A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Mèo Vạc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

CTTBTG - Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Mèo Vạc luôn được sự chỉ đạo thống nhất của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của các cấp các ngành trên địa bàn, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.

Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được huyện Mèo Vạc tập trung chỉ đạo thực hiện, bởi đây là bước đệm để xây dựng chính phủ điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Do đó, trong năm 2022 nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công tại huyện Mèo Vạc đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Đến nay, hệ thống đường truyền viễn thông, internet tốc độ cao đã được phủ rộng trên toàn huyện; 100% cán bộ, công chức cấp huyện và trên 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính sử dụng trong công việc; 100% cơ quan Nhà nước đã đầu tư hệ thống mạng nội bộ (LAN); 99% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối tốc độ cao (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật). Các hệ thống thông tin dùng chung như: Quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình, trang thông tin điện tử,... hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính. Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Tỷ lệ cán bộ, công chức của huyện được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt trên 85%.

Nhân viên Agribank Mèo Vạc hướng dẫn hộ kinh doanh cài mã QR code trong thanh toán điện tử (Ảnh: Minh Chuyên)

Về phát triển kinh tế số, cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, toàn huyện đã có 68 doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh đăng ký và thực hiện thanh toán hóa đơn điện tử. Năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Kết quả, đã cài đặt cho 480 tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Công ty Cổ phần Thủy điện Nho Quế 1 đã triển khai vé điện tử đối với khách du lịch. Chi nhánh Viettel đã triển khai cài đặt App thanh toán không dùng tiền mặt cho nhân dân các xã, thị trấn. Phối hợp với Viettel Hà Giang tổ chức khai trương chợ 4.0 thị trấn Mèo Vạc. Hệ thống wifi công cộng, mã QR code truy cập cẩm nang du lịch Mèo Vạc tại trụ sở các cơ quan, các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch trên địa bàn đã góp phần xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối nhằm thu hút du khách đến với huyện.

Ký kết hợp tác chuyển đổi số giữa UBND huyện Mèo Vạc và Viettel Hà Giang (Ảnh: Quỳnh Lưu)

Cùng với đó, chuyển đổi số trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, du lịch và một số ngành như Công an, Tư pháp, Lao động – Thương binh – Xã hội cũng được huyện Mèo Vạc triển khai đồng bộ với nhiều ứng dụng, phần mềm được đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được chú trọng triển khai. Huyện đã chỉ đạo thành lập được 18 Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp xã; 199 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ khu phố để hướng dẫn người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các phần mềm để từ đó người dân dễ bắt nhịp chuyển đổi số hơn.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, hạn chế... Song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực vì sự phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc đang từng bước đưa chuyển đổi số vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân.

Minh Chuyên


Tác giả: Minh Chuyên
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.048
Hôm qua : 4.526
Tháng 04 : 91.833
Năm 2024 : 280.173