A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Gieo chữ, trồng người” nơi biên cương:Kỳ 1: “Nhìn thẳng” vào thực tế chất lượng giáo dục

Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi giáo dục (GD) là quốc sách hàng đầu; không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định đây là con đường ngắn nhất để giảm nghèo, thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng GD. Nhờ đó, chất lượng GD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có chuyển biến tích cực, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng cho các em học sinh nơi biên cương Tổ quốc.

Để nâng cao chất lượng GD, tỉnh ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và triển khai các giải pháp phát triển GD. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Duy trì sĩ số học sinh (HS); tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018… Đồng thời thành lập thêm 8 trường PTDT Nội trú THCS&THPT, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh; thành lập Quỹ Khuyến học - khuyến tài… Tuy nhiên, công tác GD của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế với nhiều nguyên nhân như: Đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao; dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn; có 7/11 huyện, thành phố là huyện nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo cao; trình độ dân trí ở các thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; tỷ lệ mù chữ ở mức độ I, II trong độ tuổi từ 15 – 60 chiếm 18,48%; đồng bào DTTS giao tiếp hàng ngày chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ, ngại dùng tiếng Việt; HS đi học xa, ở trọ tại các vùng khó khăn còn chiếm tỷ lệ cao dẫn tới thiếu sự quan tâm, phối hợp từ gia đình và nhà trường trong quản lý và GD HS…

Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc) cùng trao đổi trong giờ học ngoại khóa.
Cô và trò Trường PTDT bán trú THCS Lũng Chinh (Mèo Vạc) cùng trao đổi trong giờ học ngoại khóa.

Những năm qua, mặc dù được Trung ương và chính quyền địa phương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư cho lĩnh vực GD, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, nhiều phòng đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; diện tích các phòng còn hẹp chưa đảm bảo theo quy định; thiếu nhà thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, phòng ở nội trú, bán trú của HS, nhà công vụ giáo viên (GV)… Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình GD phổ thông 2018… Từ đó, gây khó khăn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới, kinh tế chậm phát triển, điều kiện về tự nhiên khắc nghiệt, nhận thức của người dân còn hạn chế nên ít quan tâm đến việc học tập của con em; một số gia đình không cho con đi học, một số trẻ theo gia đình đi lao động ở ngoài tỉnh sau đó không trở về địa phương. Tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng còn ở mức cao, năm học 2022 – 2023, cấp tiểu học chiếm 0,11%, THCS 2,09%. Theo đồng chí Bùi Anh Thư, Trưởng phòng GD huyện Mèo Vạc cho biết: Phần lớn HS trên địa bàn huyện là con em đồng bào DTTS, chưa thông thạo tiếng Việt, còn rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, ý thức tự học chưa cao cả trong và ngoài giờ lên lớp. Do nhận thức còn hạn chế nên HS đi học còn hình thức, miễn cưỡng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống và xử lý vấn đề đều còn bất cập. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn huyện thiếu 78 phòng học, 83 phòng lưu trú GV, 112 phòng lưu trú HS, 17 bếp nấu ăn, 10 nhà ăn, 43 nhà tắm, 181 nhà vệ sinh cho HS, 12 kho gạo, 1.882 bộ bàn ghế học tập, 486 giường tầng… là những rào cản lớn để phát triển GD tốt nhất.

Đối với huyện Bắc Quang, một trong những nguyên nhân làm tồn tại, hạn chế dẫn đến chất lượng GD chưa đạt được kết quả cao được lãnh đạo huyện nhấn mạnh, đó là một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo; xem đổi mới GD là nhiệm vụ chuyên môn của ngành GD nên thờ ơ, phó mặc. Công tác phối hợp giữa các ngành, cấp trong một số việc, ở một số giai đoạn chưa thật đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý của một số trường học chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ GV không đồng đều, một bộ phận GV chậm đổi mới, còn tình trạng vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm đạo đức nhà giáo và tệ nạn xã hội.

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn (Vị Xuyên) ôn bài sau giờ lên lớp.
Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Thượng Sơn (Vị Xuyên) ôn bài sau giờ lên lớp.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, hiện toàn tỉnh có 820 cơ sở GD, 9.926 nhóm/lớp với trên 265.800 HS; trên 1.900 điểm trường; trên 18.000 cán bộ quản lý, GV, giảng viên, nhân viên. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn tỉnh đang hợp đồng thời vụ trên 650 GV và hơn 100 nhân viên để tạm thời đáp ứng hoạt động giảng dạy. Theo định mức còn thiếu khoảng 3.393 cán bộ, GV, nhân viên. Thiếu nhiều nhất là các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn và Xín Mần. Dự kiến, đến năm 2030, toàn ngành GD tỉnh cần phải bổ sung 4.200 cán bộ GV bậc mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, GV của tỉnh ở tất cả các cấp học đều thiếu so với quy mô trường lớp, đặc biệt GV các môn, hoạt động GD mới theo Chương trình GD phổ thông 2018.

Cũng như nhiều địa phương trong toàn tỉnh, tại huyện Xín Mần, ngành GD hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu GV ở các bậc học, nhất là GV dạy tiếng Anh và Tin học. Theo lãnh đạo Phòng GD huyện, nguyên nhân thiếu GV do biên chế những năm qua không tăng, hàng năm đều có GV nghỉ chế độ, trong khi quy mô HS, khối lớp tiếp tục tăng. Không chỉ vậy, hiện tỷ lệ GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo bậc tiểu học của huyện còn khá cao, chiếm 14%, chủ yếu do ngại đi học, ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, không theo kịp với việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Trường PTDT Bán trú THCS xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) có gần 100% HS là con em đồng bào DTTS. Cô giáo Đặng Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023 – 2024, toàn trường có trên 420 em HS. Do đặc thù dân cư không tập trung, đường liên thôn không thuận lợi, HS đi lại xa trường. Điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn, HS trong độ tuổi đi học còn nhiều em phải lao động giúp gia đình nên ít có thời gian học tập. Một số phụ huynh HS thường phó mặc việc giáo dục, nuôi dưỡng HS cho nhà trường; chưa nhận thức được ý nghĩa của việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa. Nhà trường hiện còn thiếu các phòng học kiên cố, phòng học chức năng, một số trang thiết bị dạy học quá cũ hoặc bị hư hỏng. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của HS, đặc biệt là đối với các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật... nên nhiều HS cũng chưa phát huy hết được năng lực.

Trước tình trạng thiếu GV, nhiều địa phương đã đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên, người lao động trong các cơ sở GD; tạo động lực cho đội ngũ GV yên tâm công tác và gắn bó với nghề để thúc đẩy GD trên địa bàn tỉnh phát triển.

Sự nghiệp trồng người là một trong những nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Những khó khăn nêu trên là thực trạng chung của nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Đối với một tỉnh nghèo như Hà Giang, để sự nghiệp GD vượt qua gian khó, gặt hái những thành tựu đáng tự hào, rất cần có sự chung tay, góp sức từ Trung ương, các bộ, ngành, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó giúp GD Hà Giang tiếp tục kiên định với mục tiêu đổi mới, tăng tốc đưa GD phát triển thực chất, toàn diện.

Bài, ảnh: Thanh Thủy - My Ly


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 66
Hôm qua : 5.221
Tháng 05 : 79.427
Năm 2024 : 378.841