A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang chủ động tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hà Giang phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ đạt từ 5% trở lên, cán bộ nữ đạt từ 16% trở lên, cán bộ dân tộc thiểu số đạt từ 40% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

 Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tiến tặng hoa và quà chúc mừng các đồng chí cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. (Ảnh: Duy Tuấn/BHG)

Đó là một trong những nội dung chính của Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang thông qua.

Khâu đột phá của công tác cán bộ

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đạt kết quả nhất định trong công tác tổ chức, cán bộ.

Nhìn chung, đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của tỉnh được quan tâm xây dựng, chất lượng về mọi mặt, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã được nâng lên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn công tác được tăng cường, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân tộc của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị; cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành, đơn vị. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đồng bộ, đây là chủ trương, biện pháp để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Tuy nhiên, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển rèn luyện cán bộ chưa được thực hiện nền nếp, khoa học, chưa đảm bảo tính kế thừa, chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ, tình trạng hẫng hụt cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong đội ngũ cán bộ có nguy cơ cao. Cơ cấu ba độ tuổi tham gia cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp chưa đảm bảo, tuổi bình quân cao, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ là lãnh đạo chủ chốt các cấp còn thấp;...

Để thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án, Tỉnh ủy Hà Giang xác định xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những khâu đột phá của công tác cán bộ. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu, trong đó cơ quan tổ chức cán bộ là nòng cốt. Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Đặc biệt, việc xây dựng, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong tình hình mới và được thực hiện trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu.

 Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ nữ đạt từ 16% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. (Trong ảnh: Đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao giải  tại Cuộc thi Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023).

Chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ

Đề án mới ban hành nhằm xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết của Trung ương và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030; xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiêu số đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Tỉnh ủy Hà Giang đặt mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2025 tỷ lệ cán bộ trẻ đạt từ 5% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 2% trở lên; là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đạt từ 3% trở lên. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ đạt từ 16% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên; có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện và tương đương trở lên. Đối với cán bộ dân tộc thiểu số, phấn đấu đạt tỷ lệ từ 40% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 38% trở lên, với cơ cấu dân tộc phù hợp; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy có cơ cấu phù hợp...

Trong giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 7% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và có trình độ tin học, ngoại ngữ chuẩn khung năng lực theo yêu cầu của vị trí việc làm; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 5% trở lên; là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đạt từ 5% trở lên.

Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 20% trở lên; tiếp tục duy trì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 42% trở lên trong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 38% trở lên, với cơ cấu dân tộc phù hợp; phấn đấu tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số có cơ cấu phù hợp tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện...

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp thiết, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ hiện nay và công tác xây dựng, tạo nguồn cán bộ từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Tập trung thực hiện đồng bộ một số khâu trong công tác cán bộ, tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Khi xây dựng quy hoạch chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành, tỉnh và cán bộ chủ chốt cấp huyện và tương đương, phải đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu đã xác định. Chú trọng mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Khuyến khích các địa phương, đơn vị đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương, đơn vị mình; đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...  

Về nguyên tắc tuyển chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phát hiện, giới thiệu, tuyển chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện nguyên tắc lựa chọn cán bộ trẻ với cán bộ trẻ, cán bộ nữ với cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số với cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch; tuyển chọn cán bộ phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đảm bảo hài hòa, cân đối về cơ cấu cán bộ, cơ cấu ngành, lĩnh vực công tác...

 Hiện tổng số chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang quản lý gồm 395 đồng chí, trong đó: Là nữ có 63 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,95%; là người dân tộc thiểu số có 155 đồng chí, chiếm tỷ lệ 39,24% (gồm dân tộc Tày 84 đồng chí, dân tộc Dao 12 đồng chí, dân tộc Giáy 03 đồng chí, dân tộc La chí 01 đồng chí, dân tộc Lô Lô 02 đồng chí, dân tộc Mông 29 đồng chí, dân tộc Mường 02 đồng chí, dân tộc Nùng 18 đồng chí, dân tộc Phù lá 01 đồng chí, dân tộc Pu péo 01 đồng chí, dân tộc Sán chay 01 đồng chí, dân tộc Sán Dìu 01 đồng chí). Về độ tuổi: Dưới 40 tuổi có 16 đồng chí (4,05%).

Theo Đề án số 21-ĐA/TU ngày 28/2/2023 của Tỉnh ủy Hà Giang

Phương Nghi


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 228
Hôm qua : 2.171
Tháng 10 : 15.017
Năm 2024 : 817.994