A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích Hang Đán Cúm

Hang Đán Cúm nằm trong hệ thống hang động và mái đá ở dãy núi Đán Ngầm, thuộc tả ngạn sông Gâm, thôn Tiến Xuân, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Hang cách sông Gâm gần 1 km theo đường chim bay. Địa điểm này được phát hiện năm 1997, đã trải qua 3 lần đào thám sát và khai quật năm 1998,  được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2001.

Hình ảnh khảo sát hang Đán Cúm năm 2021 của huyện Bắc Mê

 

Do thế núi ở đây dựng đứng khiến đường lên hang Đán Cúm khó khăn,vất vả. Hang cao hơn thung lũng xung quang khoảng hơn 50m. Cách cửa hang hơn 100m có con suối lớn chảy qua. Vào mùa mưa cũng như mùa khô, lượng nước khá dồi dào. Con suối này là nguồn cung cấp nước chủ yếu của dân cư khu vực này.

 

Hang Đán Cúm gồm 2 phần: Hang trên và hang dưới, đều có cửa quay hướng tây. Hang trên có diện tích hơn 10m2, có ngách ăn thông xuống hang dưới. Trần hang cao trên 3m, nền hang khá bằng phẳng. Hang dưới có diện tích rất lớn, được chia làm 2 khu vực hang sáng và hang tối.  Các nhà khảo cổ đã thu được trên 3.000 di vật đá, thể hiện tính đồng nhất cao về loại hình và kỹ thuật chế tác đá. Đồ đá ghè đẽo chiếm tuyệt đối, không có đồ đá mài và đồ gốm.

Thủ pháp chế tác đá chủ đạo ở hang Đán Cúm là kỹ thuật bổ cuội. Trong sưu tập, số công cụ được gia công từ cuội bổ chiếm hơn 50% tổng số công cụ ghè phần lưỡi. Thủ pháp bổ cuội nhằm tách mỏng các hòn cuội dày, tách từng lớp như múi cam, đó là thủ pháp nhằm tăng thêm nguyên liệu trong điều kiện khan hiếm đá. Ở hang Đán Cúm bổ cuội thường áp dụng trên hòn cuội có dạng bầu dục, gần tròn, bổ theo cạnh dọc viên cuội với phương thức nhân đôi nhiều lần. Có nhiều khả năng, người tiền sử ở hang Đán Cúm đã tiến hành bổ cuội ngay trên bãi cuội tự nhiên. Họ thường mang về hang những mảnh cuội bổ thành phẩm từ đó chế tác thành công cụ. Một kỹ thuật ghè đẽo đặc trưng nữa ở Đán Cúm là ghè xung quanh hướng tâm viên cuội (kỹ thuật Sumatralith). Nhờ có thủ pháp này đã tạo nên những loại hình công cụ Sumatralith với các dạng hình bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn... Hang Đán Cúm vừa chứa đựng những đặc trưng kỹ thuật loại hình điển hình của Văn hoá Hoà Bình, vừa bảo lưu mạnh mẽ kỹ thuật loại hình Đá cũ, lại có những nét độc đáo mang sắc thái địa phương ở khu vực đệm giữa Tây Bắc và Việt Bắc. Các nhà nghiên cứu cho rằng Đán Cúm là một địa điểm khảo cổ Văn hoá Hoà Bình sớm, có tuổi trên 10.000 năm cách nay, từ những bằng chứng về thành tạo địa tầng thế toàn tân sớm, với lớp sét vàng dẻo quánh, khác với trầm tích cánh tân kết cấu chặt khô, cứng. Điều này còn thể hiện qua di tích xương, răng động và vỏ ốc chưa hoá thạch được tìm thấy trong tầng chứa di vật khảo cổ.

Hang Đán Cúm có giá trị quan trọng về lịch sử, khoa học và văn hoá. Qua quá trình phát hiện hang Đán Cúm, chúng ta còn thiết lập được một tuyến phát triển văn hoá lịch sử trên đất Hà Giang, mà những mắt xích của nó được đại diện bởi những di tích tiêu biểu đã phát hiện được như: Di tích Đồi Thông và di chỉ Lò Gạch (thành phố Hà Giang), di tích hang Đán Cúm, di tích hang Nà Chảo (hang Nà Chảo phát hiện sau Đán Cúm). Đó cũng chính là con đường phát triển kéo dài gần suốt thời gian tồn tại của thời đại đồ đá, một thời đại xa xưa nhất trong lịch sử văn hoá con người. Hang Đán Cúm vai trò và tầm quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hoá; còn là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách và các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.


Tác giả: Nguyễn Vân
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 134
Hôm qua : 3.508
Tháng 06 : 86.824
Năm 2024 : 499.210