A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa Hà Giang đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Ngày 1.10.1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Thời điểm này, tỉnh Hà Giang tập trung khắc phục hậu quả cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Các cơ sở hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa ở Hà Giang chưa phát triển, kinh tế còn nghèo, đời sống tinh thần nhìn chung còn thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu từ xưa để lại, đồng bào vùng sâu, xa, biên giới còn ít được xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật...

Phụ nữ dân tộc Bố Y, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thêu trang phục truyền thống.

Phụ nữ dân tộc Bố Y, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thêu trang phục truyền thống.

Dưới ánh sáng của Đảng, phong trào văn hóa Hà Giang giai đoạn từ 1991 - 1995 thực sự có bước phát triển rõ rệt. Toàn tỉnh đã xây dựng được 271 đội văn nghệ quần chúng với trên 3.000 diễn viên. Hàng năm vừa tích cực biểu diễn phục vụ đồng bào địa phương vừa chú trọng dàn dựng các chương trình có chất lượng tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng do Trung ương tổ chức. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động liên hoan văn nghệ thể thao theo cụm dân cư. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 734 đội văn nghệ và đến năm 2005 có 1.075 đội văn nghệ quần chúng và văn nghệ dân gian đang hoạt động rất có hiệu quả. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, phong trào văn hóa văn nghệ ngày càng lên cao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa không chỉ trong khối công nhân viên chức mà toàn thể đồng bào nhân dân trong tỉnh. Phong trào thực hiện nếp sống văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2005, có 1.296 làng đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 544 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp tỉnh; có 90.616 gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Kết quả của cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm cho bộ mặt nông thôn tỉnh ta có nhiều khởi sắc.

Công tác thông tin tuyên truyền cũng có nhiều bước tiến mới cả về nội dung và hình thức. Năm 2005 trên địa bàn toàn tỉnh có 12 đội thông tin lưu động, hàng năm các đội xây dựng hàng trăm chương trình và kết hợp chiếu vi deo, tuyên truyền văn nghệ chợ phục vụ đồng bào cơ sở, đảm bảo 100% số thôn bản ở 193/193 xã, phường, thị trấn mỗi năm được xem phim, xem biểu diễn văn nghệ từ 3 - 5 lần. Toàn tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 11 thư viện huyện, thị với tổng số sách là 104.459 bản sách và 355 tủ sách cơ sở. Có 7 di tích được xếp hạng, sưu tầm nghiên cứu đưa vào trưng bày được 5.700 hiện vật. Đoàn ca múa nhạc dân tộc mới được thành lập từ sau ngày tái thành lập tỉnh, từ chỗ chỉ có 11 diễn viên hợp đồng chưa qua đào tạo, đến nay đoàn đã có 30 diễn viên được đào tạo, chất lượng biểu diễn ngày càng được nâng lên. Hàng năm xây dựng hàng chục chương trình mang đậm nét văn hóa các dân tộc Hà Giang, phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương...

Múa trống trong ngày khai trương phố đi bộ thành phố Hà Giang.

Múa trống trong ngày khai trương phố đi bộ thành phố Hà Giang.

Sự nghiệp báo chí có những bước trưởng thành đáng tự hào cả về nội dung và chất lượng của tờ báo, cả về đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Sự nghiệp Phát thanh - truyền hình giai đoạn 1996 - 2005 phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân. Hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật từng bước củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Phát huy những thành quả đã đạt được, bước vào giai đoạn 2006 – 2010 văn hóa đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2010, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở từng bước được xây dựng, củng cố, phát huy chức năng nhiệm vụ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa, vui chơi, giải trí, học tập của các tầng lớp nhân dân...

Giai đoạn 2010 đến 2023, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy tổ chức và biên chế, ngành đã thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy từ 10 phòng giảm xuống còn 7 phòng chức năng; từ 8 đơn vị xuống còn 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 232 công chức, viên chức, người lao động. Hệ thống thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư phát triển, 86% cấp thôn, bản có nhà văn hóa. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, toàn tỉnh có 2.225 đội văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân gian; 11 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp thuộc các huyện, thành phố duy trì hoạt động. Thư viện tỉnh đã và đang ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt hơn nhu cầu của độc giả. Công tác bảo tồn văn hóa được chú trọng. Bảo tàng tỉnh được đầu tư nâng cấp mở rộng theo hướng vừa hiện đại, vừa truyền thống đảm bảo là nơi lưu giữ văn hóa và điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách. Hoạt động lễ hội được diễn ra có chọn lọc, nền nếp vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là chương trình xây dựng Nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Thực hiện tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II ngày 24.11.2021, tỉnh Hà Giang quyết tâm thực hiện mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”; bảo tồn văn hóa để gìn giữ dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia; lấy văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Hoài (Sở VHTT&DL)


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.452
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 71.506
Năm 2024 : 370.920