A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích chuông và bia chùa Sùng Khánh

Chùa Sùng Khánh thuộc địa phận thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên. Chùa nằm gần Quốc lộ 2, cách Thành phố Hà Giang 9 km. Chùa Sùng Khánh được khởi công xây dựng từ tháng giêng năm Bính Thân thời Thiệu Phong (1356) đến rằm tháng tư thì hoàn thành.

Trải qua bao biến cố của thời gian và lịch sử, ngôi chùa được xây dựng thời Trần và sau này được trùng tu vào thời Lê đã bị đổ nát, tượng Phật và các đồ thờ tự đã bị mai một. Duy nhất chỉ còn 2 tấm bia đá và 1 quả chuông cùng trường tồn với thời gian, trong đó đáng chú ý nhất là tấm bia dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông vào năm 1367. Bia đặt trên một con rùa đá tương xứng, điểm độc đáo là ở trán bia được bao bọc trong băng trang trí hình cánh cung được chia ra 3 ô: Ô chính giữa khắc hình Phật bà A Di Đà ngự trên toà sen 2 tầng cánh, mỗi bên có một đệ tử đứng chầu tay chắp trước ngực; hai ô bên cạnh khắc 2 con rồng giống nhau, tựa như đối xứng trong tư thế đang bay, đầu nghển cao hướng tới toà sen. Theo các nhà nghiên cứu, trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt, chưa từng thấy trên một tấm bia nào khác hiện đã biết ở nước ta.

Tấm bia này là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, được dùng để so sánh đối chiếu một số tự dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Tấm bia không chỉ khẳng định sự ra đời của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh, mà còn có một sử liệu quan trọng là việc dòng họ Nguyễn thế tập làm phụ đạo quản trị ở đây ràng buộc với ngôi chùa.

Chùa Sùng Khánh

Bia đá chùa Sùng Khánh là một tài liệu bia ký nguyên vẹn, trang trí hình Phật, rồng, hoa dây…chưa từng thấy trên tấm bia thời Trần nào hiện biết. Tấm bia còn giúp thêm tài liệu cho việc tìm hiểu địa danh, lịch sử, chữ viết thời Trần, đặc biệt là sự xuất hiện của chữ Nôm khắc trong văn bia. Ngoài ra, chúng ta còn biết chế độ Phụ đạo ở thời Trần được chính quyền Trung ương thi hành rộng rãi. Tấm bia còn là chứng cớ nói lên ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần thời bấy giờ. Hơn nữa, một hệ quả lịch sử mà chúng ta thấy được, đó chính là một biểu hiện lớn mạnh của chính quyền trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ mọi miền biên viễn của đất nước. Chính vì vậy tấm bia này được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Bia tại chùa Sùng Khánh

Đến năm 1705 ngôi chùa được trùng tu lại. Lần trùng tu này đúc quả chuông và tạc 1 bia đá ghi lại sự kiện trùng tu chùa. Chuông cao 0,90m, đường kính miệng rộng 0,67m. Đặc biệt là ở 4 múi chuông, mỗi múi có 2 phù điêu hình người đắp nổi (cao 10cm bố trí ở góc các múi) để bảo vệ và trấn 8 hướng. Sau năm 1964, do điều kiện lịch sử, chiến tranh khốc liệt, ngôi chùa Sùng Khánh không được chăm nom bảo vệ thường xuyên và ít lâu sau đã bị đổ sập. Đến năm 1989 ngôi chùa được xây dựng lại; năm 1993 chùa Sùng Khánh được xếp hạng là di tích lịch sử; năm 1999, được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Chuông tại chùa Sùng Khánh

Chùa Sùng Khánh gắn liền với lễ hội Lồng Tồng nơi đây. Từ năm 1994 đến nay, lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) được phục hồi lại. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, được tổ chức tại thửa ruộng trước cổng chùa. Vào ngày này bà con nhân dân trong thôn, xã và các vùng lân cận quy tụ về đây dự lễ và lễ Phật. Vẫn theo lệ từ xưa, phần lễ đầu tiên là cúng tạ các thần linh cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản làng bình yên no ấm. Sau đó, người ta tiếp tục dâng lễ lên chùa lễ Phật. Tiếp theo phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống mà trong đó vui nhất, đông nhất là hội tung còn. Người dân địa phương thường quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới làm ăn thuận lợi. Lễ hội được tổ chức vui tươi, tưng bừng và phấn khởi, với mục đích mở mùa gieo trồng mới, tạ ơn trời, đất, thần Nông, thần Phục Hy, Thành hoàng làng bản…, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa và cuộc sống an yên,yên lành, hạnh phúc…

Chùa Sùng Khánh là một điểm du lịch tâm linh trên mảnh đất Vị Xuyên. Dù trải qua bao biến cố thăng trầm, nơi đây vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa. Về chùa Sùng Khánh, chúng ta có được khoảng không gian yên bình, tĩnh lặng giữa núi rừng non cao hùng vỹ, là cơ hội để cùng thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên yên bình, thơ mộng của Hà Giang.

Nguyễn Vân


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.216
Hôm qua : 2.756
Tháng 04 : 74.596
Năm 2024 : 262.936