A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Màu hoa đỏ nơi biên cương

Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, núi non hùng vĩ và những danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Cột cờ Lũng Cú, Cổng trời, núi Cô tiên, Nhà Vương, Mã Pì Lèng, sông Nho Quế…, là những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt nơi đây còn có chứng tích “sống” của lịch sử - Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468.

      Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ trên điểm cao 468, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên.

      Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ trên điểm cao 468, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. ảnh: Huy Ba

Đoàn chúng tôi đến Hà Giang trước ngày 17.2, ngày này cách đây 44 năm tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Mưa xuân lất phất bay, cái rét cuối mùa vẫn còn rai rẳng nhưng ai cũng háo hức mong đến nhanh hơn. Anh bạn đồng nghiệp nguyên là Tổng biên tập Báo Hà Giang điện bảo: “Cách thành phố 19 km đoàn nhớ vào thắp hương các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên”. Gợi ý đó cũng trùng với lịch trình chuyến đi của đoàn.

Gần ba giờ chiều, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nhiều xe ô tô chở khách đỗ trước sân nhà đón tiếp, chúng tôi sắm lễ và lên đài tưởng niệm thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương tại mảnh đất Hà Giang, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, tên các anh được ghi lại trang trọng tại nhà tưởng niệm, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được. Bên cạnh đó, hàng nghìn ha đồi núi vẫn còn bom mìn sót lại. Máu của những Anh hùng liệt sĩ đã hòa cùng đất mẹ, mang lại màu xanh hạnh phúc yên bình cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bốn giờ chiều, chúng tôi đến thành phố Hà Giang, anh bạn đồng nghiệp đón đoàn. Sau cái bắt tay chào hỏi anh bảo: “Giờ vẫn còn sớm, chúng ta lên thắp hương các Anh hùng liệt sỹ tại Đền thờ tưởng niệm tại điểm cao 468”. Tại điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt năm xưa giờ đã được phủ xanh. Nơi đây sừng sững một đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc, quê hương. Tại đây đã có hơn 1.200 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, trong đó hơn 600 chưa tìm được hài cốt. Đền thờ ở điểm cao 468 được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2, bao gồm một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác. Tại đây có thể bao quát được những điểm cao khác như 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi nhiều người lính đã nằm lại với đất mẹ trong cuộc chiến đấu kiên cường năm xưa. Anh bạn đồng nghiệp tâm sự: “ Trong vòng hai năm 1984 – 1985 nơi đây không lúc nào ngớt tiếng súng. Lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng tinh thần hừng hực ý chí chiến đấu. Công tác vận tải ban đêm vận chuyển lương thực, súng đạn rồi lại mang thương binh, tử sĩ ra hết sức vất vả. Lúc đó tôi làm Bí thư Đoàn thị xã Hà Giang, vận động đoàn viên thanh niên tham gia vận chuyển thương binh, liệt sỹ. Nhiều đồng chí hy sinh hàng vài tuần mới đưa ra được, các đồng chí làm công tác chính sách vẫn phải mở từng gói thi hài để xác định danh tính, quê quán rồi mới khâm niệm chôn cất”. Đền thờ tưởng niệm tại điểm cao 468 trở thành nơi đến của đông đảo du khách từ mọi miền Tổ quốc. “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, thành bất tử” khắc trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh, Trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đã trở thành lời thề bất tử, trở thành trang sử “sống” của những người lính Vị Xuyên năm xưa.

Trên dọc đường hành trình từ Vị Xuyên, đi Mèo Vạc, Đồng Văn lên Cột cờ Lũng Cú, nhiều sườn núi đá chúng tôi thấy rực hoa màu đỏ. Anh bạn cùng đoàn bảo xe dừng lại để chụp ảnh. Hoa gạo, nhiều cây gạo ra hoa đỏ cả sườn đồi, anh hứng khởi cất lên câu ca “Bao giờ đom đóm bay ra, hoa gạo dụng xuống thì tra hạt vừng”. Giờ là tháng hai, hoa gạo đang nở đẹp miên man, cánh hoa đỏ sẫm. Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp: Sao ở đây trồng nhiều cây gạo vậy?. Anh bạn tôi thủ thỉ: Không hiểu sao mấy năm nay trên các sườn núi đá xuất hiện nhiều cây gạo, có lẽ bà con dân tộc trồng cho đẹp. Cũng có thể tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Hà Giang này mà nhân dân trồng nhiều loại cây có hoa màu đỏ, bởi máu của các anh đã thấm đẫm mảnh đất này.

Lên đỉnh Lũng Cú, cột cờ sừng sững, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Khách du lịch trong đó có rất nhiều người nước ngoài thi nhau chụp ảnh, ai cũng muốn ảnh mình có hình cờ đỏ sao vàng nơi địa đầu Tổ quốc. Từ màu hoa đến màu cờ, một màu đỏ biên cương đã làm nức lòng mọi khách du lịch, và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Những chiến sĩ ngã xuống trên mảnh đất này đã tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc và làm rực rỡ màu hoa đỏ biên cương.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 158
Hôm qua : 2.313
Tháng 10 : 11.016
Năm 2024 : 813.993