A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Danh lam thắng cảnh hang Khố Mỷ

CTTBTG - Hang Khố Mỷ thuộc địa phận thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Nằm ngay bên cạnh con đường vào thôn Khố Mỷ, cách thôn chừng 1km, bao quanh những ngôi nhà trình tường đất truyền thống của đồng bào Mông là những thửa ruộng bậc thang.

Cửa hang quay hướng Nam, nhìn về phía thôn dưới thung lũng hình lòng chảo, toàn bộ ngôi làng được khép kín với các dãy núi đá karst bao quanh. Trên toàn dãy núi Răng Cưa và khu vực hang được bao phủ bởi một rừng cây thứ sinh rậm rạp, cửa hang được che đậy một phần bởi những dây leo rủ xuống. Hang có cấu tạo hoàn toàn từ đá vôi với tổng chiều dài 474m và hai nhánh rẽ có độ dốc lớn, đi sâu xuống lòng đất. Lòng hang được chia làm 4 phân đoạn rõ nét và ở mỗi đoạn lại mang những đặc điểm khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh quan. Khu vực ngoài nóc hang có dạng mái che nghiêng và gần như không có nhũ đá, nền hang phía bên trái là đất bằng phẳng, ở vách phải nhìn từ cửa vào có hiện tượng sập để lại thềm đá đổ khá rộng. Các dải đá sập đổ này tạo thành nhiều cấp bậc khiến cho khu vực này giống như một nhà thi đấu. Càng vào sâu bên trong nhũ đá xuất hiện càng dày đặc với nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, khơi gợi trí tưởng tượng cho người xem.

Hang Khố Mỷ nằm trên địa phận huyện Quản Bạ (ảnh Chu Việt Bắc)

Nằm trong khu vực công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hang Khố Mỷ được các nhà địa chất đánh giá là một trong nhưng hang động đẹp nhất Hà Giang, là điểm có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch của huyện Quản Bạ. Nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi với đường trải nhựa vào đến gần cửa hang và chỉ cách trung tâm huyện hơn 20km. Hang Khố Mỷ có một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo. Bước vào trong hang bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa. Với đặc điểm là núi đã vôi, trải qua hàng nghìn năm những dòng chảy đã bào mòn lòng hang nhiều chỗ có độ cao trên 50m, những giọt nước trên trần hang nhỏ xuống đã tạo nên vô vàn nhũ đá đẹp, lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt. Những cột nhũ cao sừng sững như khoe ra dáng vẻ bề thế, những dòng thạch nhũ thấm qua thành hang tạo nên những bức phù điêu với đủ hình dáng, màu sắc càng làm tăng thêm nét huyền bí, lung linh, kỳ ảo của hang. Bên cạnh đó trong hang còn có rất nhiều dạng kiến tạo của nhũ đá với nhiều dạng cột nhũ, măng nhũ với những hình thù độc đáo khơi gợi trí tưởng tượng của du khách khi vào tham quan... Bao quanh hang Khố Mỷ còn có một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, bên những sườn núi là những chân ruộng bậc thang uốn lượn, những nóc nhà ẩn hiện trong sương càng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho danh thắng vùng giáp biên này.

Hang Khố Mỷ từ bao đời đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng người Mông nơi đây. Do bản người Mông nằm gọn trong lòng một thung lũng nhỏ hẹp nên vào những dịp lễ tết dân bản lại tập trung vào bên trong hang tổ chức lễ hội, khoảng nền đất bằng phẳng gần cửa hang với độ cao trên 30m và rộng như một sân bóng đá là nơi hàng năm diễn ra lễ hội Gàu Tào với những trò chơi truyền thống như đánh yến, ném còn, đẩy gậy... đây có lẽ là nơi duy nhất một lễ hội truyền thống được tổ chức trong hang. Cũng chính vì đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây nên nhiều khu vực trong hang và các thạch nhũ thường được đặt những cái tên rất mộc mạc như: Khu ruộng bậc thang, dải lụa, cm lúa, tượng mẹ bồng con ... và thêu dệt nên những câu chuyện, sự tích về hang Khố Mỷ còn truyền lại đến ngày nay. Hiện nay vẫn còn lưu truyền một số câu chuyện kể liên quan đến hang Khố Mỷ. Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng ở một làng nọ lấy nhau đã lâu mà không có con, mãi tới gần năm mươi tuổi mới sinh được một người con gái, hai vợ chồng rất mừng và đặt tên con là Mỷ, cô gái Mỷ lớn lên xinh đẹp như hoa, mười lăm tuổi đã thông thạo mọi công việc cày cấy, se lanh, dệt vải lại hay giúp đỡ người khác nên được dân làng yêu mến. Làng bên có anh chàng nghèo mồ côi cha tên là Cu Ly, hằng ngày vẫn thường cùng nhau chăn trâu cắt cỏ, cùng lớn lên rồi yêu nhau. Biết tình cảm của hai người nên bố mẹ nàng Mỷ cho họ lấy nhau rồi cho chàng trai về ở rể. Thời ấy có viên quan coi vùng nay chuyên tham lam, bóc lột của cải của dân lành, một hôm viên quan đi tuần cửa ải qua làng gặp Mỷ, thấy Mỷ xinh đẹp liền muốn cướp về làm vợ, nửa tháng sau hắn cho người mang lễ vật đến nhà đòi cưới Mỷ. Dù bố mẹ Mỷ nói nàng đã có chồng nhưng hắn không nghe bèn bắt bố mẹ Mỷ và chồng nàng nhốt vào nhà lao. Còn nàng thì hằng ngày viên quan đem đủ thứ của ngon vật lạ, vàng bạc, gấm lụa đến lấy lòng nhưng nàng một mực từ chối. Rồi chồng nàng bị lính cai ngục đánh chết, bố mẹ nàng vì già yếu, đói rét cũng qua đời trong nhà lao. Biết tin đó nàng Mỷ đau khổ khóc hết nước mắt, nàng quyết tâm trả thù cho chồng và bố mẹ, hàng ngày viên quan vẫn đến ve vãn nàng, nhân lúc hắn sơ xuất nàng dùng dao đâm chết rồi bỏ trốn. Nàng đi qua nhiều làng bản sau cùng thì làng này nhưng không có nhà để ở nàng đành vào sống trong hang. Ban ngày nàng ra khỏi hang, phát rẫy làm nương, trồng lanh, ban đêm lại vào ngủ trong hang. Vào thời đó người Mông chưa biết trồng lanh dệt vải mà vẫn dùng vỏ cây để che thân. Chính nàng Mỷ là người mang hạt lanh đến trồng và dạy dân bản biết cách se lanh, dệt vải. Dân trong vùng tôn kính gọi nàng là tiên Khử Mỷ. Một ngày nọ dân làng bỗng không thấy nàng xuất hiện, mọi người cùng kéo nhau đi tìm, tìm mãi vẫn không thấy, trong hang chỉ còn lại bộ váy áo của nàng. Để tỏ lòng thương nhớ và tôn kính người có công dạy dân làng biết trồng lanh, dệt vải dân làng đã lập miếu thờ nàng trên một quả đồi nhỏ (miếu hiện nay vẫn còn) và lấy tên nàng đặt làm tên thôn, hang động nơi nàng sống được gọi là động Váy Tiên Nữ hay động Tiên . Qua khảo sát các nhà khoa học đã phát hiện được một hình vẽ với những hình người có hai chiếc sừng (hoặc có thể là búi tóc) dài trên đầu đang dang tay nhảy múa. Các hình vẽ được thể hiện trên vách đá thẳng đứng nằm sâu cách cửa hang khoảng 30m, trong tầm với của người lớn. Nhận định ban đầu đây là một bức vẽ cổ với chất liệu dùng để vẽ là thổ hoàng nghiền trộn nhựa thực vật và hòa với nước để vẽ. Đây là phát hiện có giá trị khoa học và có ý nghĩa lớn đối với ngành khảo cổ học Việt Nam. Danh lam thắng cảnh hang Khố Mỷ được xếp hạng cấp quốc gia năm 2013.


Tác giả: Nguyễn Vân
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.170
Hôm qua : 3.213
Tháng 03 : 81.186
Năm 2024 : 179.852