Lợi ích quốc gia - dân tộc là thiêng liêng nhất
Kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc” và theo quan điểm của Người thì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là để mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người cho rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” và Người luôn khát khao: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mặc dù lợi ích quốc gia là nền tảng hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại nhưng quan điểm và cách thức hiện thực hóa mục tiêu lợi ích quốc gia lại khác nhau tùy vào yếu tố lịch sử - văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội, thể chế chính trị và nền tảng tư tưởng của từng nước. Đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và cơ sở lý luận để hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì giữa lợi ích quốc gia với lợi ích giai cấp có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trên thực tế, chủ thể hoạch định chính sách đối ngoại chính là nhà nước trong khi đó nhà nước mang bản chất giai cấp. Do đó, việc xác định lợi ích quốc gia sẽ do giai cấp cầm quyền chi phối. Vì vậy, lợi ích quốc gia sẽ gắn với lợi ích của giai cấp cầm quyền.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[1]. Như vậy, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia gắn với lợi ích của Nhân dân và việc xác định lợi ích quốc gia sẽ do Nhân dân quyết định,trong đó liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nền tảng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lợi ích quốc gia - dân tộc quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của Việt Nam chính là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Sinh thời, Người luôn khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Bác đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và trong suốt cuộc đời cách mạng của mình Bác luôn đấu tranh cho các quyền dân tộc cơ bản ấy.
Kế thừa giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc” và theo quan điểm của Người thì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là để mang lại sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người cho rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” và Người luôn khát khao: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2].
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta đã khẳng định rõ mục tiêu đối ngoại là vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia -dân tộc”. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay thì việc bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các hoạt động đối ngoại là cơ sở quan trọng để bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Thông tin Chính phủ.
Trước hết, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên nền tảng chủ nghĩa quốc tế vô sản của giai cấp công nhân. Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất cho lợi ích quốc gia - dân tộc nhưng cũng kiên trì chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chủ nghĩa quốc tế vô sản là sự thống nhất của giai cấp công nhân toàn thế giới về: lợi ích, tư tưởng, mục tiêu, thống nhất về tổ chức và thống nhất trong hành động[3]. Do đó, việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc luôn gắn với cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản vì hòa bình, độc lập, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối ngoại, Đảng ta luôn nhấn mạnh chủ trương: “Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”[4].
Thứ hai, để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, cần nhất quán quan điểm độc lập, tự chủ gắn với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ nghĩa là tự mình điều khiển mọi công việc của mình, không có sự can thiệp ở ngoài nào. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “tự lực cánh sinh”, “lấy sức ta để giải phóng cho ta”. Nhưng độc lập, tự chủ và tự lực, tự cường không có nghĩa là biệt lập và chủ nghĩa biệt phái. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, hợp tác, liên kết, sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ, lợi ích của các dân tộc đan xen, chồng chéo, việc thực hiện đường lối độc lập, tự chủ chính là để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc chính đáng. Cùng với đó, công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn nhất là chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chúng ta cần phải biết đoàn kết quốc tế. Mục tiêu của đoàn kết quốc tế là để làm tăng thêm khả năng tự lực, tự cường, tạo sự chuyển biến về so sánh lực lượng có lợi cho đất nước; đồng thời, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ ba, thực hiện tốt phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” - lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi. Phương châm này bắt nguồn từ triết lý phương Đông và được cha ông ta vận dụng hiệu quả trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước dài lâu của dân tộc. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy cao độ trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày nay, vận dụng phương châm này trong hoạt động đối ngoại thì cái bất biến chính là lợi ích quốc gia - dân tộc và cái vạn biến chính là sách lược bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Mục tiêu lợi ích quốc gia - dân tộc là không thay đổi nhưng trong mỗi tình huống thì sách lược ngoại giao phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế cách mạng Việt Nam và bối cảnh khu vực, quốc tế trong từng thời điểm. Có như vậy mới có thể đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hiện nay
Theo Vietnamthingvuong.com