A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Sáng tạo hình thức tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) vẫn còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vì thế, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào giảm thiểu các tập tục lạc hậu này là nhiệm vụ đang được các ngành ở địa phương nỗ lực thực hiện.

Hoàng Su Phì là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Hà Giang, bởi địa hình giao thông phức tạp, điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt. Huyện có tới 12 dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì vẫn còn lưu giữ một số tập tục lạc hậu, trong đó có việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian qua, triển khai Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, huyện Hoàng Su Phì đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào xoá bỏ tập tục lạc hậu này.

Trong đó, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tại chợ phiên là một giải pháp đang được các ngành ở huyện quan tâm, chú trọng thực hiện.

Do đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, dân cư nên người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi không có nhiều điều kiện đi lại, giao thương như dưới đồng bằng. Chợ phiên thường họp tuần một lần. Ngày chợ phiên vừa là dịp để đồng bào mua sắm, trao đổi hàng hóa, vừa là cơ hội gặp gỡ, giao lưu sau khoảng thời gian gián đoạn giữa hai phiên chợ 

Các chợ phiên được lựa chọn truyền thông thường ở những địa phương có tình trạng tảo hôn còn diễn biến phức tạp; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của đồng bào chưa cao 

Ngoài phát tờ rơi như cách làm trước đây, Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và 4 nội dung nhiệm vụ do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em để phát cho đồng bào ở chợ phiên 

Chiếc quạt được bà con thích thú đón nhận vì vừa giúp làm mát lúc trời nóng bức, vừa có khả năng lưu giữ thông tin lâu dài. Khi vắng khách mua hàng hay lúc rảnh rỗi ở nhà, đồng bào đều có thể mang ra sử dụng và tranh thủ tìm hiểu thông tin in trên đó 

Nam giới cũng được phát quạt vì họ là một nhân tố rất quan trọng trong gia đình, có tiếng nói ảnh hưởng đến quyết định hôn nhân của con, cháu mình 

Đối tượng được tuyên truyền tại chợ phiên tập trung vào cả người bán hàng và người đi mua hàng trung tuổi - lứa tuổi con, cháu họ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân 

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện tổ chức trình diễn các tiểu phẩm liên quan đến chủ đề phòng ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại chợ phiên. Cách làm này cũng mang lại hiệu quả cao, dễ được tiếp nhận vì phù hợp với nhận thức, thị hiếu của đồng bào 

Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, Hoàng Su Phì đang nỗ lực chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù 

 

Mỹ Vân


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 876
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.706
Năm 2025 : 25.706