A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hát Quan làng” dân tộc Tày, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

“Hát Quan làng” huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3439 vào ngày 10/11/2023. Đây là một thể loại dân ca trữ tình, độc đáo được hát trong lễ cưới, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Tày. Hát Quan làng ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Tày ở huyện Quang Bình.

Anh-tin-bai

Các nghệ nhân người Tày Quang Bình đang giới thiệu về các sản phẩm, lễ vật và trang phục trong ngày cưới truyền thống của người Tày khi hát Quan làng

Huyện Quang Bình có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số, sinh sống tập trung tại các xã: Xuân Giang, Bằng Lang, Yên Thành, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Yên Hà, Hương Sơn, Bản Rịa, Tân Trịnh...  Người Tày ở huyện Quang Bình có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, với lối sống cổ truyền, giàu bản sắc, trong đó phải kể đến “Hát Quan làng”, một di sản nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Hát Quan làng hay còn gọi là Hát văn trong đám cưới thường được sử dụng đó là những bài hát phục vụ trong các đám cưới truyền thống của người Tày, khi đó người Quan làng có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải trình diễn, đối đáp các bài hát một cách nhuần nhuyễn để bên nhà trai và bên nhà gái vừa lòng, đám cưới diễn ra được suôn sẻ.

Trong một đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái.

Anh-tin-bai

Họ nhà trai hát xin đón dâu.(Ảnh: Nguyễn Thị Lượng).

 Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong Hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan làng hai bên. Với những ý nghĩa như vậy, Hát Quan làng của người Tày nơi đây đang được các thế hệ giữ gìn và phát huy, trao truyền, tồn tại cho đến ngày nay.

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Các lễ vật, trang phục trong ngày lễ cưới và các bài hát Quan làng được các nghệ nhân giới thiệu, lưu giữ, bảo tồn.

Theo bà Hoàng Thị Xưng, xã Bằng Lang huyện Quang Bình cho biết: Hát Quan làng là điệu hát được dùng trong đám cưới của dân tộc Tày đã có từ xa xưa. Đó là những bài hát tồn tại trong dân gian một cách dân dã, cũng có nhiều người biết đến và thuộc các bài hát quan làng, nhưng không thể diễn xướng một cách tự do, tùy tiện mà phải theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định. Trong đám cưới của người Tày, người được cử làm quan làng, là những người thuộc các bài hát quan làng. Hầu hết các đám cưới của người Tày họ chỉ dùng lời hát của mình để đối đáp, giao tiếp giữa hai bên gia đình, hát để họ nhà gái phải bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật mà nhà gái đưa ra từ khi chặn từ cổng vào, rồi lên cầu thang, sau đó hát khi vào nhà, hát để người trải chiếu, mời nước, mời trầu, xin dâu, đón dâu, ra về…

Lời hát “Quan làng” được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng cũng có những câu hát phải ứng đáp kịp thời, do đó những người hát quan làng trong đám cưới phải là những người thông minh, khéo léo trong ứng xử, có nhiều kiến thức, am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của dân tộc Tày.

Hát “Quan làng” là một hình thức nghệ thuật giải trí nhưng đây cũng là những làn điệu, những câu thơ, lời hát không thể thiếu trong đám cưới của người Tày. Nội dung của hát quan làng vô cùng phong phú, nó phản ánh nhiều mặt của đời sống sinh hoạt của người dân, bày tỏ tình cảm, thể hiện sự trân trọng đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ; thể hiện sự răn dạy con cháu sống sao cho phải đạo dâu hiền rể thảo, ca ngợi những con người nơi đây thật thà, chất phác, dạy con cháu cách ứng xử và đạo lý làm người… Qua đó thể hiện nét văn hóa độc đáo, tinh tế trong dân ca nghi lễ đám cưới truyền thống của dân tộc Tày. Với giá trị nhân văn tốt đẹp đó, Hát Quan làng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản phi vật thể quốc gia, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình Chẳng Thị Liên cho biết thêm: Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến hát Quan làng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo khoa học, tăng cường hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức giá trị của hát Quan làng trong đồng bào dân tộc Tày; khuyến khích người dân duy trì những phong tục độc đáo, đặc sắc của dân tộc trong nghi lễ cưới hỏi trong đó có Hát Quan làng để người dân trân trọng, gìn giữ và phát huy trong đời sống;  tổ chức thành lập các câu lạc bộ Hát Quan làng, mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho các thành viên trong câu lạc bộ; tổ chức phục dựng lại các nghi lễ cưới xin, đưa các bài hát Quan làng vào trong nghi lễ, quay phim, chụp ảnh và in ấn thành các video để tuyên truyền trong cộng đồng; đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn để tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích các thế hệ trẻ người Tày học tập, duy trì và phát triển vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình…

Có thể nói, hát “Quan làng” không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày nơi đây mà còn có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần, nhân văn và lòng nhân ái tốt đẹp, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, đem lại giá trị lo lớn đối với đời sống đồng bào dân tộc Tày nói riêng, với kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nói chung,  góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương Quang Bình ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc.  

Lan Phương


Nguồn: hagiang.gov.vn
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.731
Hôm qua : 4.812
Tháng 05 : 35.893
Năm 2024 : 335.307