A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ

Huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP chủ lực gắn thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao đời sống của người dân.

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của Hà Giang (gồm huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP), trong những năm qua, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ.

Trong những năm qua, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương như: Rượu hạ thổ Mã Pì Lèng, mận tam hoa, mật ong bạc hà, ớt gió, lê, miến dong, gạo Khẩu Mang, vải lanh, thịt khô bò vàng, chè Shan tuyết Lũng Phìn… nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Đồng Văn (Hà Giang) phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ

Rượu Mã Pì Lèng hạ thổ của huyện Đồng Văn một trong các sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh về chiến lược phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, trong năm 2021, huyện Đồng Văn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại của tỉnh mở “Gian hàng Việt trực tuyến” để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất sản phẩm thiết bị máy móc, thiết kế nhãn mác, bao bì và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, huyện Đồng Văn cũng đẩy mạnh chương trình quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện văn hóa du lịch và thương mại trong và ngoài tỉnh.

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn đã tổ chức các hội nghị tư vấn nhằm hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, các doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình về kinh phí, kỹ thuật, mẫu mã bao bì và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ các yêu cầu trong quá trình phát triển các sản phẩm OCOP gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thị trường tiêu thụ.

Đồng Văn (Hà Giang) phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ

Ớt gió - sản phẩm OCOP đặc thù của huyện Đồng Văn

Anh Hoàng Văn Hưng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Rượu hạ thổ Mã Pì Lèng, thị trấn Đồng Văn huyện Đồng Văn - cho biết: Từ khi đăng ký với Chương trình OCOP của huyện, sản phẩm rượu hạ thổ của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến. Nhờ đó đã giúp hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cũng như nhãn mác của sản phẩm.

Trong năm 2019, sản phẩm rượu hạ thổ Mã PÌ Lèng của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Từ khi được công nhận, sản phẩm rượu đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm; nhờ đó, sức tiêu thụ của sản phẩm cũng lớn hơn. Sản phẩm rượu hạ thổ của hợp tác xã chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 – 4 lao động địa phương.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao cấp tỉnh, gồm: Thịt khô bò vàng, rượu hạ thổ Mã Pì Lèng, mật ong bạc hà, gạo Khẩu Mang, lê Đồng Văn, ớt gió, miến dong…

Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội giúp người dân của huyện nâng cao giá trị sản phẩm. Quá trình phát triển các sản phẩm OCOP đã giúp huyện khai thác được tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Chương trình OCOP không chỉ góp phần nâng cao giá trị mà còn góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP đặc thù của huyện cũng góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương trong những năm qua, giúp người dân trong huyện nâng cao trình độ dân trí và thu nhập từ các dịch vụ du lịch.

Phạm Văn Phú, Báo Công thương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 94
Hôm qua : 2.071
Tháng 06 : 70.834
Năm 2024 : 483.220