Thổ canh hốc đá - Sự sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên
Sinh sống ở địa hình với gần 80% núi đá, các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã thích nghi, sáng tạo ra phương thức canh tác đặc biệt - thổ canh hốc đá. Đây không chỉ là tuyệt kỹ trong lao động, sản xuất mà còn minh chứng cho sức sống mạnh mẽ, kiên cường, sống bám đá, vượt lên khó khăn để giảm nghèo, giữ đất biên cương. Năm 2014, tri thức thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Người dân xã Sính Lủng (Đồng Văn) xếp đá, giữ đất, trồng hoa màu. |
Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá là những kinh nghiệm canh tác trên nương ở vùng đất xen lẫn đá. Những tri thức dân gian này được đồng bào dân tộc Mông và các dân tộc sinh sống trên vùng cao núi đá phía Bắc Hà Giang đúc rút, hoàn thiện trong quá trình canh tác và truyền lại qua nhiều thế hệ với quá trình định cư trên dưới 300 năm cho đến ngày nay. Di sản này phân bố rộng khắp với diện tích trên 2.300 km2, độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển.
Rau Bắp cải phát triển xanh tốt trên nương đá. |
Để có được những nương ngô, hoa màu xanh tốt, bà con các dân tộc trải qua quá trình cần mẫn, khéo léo xếp đá, tạo thành bờ ngăn, mảnh nương. Thường vào mùa Xuân tiết trời ấm áp, người dân bắt đầu khai phá, rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào. Khai phá để làm nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian nhất, tiếp theo là nhặt đá xếp thành bờ ở sườn dưới của nương để giữ cho không bị sạt lở, xói mòn và rửa trôi màu. Quá trình khai thác, xếp đá hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Để tận dụng tối đa đất canh tác, không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn cao của nương, khu vực nhiều đá không thể san bằng được, đồng bào sẽ kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào để canh tác.
Người dân tận dụng từng hốc đá để trồng trọt. |
Những ai từng đến Cao nguyên đá đều có ấn tượng sâu sắc về phương thức thổ canh hốc đá bởi sự kỳ diệu, sức sáng tạo, cần cù và đôi bàn tay khéo léo của con người. Tri thức thổ canh hốc đá còn ẩn chứa trong các bài ca dao, dân ca, những câu chuyện cổ chứa đựng kinh nghiệm sản xuất, được lưu truyền và ghi nhớ qua nhiều thế hệ.
Qua thời gian, kỹ thuật thổ canh hốc đá phát triển ngày càng có chiều sâu. Ngoài việc xếp đá làm nương, gùi đất trồng ngô, mở rộng diện tích canh tác, dần dần đồng bào còn rút ra được những kinh nghiệm xen canh hiệu quả. Ngoài cây ngô, bà con trồng thêm rau, bí, đậu và một số loại cây hoa màu khác để tăng năng suất canh tác. Điều đó đã góp phần làm cho cuộc sống ngày một ổn định, no đủ hơn, khắc phục được tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt. Quá trình thổ canh hốc đá đã tạo ra những sản phẩm đa dạng cả về vật chất, tinh thần, nổi bật là hệ thống nông cụ cày, bừa, cuốc bướm, quẩy tấu; nương đá cũng chính là một sản phẩm vật chất tiêu biểu.
Canh tác trên đá là hành trình đầy gian khó. |
Mang đặc trưng riêng của vùng Cao nguyên đá, tri thức thổ canh hốc đá có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, gắn liền với tiến trình cư trú của các tộc người. Hình ảnh những nương ngô trong đá xám và người nông dân cần mẫn gùi đất lên nương… mang đậm nét văn hóa.
Những tri thức dân gian, kinh nghiệm, phương thức canh tác thổ canh hốc đá được đúc rút qua thực tiễn nhiều thế hệ và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhờ tri thức này mà bà con đã khắc phục được tình trạng thiếu đất canh tác để trồng ngô, rau màu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó còn có giá trị to lớn trong giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc và truyền thống của ông cha, nêu cao tinh thần sáng tạo, vượt khó đi lên.
Ngày nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào Cao nguyên đá Hà Giang. Trong mỗi hốc đá trên vùng Cao nguyên đá đều có những hạt mầm đang nảy nở. Tri thức thổ canh hốc đá cũng khẳng định cho sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất biên cương, sáng tạo của các thế hệ nơi địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: MY LY – PHẠM HOAN