A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu, tuyển chọn một số giống mới cây ăn quả ôn đới cho vùng Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang không chỉ là một vùng di sản quốc tế mà còn là một khu vực có lợi thế phát triển của nhiều cây trồng đặc hữu. Với điều kiện khí hậu đặc thù, nơi đây có những giống cây ăn quả ôn đới đặc sản. Để khai thác tiềm năng vùng về lợi thế phát triển cây ăn quả ôn đới, UBND tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 2874/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 phê duyệt triển khai đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang", Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ôn đới là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài.

Nhóm nghiên cứu đề tài tại vườn trồng thí nghiệm giống mận Dowworth và Gulfbeauty          

Nhóm nghiên cứu đề tài tại vườn trồng thí nghiệm giống mận Dowworth và Gulfbeauty          

Trên cơ sở đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ôn đới đã tiến hành triển khai thực hiện các nội dung của đề tài, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là công tác nghiên cứu đánh giá một số giống mới cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng có chất lượng nhằm tuyển chọn những giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái thuộc 4 huyện vùng cao núi đá. Trên cơ sở đó, bổ sung cho địa phương những giống mới có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát triển những sản phẩm mới thành đặc sản riêng có của vùng.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Hà Mạnh Phong, Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự cho biết, nội dung nghiên cứu mà đề tài thực hiện có 8 giống, gồm: Giống lê LMN1 và Tai Nung6; giống đào ĐMN1 và B115; giống mận Úc Dowworth và Gulfbeauty; giống hồng MC1 và hồng Quản Bạ. Đề tài được thực hiện ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ và thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Có hai thí nghiệm được song song triển khai, gồm thí nghiệm trồng mới và thí nghiệm ghép cải tạo. Kết quả của thí nghiệm trồng mới xác định được khả năng thích nghi của các giống khảo nghiệm thông qua các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển thân, cành tán, khả năng ra hoa, đậu quả mức nhiễm sâu bệnh hại. Kết quả của thí nghiệm ghép cải tạo xác định chất lượng quả của các giống. Trên cơ sở các kết quả đó để lựa chọn các giống có ưu thế vượt trội về khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng quả, từ đó xác định tuyển chọn được các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng khảo nghiệm để mở rộng diện tích.

Giống lê LMN1 cho trái trĩu cành tại vườn thí nghiệm ở Đồng Văn         

Giống lê LMN1 cho trái trĩu cành tại vườn thí nghiệm ở Đồng Văn         

Qua quá trình thực hiện công tác đánh giá, tuyển chọn từ tháng 1.2019 đến tháng 12.2022, đã tuyển chọn được các giống, gồm: 2 giống lê LMN1 và Tai Nung6; 2 giống đào ĐMN1 và B115; 2 giống mận Dowworth và Gulfbeauty với các đặc điểm chính và khả năng thích nghi của các giống mới với từng vùng sinh thái. Như với giống lê LMN1 và Tai Nung6 có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, đạt năng suất cao ở năm thứ 4 sau trồng, đạt 61,2 - 63,9 tạ/ha; giống Tai Nung6 đạt 58,7 – 60,6 tạ/ha. Các giống trên có nhiều ưu điểm về mẫu mã đẹp, quả to, vị ngon, ít nhiễm sâu, bệnh hại chính; thời điểm thu hoạch giống lê LMN1 từ ngày 8 - 10.7 và giống Tai Nung6 thu từ ngày 12  - 17.6 hằng năm. Một lợi thế của 2 giống mới là có thời gian thu hoạch cách nhau khoảng 23 - 26 ngày, như vậy dễ bố trí cơ cấu giống dải vụ khi đưa cả hai giống vào sản xuất. Với các kết quả nghiên cứu thì 2 giống lê LMN1 và Tai Nung6 thích nghi điều kiện tự nhiên tại các điểm vùng cao của huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.

Kết quả nghiên cứu cũng tuyển chọn được 2 giống đào ĐMN1 và B115 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Với giống đào ĐMN1 đạt 40,9 đến 44,2 tạ/ha; giống đào B115 đạt 41,1 đến 43,4 tạ/ha ở năm thứ 4 sau trồng; chất lượng quả của các giống có mẫu mã đẹp, quả to, vị ngon, hương thơm đặc trưng, ít nhiễm sâu, bệnh hại chính; thời điểm thu hoạch giống ĐMN1 từ ngày 28.4 đến ngày 5.5 và giống đào B115 thu từ ngày 15 - 22.5 hằng năm. Đặc biệt, giống đào B115 có kiểu dáng và màu sắc hoa rất đẹp có thể trồng tạo cảnh quan kết hợp mô hình nông nghiệp và du lịch rất hiệu quả. Với các kết quả nghiên cứu, 2 giống đào ĐMN1 và B11 đều thích nghi điều kiện tại huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.

Đối với tuyển chọn giống mận, duy nhất giống Dowworth thích nghi tốt ở điểm Đồng Văn với khả năng phát triển tốt, đạt năng suất 31,2 tạ/ha ở năm thứ 4 sau trồng; chất lượng quả của giống có mẫu mã đẹp, quả to, vị ngọt pha chua, thịt quả vàng tươi bắt mắt, hương thơm đặc trưng, ít nhiễm sâu, bệnh hại; thời điểm thu hoạch từ ngày 17 – 19.6. Giống mận Gulfbeauty có nhiều ưu điểm về phát triển thân, cành tán tốt, cho năng suất cao đạt 23,5 – 24,2 tạ/ha ở năm thứ 4, ít nhiễm sâu bệnh hại; chất lượng quả của giống có mẫu mã đẹp, quả to, tuy nhiên vị quả nhiều chua, thịt quả cứng trung bình ít phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với các kết quả nghiên cứu thì giống mận Dowowrth chỉ thích nghi điều kiện tự nhiên tại các điểm vùng cao của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc; giống Gulfbeauty thích hợp với vùng Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc.

Về kết quả chọn giống hồng cho thấy, giống hồng Quản Bạ sinh trưởng, phát triển tốt tại điểm Quản Bạ, cây phát triển mạnh, năng suất cao đạt 60,7 tạ/ha; Chất lượng quả của giống có mẫu mã quả ở mức trung bình, quả nhỏ nhưng có ưu điểm về vị quả ngọt đậm, thịt quả giòn, thoáng hương thơm, vị ngon, ít nhiễm sâu bệnh hại chính.

Một kết quả khác thông qua nghiên cứu mà các nhà khoa học cũng đánh giá được giống mận Dowworth không phù hợp với điểm Quản Bạ và các vùng có điều kiện tự nhiên tương đồng. Giống hồng MC1 ở cả hai điểm Quản Bạ và Đồng Văn đều cho kết quả thấp. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy giống hồng MC1 ít phù hợp với điều kiện sinh thái tại Quản Bạ và Đồng Văn cũng như những vùng khác có điều kiện tự nhiên tương đồng. Giống hồng Quản Bạ không phù hợp với điều kiện tư nhiên tại Đồng Văn cũng như các vùng sinh thái khác có điều kiện tự nhiên tương đồng.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài về công tác chọn giống mới cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng cho các huyện vùng cao núi đá Hà Giang, các nhà nghiên cứu đề tài đưa ra khuyến cáo cho các địa phương lựa chọn giống phù hợp phát triển thành các sản phẩm đặc sản, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng cao núi đá. Mặt khác, góp phần làm phong phú sản phẩm từ cây ăn quả ôn đới trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương cũng như khách du lịch đến với Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài, ảnh: Phương Lan (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ôn đới)   


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.426
Hôm qua : 3.474
Tháng 03 : 82.916
Năm 2024 : 181.582