A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghề dệt vải lanh truyền thống giúp phụ nữ Mông thoát nghèo

CTTBTG- Nghề làm vải lanh hiện đã trở thành sản phẩm xóa nghèo, từng bước làm giầu cho những người phụ nữ trên Cao nguyên đá Hà Giang.

Người phụ nữ Mông se lanh.

Người phụ nữ Mông se lanh

Nghề truyền thống trên Cao nguyên đá

Từ bao đời nay, nghề dệt lanh đã gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông trên 4 huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang gồm Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Lanh là nguyên liệu dệt phổ biến của người Mông, người Mông có giống lanh địa phương đã được sử dụng lâu đời và được chính người Mông và các dân tộc khác rất ưu chuộng về tính bền, đẹp và mặc rất ấm vào mùa đông, mát về mùa hè.

Dệt lanh là nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Mông. Trước đây hầu như tất cả các quần áo của người Mông đều được làm từ vải lanh. Người Mông rất tự hào về các trang phục làm bằng tay của mình và những chiếc váy lanh xếp nhiều ly của phụ nữ thì có vẻ đẹp rất đặc biệt. Vào những dịp tết, lễ hội, chợ phiên, đám cưới mọi người mặc các bộ quần áo đẹp nhất, đây cũng là cơ hội thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ.

Để tạo ra sản phẩm lanh hoàn thiện phải đi qua hơn 40 công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt…

Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX Lùng Tám hướng dẫn học sinh dệt lanh.

Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX Lùng Tám hướng dẫn học sinh dệt lanh

Công đoạn dệt cần sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ để có thể xử lý các sợi bị đứt, ngoài sự khéo léo của đôi tay, phải có sự nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt mới tạo nên được tấm vải lanh hoàn chỉnh.

Từ miếng vải mộc này, người thợ sẽ thực hiện tiếp công đoạn nhuộm và vẽ sáp ong để tạo nên các hoa văn. Màu sắc của vải đều từ cỏ cây tự nhiên giúp miếng vải giữ được màu bền, đẹp, đem lại hương thơm dễ chịu và cảm giác tươi mới.

Váy được vẽ họa tiết bằng sáp ong đã từng được phụ nữ Mông vô cùng yêu thích. Họ còn sáng tạo ra rất nhiều họa tiết độc đáo mà đến ngày nay vẫn được sử dụng trên các tấm vải lanh.

Năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã công nhận kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Giúp phụ nữ Mông thoát nghèo

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ có 2 hợp tác xã (HTX) đã và đang duy trì bảo tồn và phát triển nghề dệt lanh truyền thống đó là: HTX Dệt lanh Cán Tỷ và HTX Dệt lanh Lùng Tám với khoảng 150 xã viên tham gia cùng sản xuất với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Theo bà Vàng Thị Mai - Chủ nhiệm HTX dệt vải lanh Lùng Tám: Trước đây, vị thế của người phụ nữ Mông trong gia đình và xã hội rất thấp, chỉ quanh quẩn ở nhà trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc con cái, không được tự chủ về kinh tế. Tôi đã dành trọn tâm huyết để thành lập HTX với mong muốn vừa gìn giữ nghề dệt lanh truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

HTX được thành lập từ năm 2001, đến nay có 9 tổ sản xuất với trên 130 thành viên. Trong đó nhiều xã viên là nghệ nhân có tuổi đời từ 80 đến trên 100 tuổi. Các xã viên tại đây đa phần là người địa phương và 100% là dân tộc Mông.

Từ nghề dệt lanh truyền thống, chị em phụ nữ tham gia HTX có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Những thành viên có trình độ tay nghề cao, thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Là một trong những hộ nghèo của thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, bà Vừ Thị Chúa đã tham gia lao động và trở thành thành viên của HTX dệt lanh Cán Tỷ ngay từ những ngày đầu thành lập.

Theo bà Chúa thì những người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây ai cũng biết se lanh, dệt vải. Do vậy nghề se lanh dệt vải đã trở thành nghề truyền thống của đồng bào. Tham gia vào hợp tác xã bà Chúa có công việc ổn định, có thu nhập nên bà yên tâm gắn bó với nghề mình đang làm.

HTX dệt vải lanh ra đời không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hoá độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà còn trở thành địa điểm được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khi du lịch ở Hà Giang.

Công đoạn vẽ sáp ong trên vải lanh để tạo nên những họa tiết bắt mắt.

Công đoạn vẽ sáp ong trên vải lanh để tạo nên những họa tiết bắt mắt.

Chị Giàng Thị Máy, thành viên HTX sản xuất vải lanh xã Cán Tỷ chia sẻ: Nếu như trước đây, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm, hình chữ nhật, hình quả trám… mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh và dùng để may váy, áo. Hiện nay HTX có các sản phẩm như ví dài, ví kính, tranh treo, vỏ gối… đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhiều sản phẩm khác như quần, áo, vải trang trí, túi xách các loại, thú bông đồ chơi… dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Nhờ những cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện hỗ trợ trưng bày, giới thiệu nên sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng; sản phẩm của HTX được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Từ đó, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Mông trên địa bàn với mức thu nhập ổn định.


Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại
Thống kê truy cập
Hôm nay : 88
Hôm qua : 3.508
Tháng 06 : 86.778
Năm 2024 : 499.164