A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người thầy 7 năm bám trụ ở xã đặc biệt khó khăn

Tạm biệt cha mẹ, con nhỏ, cứ chiều chủ nhật, thầy Mua Mí Lầu, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lại vượt quãng đường đèo dốc hiểm trở dài 85 cây số từ quê nhà thôn Nà Hán, thị trấn Yên Minh để tới trường, nơi những học sinh của mình đang mong ngóng.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều làm nông, nhà lại có tới 6 anh em, mãi đến năm 10 tuổi, Mua Mí Lầu mới được cắp sách đến trường. "Ở tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc như Hà Giang, cuối những năm 90, nơi tôi sống mới có trường, có lớp, mới có thầy cô "mang chữ về bản". Vậy nhưng nhiều người bạn đồng trang lứa với tôi vẫn không thể tới trường bởi nhiều phụ huynh cho rằng cái chữ không thể giúp cái bụng hết đói. Còn tôi, bằng sự kiên trì động viên, kèm cặp của thầy cô, ngày qua ngày, tôi cứ thế vượt núi, vượt đường đất bụi mù những ngày nắng, trơn trượt vào những ngày mưa để tới trường!", thầy giáo sinh năm 1988 kể lại.

 Giờ lên lớp của thầy Mua Mí Lầu. 

Và rồi mong muốn được nối nghiệp các thầy, các cô mang tri thức đến cho học sinh miền núi của Mua Mí Lầu cứ thế lớn dần theo năm tháng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Văn-Địa, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, đầu tháng 2/2016, cậu bé Mông ngày nào chính thức trở thành thầy giáo ở một trong những nơi khó khăn nhất - Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng.

Là một trong 54 xã đặc biệt khó khăn của cả nước, khí hậu ở Thượng Phùng rất khắc nghiệt, quanh năm lạnh giá. Địa hình nhìn quanh toàn núi cao, vực sâu dựng đứng nên giao thông đến giờ đi lại vẫn còn gặp trở ngại. Mặt khác, do các thôn, bản cũng ở xa trung tâm, 9/13 thôn cách xã, cách trường tới 8km nên công cuộc "đem chữ lên nương" cũng vì thế mà thêm phần gian nan. 

"Riêng lớp tôi chủ nhiệm, có học sinh ở xóm xa nhất, cách trường tới 13 cây số. Giờ vẫn còn một số thôn chưa có đường bê tông, chưa có điện thắp sáng và chưa có sóng điện thoại. Ít ai có thể nghĩ ở nơi núi rừng mênh mông này nhưng trong trường, học trò của tôi lại thiếu sân chơi do đóng ở nơi địa hình bị chia cắt và dù là trường bán trú nhưng vào mùa đông, cứ trời mưa là đường sá đóng băng nên học sinh phải ở lại không thể về nhà!

Điều kiện tự nhiên quá nhiều thử thách nên học sinh của trường vẫn thường xuyên nghỉ học dài ngày, thậm chí bỏ học với nhiều lí lo. Cứ mỗi khi vắng bóng học trò là thầy cô phải tìm đến tận nhà động viên các em quay lại trường. Có trường hợp nhìn thấy bóng thầy, trò trốn không gặp! Thế nhưng điều đó càng thôi thúc tôi thuyết phục bằng được các em và cả phụ huynh phải thay đổi suy nghĩ, coi trọng trí thức trong khi tôi lại có lợi thế là người Mông nên việc giao tiếp của tôi với bà con cũng thuận lợi hơn so với đồng nghiệp.  

Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng nơi thầy Lầu đang giảng dạy nằm ở xã đặc biệt khó khăn của cả nước với địa hình toàn núi cao, vực sâu.

Mừng nhất là sau những lần như thế, học trò không chỉ vui vẻ tới lớp mà trong giờ học, sau mỗi câu hỏi của thầy cô, xuất hiện thêm nhiều những cánh tay của học trò thắc mắc, phát biểu xây dựng bài. Những lúc ấy cảm xúc thật khó tả!", thầy Mua Mí Lầu bộc bạch.

Hỏi về kỷ niệm những lần xuống bản thuyết phục học sinh tới trường, thầy Mua Mí Lầu rưng rưng: "Đầu năm học 2017 - 2018, tôi tìm đến nhà em Vàng Thị Si, xóm Thín Ngài. Đó là quãng đường dốc, hẹp, dài hơn 10km. Tôi phải chạy xe máy mất cả tiếng đồng hồ. Thấm mệt đấy nhưng để nhận được cái gật đầu của cả gia đình em Si thì phải mất thêm nửa ngày nữa! Trở lại trường khi màn đêm bao phủ, nhìn đồng hồ đã 10 giờ đêm nhưng mệt nhọc sau một ngày dài dường như tan biến! Vàng Thị Si từng có ý định bỏ học ngày nào giờ đã là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Tân Trào”.

Thầy Lầu chia sẻ, trong suốt 7 năm giảng dạy cũng là 7 năm làm chủ nhiệm, không phải chỉ học trò mà bản thân thầy cũng luôn phải học hỏi trau dồi kiến thức để mỗi tiết học được sinh động hơn, dễ hiểu hơn đối với học trò. Ngoài ra, với gần 100% học sinh trong trường là người Mông, dù đã lên cấp trung học cơ sở nhưng nhiều em vẫn còn hạn chế về tiếng phổ thông nên thầy luôn chủ động dành thời gian trò chuyện, tâm sự với các em. Điều này, vừa giúp các em nhanh chóng sử dụng tiếng phổ thông thành thạo, vừa giúp thầy biết được hoàn cảnh, tính cách của từng trò.

 Thầy Mua Mí Lầu chia sẻ câu chuyện của mình tại lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

"Việc dạy học ở đây, phần nhiều vất vả hơn so với miền xuôi. Người thầy không chỉ làm công việc dạy học mà còn phải như người cha, người mẹ sát sao, chăm lo cho học trò để trò đi học chuyên cần, gắn bó với trường, với lớp. Ngày trước, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo đã khiến tôi vững vàng bước tiếp. Giờ đây, tôi tri ân thầy cô của mình bằng cách tiếp nối sự nghiệp "trồng người", để những học trò của mình được trang bị tri thức giúp cho bản thân và gia đình có cuộc sống ngày một tốt hơn. Đó cũng là hành động thiết thực để đóng góp cho quê hương", thầy Mua Mí Lầu nói.

Cũng vì thế mà không chỉ thầy Lầu và cả người vợ của thầy đang là giáo viên ở huyện Đồng Văn chấp nhận lặn lội cả trăm cây số, chỉ gặp nhau vào ngày thứ 7, cùng đoàn tụ với cha mẹ, con nhỏ đúng 1 ngày rồi lại trở về với công việc bám trường, bám bản nâng cao chất lượng giáo dục vùng còn nhiều khó khăn!

Thầy Mua Mí Lầu chính là một trong 68 giáo viên tiêu biểu của cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Minh Châu


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.082
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.252
Năm 2024 : 977.950