Phiên họp thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 24.4, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức phiên họp thứ 8, trực tuyến tới các tỉnh, thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện CĐS và phát triển kinh tế số từ đầu năm đến nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì. Dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang. |
Từ đầu năm đến nay, có 21 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành kế hoạch CĐS năm 2024; có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Về phát triển dữ liệu số, có 14 bộ, ngành và 52 địa phương ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023; tổng số CSDL thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2.398 CSDL, tăng 14,5% so với năm 2023. Về phát triển hạ tầng số, có 80,2% hộ dân sử dụng cáp quang internet băng rộng; 100% xã kết nối internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.
Về phát triển Chính phủ số, 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp toàn trình. Tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng dịch vụ công quốc gia trên 299,5 triệu hồ sơ; hoàn thành cung cấp 41/53 dịch vụ công thiết yếu. Bộ Công an cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo, y tế thanh toán không dùng tiền mặt.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới các tỉnh, thành phố. |
Đối với tỉnh Hà Giang, ngay đầu năm 2024, tỉnh ban hành các kế hoạch và quyết định; xác định 92 chỉ tiêu, nhiệm vụ, mô hình CĐS và an toàn thông tin; CĐS gắn với cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Hạ tầng cơ sở, trang thiết bị trong hệ thống chính trị được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành từng bước được xây dựng. Mở rộng vùng phủ sóng 127/154 thôn trắng sóng; hỗ trợ gần 28.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng dịch vụ internet thông qua chương trình viễn thông công ích. Hoạt động thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử triển khai rộng khắp; 100% sản phẩm OCOP được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu; do đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong phát triển KT – XH để giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS theo kế hoạch năm 2024. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia và các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách. Tăng cường hợp tác công tư; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, hạ tầng số, đổi mới sáng tạo và lập nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, an ninh an toàn thông tin mạng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, công bố danh mục các nền tảng, ứng dụng dùng chung. Lựa chọn địa phương làm thí điểm trung tâm điều hành thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển KT – XH và giúp người dân phản ánh các vấn đề phát sinh trong xã hội, cũng như các kiến nghị đối với chính quyền. Xây dựng, phát triển và ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, ứng dụng số phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc kết nối Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân cấp bộ, cấp tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện hệ thống CSDL cấp bộ, tỉnh, làm rõ số lượng CSDL; đồng bộ, chuẩn hóa để đảm bảo kết nối, chia sẻ; xác định rõ dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ, dùng chung. Các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh xóa vùng lõm sóng, đảm bảo phủ sóng băng rộng di động cho 100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia; cung cấp dịch vụ mạng 5G ra thị trường.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Hạ tầng số không chỉ gồm hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, mà còn bao gồm các tiện ích số như VNeID, hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, tài khoản thanh toán điện tử; do đó, các bộ, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đẩy mạnh phổ cập để thúc đẩy CĐS. Thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cơ bản, tuân thủ quy định pháp luật.
Tin, ảnh: Kim Tiến