A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông

Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, hơn 31% dân số toàn tỉnh. Trước thực tế nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông có nguy cơ mai một, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống luôn được địa phương đặc biệt quan tâm.

 

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông được huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông.

Người Mông có 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các Huyện phía bắc: Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và hai huyện phía tây Hoàng Su phì, Xín Mần. Nền văn hóa của người Mông rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông thể hiện được chiều sâu cũng như bản sắc của họ, chất liệu vải tự nhiên như lanh, lụa, gấm, qua bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ Mông tạo trở thành những bộ trang phục với đủ gam màu, sắc khác nhau tùy theo sở thích và khiếu thẩm mỹ của mỗi người bằng kỹ năng đáp, nối vải phối hợp với họa tiết thêu hình hoa văn bằng chỉ màu… tạo nên nét riêng của trang phục dân tộc Mông.

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông
Sặc sỡ váy, áo dân tộc Mông tại lễ hội. 

Xác định văn hóa là thế mạnh để Hà Giang phát triển du lịch “ngành kinh tế mũi nhọn” giúp cho bà con thoát nghèo, đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Hà Giang đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đối với dân tộc Mông Hà Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Đề án số 09 về bảo tồn văn hóa đặc trưng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh. 

Mèo Vạc là huyện có tới hơn 78% người dân tộc Mông sinh sống; thực hiện chủ trương này của tỉnh; Huyện đã triển khai nhiều giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Mông. 

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông

Du khách và người dân thích thú xem dệt vải lanh - một trong những khâu quan trọng để làm nên trang phục dân tộc Mông. 

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông

Biểu diễn công đoạn dệt vải lanh lễ hội

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông

 Chị em phụ nữ dân tộc Mông trong trang phục dân tộc tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang)

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Cùng với việc bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, văn hóa, ẩm thực, các trò chơi dân gian; đối với việc bảo tồn trang phục dân tộc huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động, các sự kiện, hội thi, hội diễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến lễ hội đồng bào dân tộc Mông trong các ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc, tổ chức thường niên Ngày hội văn hóa dân tộc Mông vào dịp đầu xuân hằng năm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa trang phục dân tộc Mông".

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông
 Thiếu nữ Mông trong trang phục dân tộc.

Chị Sùng Thị Mỷ, người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại xã Cán Chu Phìn, (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ: "Nguyên liệu để làm trang phục truyền thống chủ yếu là vỏ cây lanh se sợi để dệt nên những bộ quần áo cầu kỳ của chị em phụ nữ. Để làm ra bộ trang phục truyền thống mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí, từ trồng lanh, tước sợi, se sợi, dệt.... Tuy nhiên, mỗi người phụ nữ Mông hầu hết đều phải chuẩn bị cho mình 1-2 bộ trang phục truyền thống để mặc trong các dịp hội, lễ, Tết…".

Việc bảo tồn còn được các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ gắn với việc phát triển các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) không chỉ góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, làm say lòng du khách như: Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) hay thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn); các làng nghề truyền thống đồng bào Mông: Làng nghề thêu, dệt vải Lanh Lùng Tám (Quản Bạ); Làng nghề may mặc trang phục dân tộc Mông (Đồng Văn).

Hà Giang: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mông
 Chị Sùng Thị Mỷ, xã Cán Chu Phìn trong trang phục dân tộc mình tại lễ hội.

Trang phục là một di sản văn hóa mang đặc trưng của từng dân tộc, là đặc điểm nhận biết của từng dân tộc. Trang phục cũng xem như một sản phẩm du lịch văn hóa thu hút du khách. Bởi vậy, thời gian tới, tỉnh Hà Giang xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào, tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình; đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy nghề thêu, may truyền thống; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm đưa trang phục của người Mông trở thành sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa cũng như phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của đồng bào dân tộc Mông; qua đó thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bài, ảnh: HÀ LINH


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.923
Hôm qua : 2.579
Tháng 05 : 71.977
Năm 2024 : 371.391