A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới triển khai toàn quốc Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Để giúp các địa phương nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của địa phương mình thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII); dự kiến triển khai trên toàn quốc vào cuối năm 2023.

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Việt Nam đã sử dụng Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về ĐMST nhanh nhất.

Tuy nhiên, ở cấp địa phương lại gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia, do nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, do sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế-xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và ĐMST khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng. Do đó, việc triển khai xây dựng Bộ chỉ số PII là rất cần thiết để các địa phương nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và ĐMST của địa phương mình.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ tại Triển lãm

Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022.

 

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với WIPO và các địa phương xây dựng Bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm 5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra. 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và ĐMST gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, hạ tầng cơ sở, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển kinh doanh. 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KHCN và ĐMST vào phát triển kinh tế-xã hội, gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; những tác động liên quan.

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trả lời câu hỏi của Báo Quân đội nhân dân về tình hình triển khai Bộ chỉ số PII, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thử nghiệm PII tại 20 tỉnh, thành phố, thuộc 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập và cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Qua thử nghiệm cho thấy, Hà Nội dẫn đầu chỉ số PII với 61,07 điểm. Tiếp theo gồm: Đà Nẵng (56,69 điểm), TP Hồ Chí Minh (52,27 điểm), Quảng Ninh (49,97 điểm), Hải Phòng (47,61 điểm)... Bên cạnh điểm số và xếp hạng, kết quả từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Tuy nhiên, do hệ thống thống kê của Việt Nam còn chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương, một số chỉ số còn chưa phù hợp, vì vậy cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó giám đốc Học viện KHCN và ĐMST, đơn vị xây dựng và triển khai Bộ chỉ số PII thông tin: Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho các đơn vị địa phương triển khai, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng. Các chuyên gia cũng đang tiếp tục cập nhật thay đổi chỉ số thành phần của PII cho phù hợp. Việc điều chỉnh các chỉ số PII cũng tương tự như cách chỉ số GII thực hiện hàng năm, nhằm phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội.

Ví dụ gần đây, GII đưa chỉ số phát triển sản phẩm số hoặc sản phẩm sáng tạo trên môi trường số trở thành một trong những chỉ số đầu ra quan trọng để đánh giá chỉ số mỗi quốc gia. Với PII cũng sẽ cân nhắc một số chỉ số đầu vào như trường đại học, nhân lực nghiên cứu hoặc nguồn lực doanh nghiệp để phù hợp với các địa phương. Dự kiến tháng 12-2023, Bộ chỉ số PII sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như những yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KHCN và ĐMST.

 


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 269
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 102.190
Năm 2024 : 290.530