(qdnd.vn) Kỳ vĩ, mênh mang Nho Quế
Thuyền rẽ nước bỏ lại đằng sau những vệt dài lăn tăn như vảy cá loang loáng trong nắng chiều. Xuống đến sông Nho Quế được tận tay chạm vào dòng nước, thỏa sức đắm mình trong màu xanh ngọc bích đặc trưng.
Trong sự tĩnh lặng của núi đá, cỏ cây, màu xanh ngọc bích của nước sông càng tô vẽ thêm sự mênh mang, yên bình cho đất trời Hà Giang.
Thời tiết những ngày cuối hạ nơi cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đôi khi thất thường. Nắng đấy rồi lại mưa đấy. Có khi, theo những dốc đèo cua tay áo, nắng phơi mình qua triền ngô xanh mướt mát. Nhưng cũng chỉ cần vừa vượt qua con dốc, xuống đến lưng chừng thung, lớp mây dày đã tràn lên phủ kín cả người và xe. Thế rồi mưa. Mưa đổ ầm ào, đủ khiến cho lữ khách qua đường phải tìm chỗ trú ẩn. Mà tìm đâu giữa cao nguyên chỉ trơ khấc những đá và đá, chúng tôi đành dạt vào sát ven đường, căng áo mưa trùm lên mà tránh.
Mưa cũng không lâu, độ chục phút rồi tạnh. Bầu trời nhanh chóng được mở ra cao rộng hơn. Những triền đá lô nhô xuất hiện phía xa như mời gọi bước chân du khách. Anh Hoàng Văn Điệp, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) nói với chúng tôi: “Mưa thế là may mắn đấy các anh ạ! Đấy là trời dọn quang trước khi đoàn ta đến Tu Sản”. Hoàng Văn Điệp là hình mẫu đại diện cho những người trẻ mang đến làn gió mới cho du lịch huyện Mèo Vạc. Trẻ trung, năng động, nhiệt huyết... là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp chàng trai người Mông này.
Quả đúng như lời anh Điệp, xe chúng tôi chạy trên những cung đường sạch sẽ, quang đãng sau mưa. Những sóng núi xếp lô xô tạo nên góc cua mềm mại, không gấp gáp. Cung đường mang tên “Hạnh Phúc” thật đúng ý nghĩa của tên gọi với cả người dân bản địa cũng như du khách lần đầu qua đây. Mỗi lần xe đi qua góc cua, ngước lên cao hình cây, dáng núi, chúng tôi lại thầm cảm phục những thanh niên xung phong đã góp công mở đường. Từ quãng Nhà Bảo tàng con đường Hạnh Phúc đến dốc Mã Pì Lèng gần 6 cây số đường núi đá với hơn chục phút đường xe chạy, ít ai biết rằng trước đây, những thanh niên xung phong đã phải treo mình 11 tháng trên vách đá dựng đứng, đục từng lỗ choòng, đánh mìn phá từng khối đá. Tưởng tượng trên cung đường này còn vang vọng ầm ầm tiếng những trận cốt mìn. Khói mìn tan, bụi đá tan, những gương mặt rạng rỡ, nụ cười tươi sau lớp khăn bám đầy bụi trắng, những thanh niên trẻ lại lao vào vần đá, dọn quang con đường. Cứ thế, bằng sức trẻ và nhiệt huyết, họ đã làm nên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền giữa vùng núi thấp của Hà Giang với vùng núi đá cheo leo ở mảnh đất cực Bắc Tổ quốc.
Hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG HÀ |
Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế dưới hẻm sâu, dòng sông uốn lượn như dải lụa mềm xanh màu ngọc bích vắt qua những dãy núi trùng điệp. Nhìn ngắm trên bản đồ, dải lụa ấy bắt nguồn từ vùng núi cao Nghiễm Sơn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tên gọi Phổ Mai. Sau khi vượt gần 150km qua bao núi cao, thác ghềnh, dòng sông nhập tịch vào Việt Nam và được đặt tên là Nho Quế. Nho Quế đích thực là dòng sông biên giới. Trước khi chạy sâu vào lãnh thổ nước ta, dòng sông còn dùng dằng ở miền biên viễn, để rồi trở thành đường biên giới Việt-Trung qua hai xã Lũng Cú và Má Lé của huyện Đồng Văn.
Đứng giữa mênh mang núi, chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện về ngọn núi cô tiên mà bà cụ người Mông say sưa kể bên bầu rượu ngô thơm mùi cổ tích. Ngọn núi cao của đất Mèo Vạc có tên Chua Lành Gấu, mây phủ quanh năm. Người dân ở mãi thung xa, ngước lên chỉ thấy vách đá dựng đứng lên trời cao. Đỉnh núi ấy là nơi ở của cô tiên có làn da trắng như mây, môi hồng như cánh hoa đào. Nàng thường ngồi trên đỉnh núi, lặng ngắm xuống dòng sông Nho Quế, cất lên giọng ca ngọt ngào, mê đắm. Núi Chua Lành Gấu giờ vẫn đây, sông Nho Quế vẫn mềm mại uốn quanh, chỉ có tiếng hát cô tiên đã lẩn khuất trong hình câu ý núi, trong thanh âm dịu dàng của cao nguyên đá cao vợi.
Kỳ vĩ, mênh mang Nho Quế
Trong không gian mơ màng nhuốm màu cổ tích ấy, Hoàng Văn Điệp phải cắt dòng suy nghĩ của chúng tôi: “Thế có xuống hẻm Tu Sản như đã bàn không? Chiều muộn là khỏi đi đấy các anh nhé!”. Khỏi phải thắc mắc, chúng tôi vội vàng cất máy ảnh, điện thoại vào ba lô, tiếp tục hành trình. Trên cung đường xuống bến thuyền, Điệp kể với chúng tôi hẻm vực Tu Sản mới được đưa vào khai thác hoạt động du lịch từ năm 2019. Trước đây, con đường đến với hẻm Tu Sản phải vượt qua dốc ghềnh rất khó đi. Nhiều người dân bản địa thậm chí còn chưa một lần đặt chân đến. Từ năm 2010, Nhà máy thủy điện Nho Quế 1 chính thức vận hành, khu vực quanh hẻm Tu Sản đến nhà máy trở thành lòng hồ thủy điện với mực nước sâu gần 50 mét nên người dân có thể dùng thuyền làm phương tiện đi lại dễ dàng. Sau này, nhu cầu du lịch lòng hồ thủy điện tăng cao, chính quyền huyện Mèo Vạc đã chủ trương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản nhằm quản lý sự an toàn cho du khách.
Giữa bến thuyền đông đúc khoảng hơn 40 chiếc, chúng tôi lên chiếc thuyền của Lò A Tuyên, dân tộc Giáy. Tuyên mới tròn 30 tuổi, có đầy đủ những đặc điểm của một chàng trai miền biên viễn với làn da rám nắng, gương mặt rắn rỏi, thân hình vạm vỡ. Người chủ thuyền trẻ niềm nở đón khách, cẩn thận nhắc từng người mặc áo phao khi lên thuyền: “Đoạn hồ này nước rất sâu, quý khách lưu ý giữ an toàn khi tham quan theo hướng dẫn giúp em ạ!”. Mọi người trên thuyền không ai bảo ai đều thực hiện theo lời cậu chủ thuyền lễ phép và lịch sự.
Thuyền nổ máy chạy về hướng hẻm vực Tu Sản. Chưa phải ngày nghỉ nên lượng khách đi thuyền không quá đông. Chiếc thuyền lừ lừ tiến một mình giữa sóng nước, tiếng động cơ nổ giòn làm náo động bốn bề. Thuyền rẽ nước bỏ lại đằng sau những vệt dài lăn tăn như vảy cá loang loáng trong nắng chiều. Xuống đến sông Nho Quế được tận tay chạm vào dòng nước, thỏa sức đắm mình trong màu xanh ngọc bích đặc trưng. Trong sự tĩnh lặng của núi đá, cỏ cây, màu xanh ngọc bích của nước sông càng tô vẽ thêm sự mênh mang, yên bình cho đất trời Hà Giang.
Thuyền chúng tôi đã tiến sát đến hẻm vực Tu Sản. Con thuyền vốn dĩ khá lớn có thể chở cùng lúc 20 người, giờ chạy giữa sóng nước Nho Quế thênh thang lại trở nên bé nhỏ vô cùng. Nếu như có một chiếc máy quay trên đỉnh núi cao chĩa thẳng xuống mặt nước, con thuyền nhỏ của chúng tôi lững lờ trôi đi không khác chiếc lá tre là mấy. Chiếc lá ấy cứ thẳng theo lạch nước xuyên qua cánh cửa cống khổng lồ bắt vát hình chữ V mang tên Tu Sản. Vừa qua cánh cửa khổng lồ, thuyền chúng tôi đã mất dấu ánh nắng ở phía sau. Như người gác đền nghiêm cẩn, bên này dãy Mã Pì Lèng nhô ra chặn nắng, bên kia dãy Săm Pun lui lại khép cánh cổng. Hai dãy núi phối hợp với nhau tạo nên bức thành kiên cố cao gần 900m hiên ngang, vời vợi.
Vừa lọt vào giữa hẻm vực Tu Sản, cô bé đi thuyền cùng chúng tôi không giấu nổi sự bất ngờ đã phải thốt lên ngỡ ngàng. Giữa hai vách thành dựng đứng ấy, tuyệt tác của thiên nhiên hiện ra trước mắt với sự hòa nhịp của màu sắc, âm thanh. Ngay dưới vách đá sáng trắng xen những vệt đỏ nâu, những loài cây xếp thành từng tầng xanh mướt mát. Bên các hốc đá, những tán cây cổ thụ, tiếng họa mi hót lanh lảnh lẫn vào tiếng thác nước đổ ầm ào...
Rời bến thuyền cũng là lúc trời xẩm tối, Lò A Tuyên nhiệt tình mời chúng tôi về ngôi nhà nhỏ của em ở xóm Tà Làng thuộc xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc). Vợ chồng Tuyên ở cùng bố mẹ trong căn nhà nhìn thẳng ra dòng sông Nho Quế. Gà trên chuồng, cá dưới sông, rau trong vườn, khu bếp còn có dụng cụ làm đậu, nấu rượu. Gia đình quanh năm sống tự cung, tự cấp. Cũng bởi vậy, bao thế hệ trong gia đình Tuyên đã quen với cuộc sống lặng yên dưới thung sâu, chẳng cần biết cuộc sống ngoài kia thay đổi ra sao.
Nhưng khác với thế hệ của ông bà, bố mẹ, A Tuyên lặn lội ra Hà Nội học Cử nhân Khoa Chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ra trường, Tuyên lập gia đình, làm kinh tế tại địa phương. Năm 2019 rồi đến 2021, vợ chồng Tuyên lần lượt vay mượn để mua hai chiếc thuyền kinh doanh du lịch cho Hợp tác xã của Hoàng Văn Điệp; đến nay trả nợ cũng gần xong. Vợ chồng Tuyên cũng như nhiều bạn trẻ ở Hà Giang rất nhanh nhẹn trong nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Nói như Tuyên, đó là hành trình đi thật xa để rồi lại trở về xây dựng quê hương, sống cuộc sống bình yên bên những nếp nhà ven sông Nho Quế.
Ghi chép của NGUYỄN ĐỨC HÀ