Ông Yasushi Ogura - Người Nhật thầm lặng ở Lô Lô Chải
Ông Yasushi Ogura (sinh năm 1957 ở Tokyo) được nhiều người gọi bằng cái tên trìu mến "Một người Nhật yêu Hà Giang và văn hóa Lô Lô".
Lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 1995 với hành trình du lịch một tuần ở TP.HCM, Cần Thơ, con người Việt Nam hiền hòa đã ngay lập tức hút hồn ông Yasushi Ogura. Từ đó, Việt Nam là điểm đến hàng tháng của người đàn ông này. Ông quyết tâm học tiếng Việt và hàng tháng đều đi thăm thú các địa phương ở Việt Nam.
Từ năm 2002, Hà Giang trở thành điểm đến thường xuyên của ông cũng bởi lý do tỉnh này có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có tới 22 dân tộc cư trú. Yêu mảnh đất địa đầu tổ quốc Việt Nam, yêu bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc, nên tháng nào người đàn ông hiền lành ấy cũng từ Tokyo bay sang Nội Bài, đi hai chặng ô tô và một chặng xe ôm để lên đến Lô Lô Chải.
Ông Ogura đã đầu tư toàn bộ số vốn của mình để tạo nên quán cà phê Cực Bắc và sau đó giao lại toàn bộ cho một gia đình người Lô Lô để hoạt động kinh doanh. Giờ đây, quán cà phê Cực Bắc là điểm đến yêu thích của bất cứ ai đặt chân đến thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Ông chia sẻ rằng: ‘’Nếu làm du lịch theo hướng bảo tồn các giá trị văn hoá, kiến trúc của người Lô Lô sẽ thành công’’.
Đến nay, cà phê Cực Bắc là một địa điểm được khách du lịch yêu thích khi đến với Lô Lô Chải. Ở một bản heo hút nơi cực Bắc của tổ quốc, có một quán cà phê đẹp để ngồi thư thái ngắm núi non trùng điệp, kiến trúc truyền thống với nhà trình tường đất, tường đá, cổng gỗ, dùng chuông gọi đồ uống, vừa thưởng thức đồ uống vừa xem dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu... do người Lô Lô tự tay làm, lại được trò chuyện với họ.
Bên cạnh quán cà phê cũng là một căn nhà trình tường rất cổ và lâu đời. Tuy nhiên, chủ của căn nhà này từng có ý định cho người dưới xuôi thuê và cải tạo để làm du lịch. Biết chuyện này, ông không muốn căn nhà đó được cho thuê, ông muốn chủ quán cafe Cực Bắc thương lượng với chủ nhà bên cạnh, để ông thuê thêm vì không muốn căn nhà trình tường bị mất đi.
Người đàn ông Nhật này còn đi khắp thôn để tư vấn cho nhà này phương pháp làm ăn, cách thức giao tiếp với khách, cách bày biện mâm cơm, hỗ trợ nhà kia kinh phí chuyển chuồng bò ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh và cảnh quan... Những người dân ở đây coi ông như người nhà bởi sự thân thiện, tốt bụng, am hiểu văn hóa Lô Lô của ông.