A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Đẩy mạnh rà phá bom mìn, nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa trên vùng đất biên cương cực Bắc Tổ quốc, 44 năm qua (17/2/1979 - 17/2/2023), bằng tình cảm và trách nhiệm, các cơ quan chức năng đã thường xuyên làm tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác rà phá bom, mìn, vật nổ nơi chiến trường ác liệt năm xưa để tìm kiếm, quy tập các anh hùng liệt sĩ, đáp ứng mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức tiễn đưa, an táng các HCLS tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Mảnh đất thiêng Hà Giang - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, 44 năm về trước là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”, quân và dân ta đã bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979-1989, Hà Giang (trước đây là tỉnh Hà Tuyên) có trên 4.100 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây, trên 9.000 người bị thương.

Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập (TKQT) được gần 3.000 hài cốt liệt sĩ (HCLS), trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sĩ.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 cho biết, khi tôi đi kiểm tra, nắm tình hình về công tác TKQT HCLS trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ TKQT HCLS trên địa bàn mong muốn, đề nghị Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, cung cấp ngày càng nhiều thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho đội.

Những ai từng đến dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468 (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đều thấy bảng thông tin “Nơi tiếp nhận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ” của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hà Giang với đầy đủ thông tin, số điện thoại liên hệ báo tin. Bằng cách làm này, những năm qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều thông tin hữu ích, phục vụ công tác TKQT và xác định danh tính HCLS.

Năm 2019, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tiếp nhận thông tin do Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Văn Thành, công tác tại Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, cung cấp: Năm 1986, tại khu vực sườn Đông của đỉnh Đồi Đài có một hang đá bị pháo đánh sập, trong đó có 8 đồng chí hy sinh, chưa quy tập được hài cốt. Tại hướng Bắc sườn thấp đỉnh Đồi Đài có một tổ phục vụ của bộ đội bị đá lăn vùi lấp, thi hài nằm dưới vực, đơn vị chưa quy tập được.

Năm 2022, ông Trần Quang Chuyền, hiện cư trú tại tổ dân phố Điện Biên, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng cung cấp: Tháng 12/1984, có rất nhiều bộ đội ta hy sinh tại đồi E1…

Đại tá Trần Đại Thắng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho biết: “Hiểu rõ những khó khăn mà lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ TKQT HCLS đang gặp phải, trên cơ sở bản đồ TKQT HCLS và những thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tổ chức, cá nhân và địa phương cung cấp, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang chỉ đạo tổ chức lực lượng khảo sát, xác minh thông tin; đồng thời thống kê toàn bộ hầm, hào, công sự, các vị trí nghi ngờ có HCLS, đánh dấu tọa độ, lập bản đồ và tổ chức lực lượng tìm kiếm”.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hà Giang thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; công tác kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS được tỉnh tiến hành chặt chẽ, khoa học.

Kết quả TKQT HCLS từ năm 2013 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng TKQT được 178 HCLS (trong đó, có danh tính 20 liệt sĩ; chưa xác định danh tính 158 liệt sĩ). Những HCLS xác định danh tính được bàn giao cho gia đình, địa phương; HCLS chưa xác định được danh tính, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ truy điệu và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh theo đúng quy định, bảo đảm trang nghiêm, chu đáo.

Còn trên 1.200 hài cốt chưa được tìm thấy và quy tập

Hiện vẫn còn trên 1.200 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập.

Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh: “Chúng ta chậm trễ ngày nào là có lỗi với các anh hùng liệt sĩ ngày đó”. Tuy nhiên, địa hình phức tạp, thay đổi nhiều, đặc biệt là hệ thống hang đá, hầm, hào, công sự chiến đấu bị vùi lấp đã lâu, khó xác định; các nhân chứng phần lớn trí nhớ giảm, bom mình còn nhiều nên việc tìm kiếm HCLS gặp rất nhiều khó khăn.

Hà Giang: Đẩy mạnh rà phá bom mìn, nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ảnh 1

Thượng tướng Võ Minh Lương dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Hà Giang có hơn 90.000ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh): Khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ vừa và nặng chủ yếu nằm dọc tuyến biên giới tại các khu vực điểm cao chiến lược thuộc các huyện: Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì - là những nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt, những nơi có nhiều bộ đội hy sinh còn nằm lại chưa tìm thấy hài cốt…

Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay, tổng diện tích đất đai đã rà phá được bom, mìn, vật nổ là hơn 12.000ha, còn gần 78.000ha bị ô nhiễm. Dù vậy, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang xác định công tác TKQT HCLS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và cũng là mong muốn của những người lính nói riêng.

Tháng 12/2022, dự án rà phá bom, mìn, vật nổ (giai đoạn 1) phục vụ TKQT HCLS trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã hoàn thành với diện tích 1.720ha. Tỉnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2 trên địa bàn hai huyện Vị Xuyên và Quản Bạ, góp phần đẩy nhanh tiến độ TKQT HCLS.

Lam Hạnh


Nguồn: Pháp luật Việt nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.929
Hôm qua : 2.756
Tháng 04 : 74.309
Năm 2024 : 262.649