A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt núi, băng đèo vận động học sinh vùng cao Mèo Vạc quay trở lại trường

Ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024 đã cận kề. Đây cũng là thời điểm các thầy cô giáo vùng cao Mèo Vạc, Hà Giang lại vượt núi, băng đèo đến từng nhà nhắc lịch tựu trường và vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.

Chú thích ảnh

Địa hình núi đá khiến việc đi vận động học sinh đến trường của giáo viên xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cô Vũ Thị Ý, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Xín Cái (Mèo Vạc) chia sẻ, địa phương là một xã biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Cách đây gần một tháng, do mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây cản trở, chia cắt giao thông, ngăn bước chân của các em tới trường. Bên cạnh đó, một số phụ huynh và các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Do đó, sau một thời gian đi học tại trường, nhiều em nghỉ ngang. Các thầy cô giáo lại thay phiên nhau tới từng gia đình để tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh đưa trẻ trở lại trường học. Việc vận động các em tới trường đã khó, việc giữ các em ở lại học cũng hết sức khó khăn. 

Đường giao thông một số nơi tại huyện cũng chưa thực sự thuận lợi, có những đoạn không thể di chuyển bằng xe máy. Vì vậy, các thầy cô phải đi bộ những quãng đường đèo nhiều cây số. Khi trời mưa, bùn nhão, sạt lở cũng ghì chân những “người lái đò”. Do vậy, quá trình vận động các em tới trường đã vất vả lại càng gian nan.

Chú thích ảnh

Nhiều tuyến đường tại xã biên giới Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) bị sạt lở, ngập do mưa liên tục khiến việc đi vận động học sinh đến trường của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trưởng Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc (Hà Giang) Bùi Văn Thư cho biết, nhận thức của một số bà con còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình. Bên cạnh đó, do địa hình rất phức tạp, chia cắt mạnh, việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn. Các thầy cô phải trực tiếp đến tận nhà để vận động phụ huynh và các em.

Tình yêu nghề, vì học trò thân yêu, các thầy cô giáo vùng cao vẫn không quản nắng mưa, vượt núi, băng đèo để “cõng chữ nên non”, đến tận từng nhà học sinh, vận động học sinh tới trường, không để đứt mạch việc học với mong muốn sau này các em được học hành, trưởng thành và trở về xây dựng quê hương.

Chú thích ảnh

Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) đến từng nhà vận động phụ huynh và nhắc nhở học sinh đến trường trong năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc (Hà Giang), năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 56 trường; trên 1.000 lớp với trên 29.000 học sinh. Dự kiến, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi tới trường đạt 95,54%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,5% và trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,3%.

Nam Thái (TTXVN)


Nguồn: TTXVN
Thống kê truy cập
Hôm nay : 846
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.676
Năm 2025 : 25.676