Sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số ở xã Quang Minh
CTTBTG - Hòa cùng dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông dân xã Quang Minh huyện Bắc Quang đang bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số trong sản xuất gạo hữu cơ. Bước tiến vượt bậc này được kỳ vọng tạo đà thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển nông nghiệp số.
Cán bộ xã Quang Minh kiểm tra hình ảnh, video chăm sóc lúa trên phần mềm nhật ký điện tử.
Mô hình trên được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất cho đến khi ra thị trường và có sự đồng hành của “4 nhà”. Trong đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang hỗ trợ 100% giống lúa HG 507, Thái ưu 28, Thái ưu 66; tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất gạo hữu cơ, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Cùng với đó, các hộ tham gia mô hình được Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hòa Phú hỗ trợ 100% phân hữu cơ vi sinh; Công ty Cổ phần công nghệ Xác thực số cung cấp phần mềm ứng dụng chuyển đổi số và tập huấn sử dụng nhật ký điện tử. Riêng Công ty Cổ phần Quản lý và Truyền thông MicViet giúp người dân xây dựng câu chuyện về gạo hữu cơ và thực hiện công tác quảng báo hình ảnh, truyền thông cho sản phẩm.Trung tuần tháng Năm, cánh đồng Nà Luông, thôn Bế Triều như khoác lên mình diện mạo mới khi 1,3 ha lúa Xuân HG 507, Thái ưu 28, Thái ưu 66 trổ bông, hứa hẹn tiềm năng về năng suất. Đặc biệt hơn, trên cánh đồng này không chỉ hình thành liên kết “4 nhà”: Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà khoa học mà còn được UBND huyện Bắc Quang lựa chọn để thực hiện Mô hình trình diễn và sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số vụ Xuân năm 2022, với sự tham gia của 11 hộ dân. Đây đều là những hộ có nhân lực, khả năng tiếp thu và tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang Trần Minh Hữu, cho biết, sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số được thực hiện ở 2 khâu: Nhật ký điện tử và bán hàng online. Theo đó, người dân thường xuyên cập nhật toàn bộ quy trình sản xuất gạo hữu cơ bằng video và hình ảnh lên phần mềm nhật ký điện tử, ví dụ như ngày gieo mạ, cấy lúa, bón phân, làm cỏ, sục bùn, thăm đồng, theo dõi sinh trưởng của cây lúa... Đến vụ thu hoạch, gạo hữu cơ được Công ty Cổ phần Nông nghiệp số VIDAS hỗ trợ bán sản phẩm bằng hình thức trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Nông nghiệp số của đơn vị, giúp việc kết nối cung – cầu thuận lợi và dễ dàng hơn.
Là người trực tiếp tham gia mô hình, Trưởng thôn Bế Triều Lộc Thị Hiền, chia sẻ: Sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số là cách làm còn khá mới mẻ với người nông dân. Song, bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, các hộ dân tham gia mô hình đã, đang thực hiện đầy đủ các bước theo quy định để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng gắn với ứng dụng chuyển đổi số. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn và qua theo dõi thực tế chúng tôi nhận thấy: Những giống lúa đưa vào sản xuất đều có khả năng chịu rét tốt, ít nhiễm sâu bệnh, đẻ nhánh tốt và tập trung, có khả năng chịu thâm canh cao, bông dài, số lượng hạt nhiều, xếp dày, rất tiềm năng về năng xuất, hứa hẹn vụ Xuân thắng lợi. Hiện nay, thôn đang vận động các hộ dân đăng ký để nhân rộng mô hình từ 1,3 ha lên 5 ha vào vụ Mùa tới...
Thông qua liên kết “4 nhà” trong sản xuất gạo hữu cơ ứng dụng chuyển đổi số đã tạo nên cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Quang nói chung, xã Quang Minh nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập của người dân, hướng tới mục tiêu nâng giá trị sản phẩm trồng trọt trên địa bàn huyện Bắc Quang năm 2022 lên 71,4 triệu đồng/ha. Đồng thời, tạo đà thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển nông nghiệp số theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Bài, ảnh: Nguyễn Nhung