng năm ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm.
Tập luyện thể thao thường xuyên là cách hiệu quả nhất để phòng, tránh, ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh tật, nhất là các loại bệnh không lây nhiễm. Điều này về mặt nhận thức hầu như ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Thường chỉ khi có bệnh, con người mới chú ý rèn luyện sức khỏe. Người trẻ thường cậy mình còn khỏe, đôi khi hủy hoại chính sức khỏe để gây dựng sự nghiệp, kiếm tiền và tiêu khiển mà không ý thức được toàn bộ số tiền kiếm được chưa chắc đã giúp giữ nổi tính mạng của mình khi bệnh tật ập đến.
Trong thời gian quay lại với thể thao, tôi nhận ra ngày càng có nhiều người Việt lựa chọn lối sống ưa vận động, dù đây không phải là lựa chọn dễ dàng. So với những giờ tập mệt nhọc về thể xác, việc bù khú với bạn bè sau giờ làm việc, chơi game online hay đơn giản là nằm ườn trên đi văng xem TV, lướt web... sẽ cám dỗ hơn nhiều.
Chơi thể thao không có nghĩa cứ xỏ giày ra sân là bạn có sức khỏe cải thiện, bệnh tật bị đẩy lùi ngay. Rèn luyện cần có quá trình tính bằng năm, tháng để cơ thể dần thích nghi và đạt tới trạng thái chuyển đổi tích cực. Cùng với quá trình tích lũy lượng vận động, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp được cải thiện, các nhóm cơ phát triển, lượng mỡ thừa trong cơ thể bị tiêu hủy, nhiều tác dụng kỳ diệu khác sẽ đến với cơ thể. Hoạt động thể chất ở cường độ cao sẽ làm giải phóng endorphin, là một loại chất giảm đau tự nhiên gây hưng phấn. Chính vì thế mà hầu hết những người đã tạo được thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ sinh "nghiện tập" và khó bỏ thói quen đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thể thao là nền tảng của sức khỏe. Trong chương trình hành động giai đoạn 2018-2030 của mình, WHO đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giảm khoảng 15% tỷ lệ người lười vận động trên toàn cầu, vì một thế giới mạnh khỏe hơn.
Việt Nam cũng có nhiều cuộc vận động, nhiều chỉ tiêu, giải pháp được đặt ra để thu hút người dân tham gia rèn luyện thể chất thường xuyên. Tuy nhiên, việc thiếu vắng sân bãi, trang thiết bị tập luyện thể thao công cộng và chi phí dịch vụ tập luyện đắt đỏ tại các cơ sở tư nhân cùng nhiều nguyên nhân khác như tâm lý, thói quen là những rào cản đối với phong trào thể thao trong cộng đồng.
Đầu tư cho thể thao là đầu tư cho sức khỏe. Điều đó đúng không chỉ đối với mỗi gia đình, mỗi cá nhân mà cả trên bình diện quốc gia, dân tộc. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy nếu nhà nước có chính sách chăm lo cho các hoạt động thể thao trong cộng đồng thì sẽ thu được lợi ích về nhiều mặt như cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giảm tệ nạn xã hội, giảm gánh nặng y tế...
Tôi hy vọng một ngày nào đó, tỷ lệ sân tập, điểm tập thể thao cộng đồng tính trên số dân ở Việt Nam sẽ cao hơn tỷ lệ nhà thuốc trên số dân.