Chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học
CTTBTG - Ngày mai, 13.7, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII sẽ chính thức bước vào chương trình nghị sự. Trước thềm kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG VĂN VỊNH chia sẻ: để kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng kỳ vọng của cử tri, Nhân dân, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho công tác chuẩn bị từ sớm, xây dựng nội dung chương trình kỳ họp kỹ lưỡng, khoa học…
Cộng đồng trách nhiệm với những vấn đề đặt ra
- Thưa Phó Chủ tịch, theo chương trình nghị sự, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Giang sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng?
- Đúng vậy, diễn ra trong 3 ngày 13 - 15.7, đây là kỳ họp rất quan trọng với nhiều nội dung. Cụ thể, ngoài xem xét, quyết định những nội dung theo thông lệ của kỳ họp thường lệ cuối năm, HĐND tỉnh còn xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Các đại biểu HĐND tỉnh sẽ chất vấn những vấn đề "nóng" có nhiều bức xúc đông đảo cử tri quan tâm. Cùng với đó, xem xét kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022”. Dự kiến, HĐND tỉnh xem xét, thông qua 35 nghị quyết, trong đó có 27 nghị quyết chuyên đề; 8 nghị quyết khác liên quan đến công tác cán bộ, hoạt động giám sát.
Ảnh: Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Vịnh
Các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội đều được truyền hình trực tiếp trên kênh HGTV và trên nền tảng số của Báo, Đài PT - TH tỉnh Hà Giang.
- Với nhiều nội dung quan trọng như vậy, công tác chuẩn bị được quan tâm như thế nào để kỳ họp được tổ chức thành công, thưa ông?
- Để kỳ họp được tổ chức thành công, đáp ứng mong mỏi cũng như kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ họp từ sớm, kỹ lưỡng, chủ động và trách nhiệm: tham gia ngay từ khâu xây dựng các báo cáo, dự thảo nghị quyết; yêu cầu các Ban của HĐND tỉnh tập trung hoạt động giám sát, khảo sát từ cơ sở để nắm bắt thực tế, tham gia ý kiến vào các dự thảo nghị quyết. Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh luôn trao đổi, chia sẻ để bảo đảm thông tin tổng thể, toàn diện, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra - cơ sở quan trọng cho việc thảo luận tại kỳ họp, bảo đảm nghị quyết ban hành khả thi, sát thực tiễn.
Để phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu, toàn bộ tài liệu đã được gửi sớm để các đại biểu có thời gian nghiên cứu. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo để dành thời gian cho thảo luận, chất vấn và giám sát. Đồng thời, yêu cầu đại biểu chất vấn và lãnh đạo các sở, ngành, thành viên UBND tỉnh trả lời thẳng thắn trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm với những vấn đề đặt ra.
Nhiều gam màu sáng
- Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023?
- Có thể khẳng định, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đà suy thoái kinh tế trên toàn cầu, song với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, thống nhất và đồng hành, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản phát triển ổn định và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 6.300 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số PCI tăng 18 bậc so với năm 2021. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đến Hà Giang trong 6 tháng đạt gần 1.500.000 lượt người, tăng 28,2% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch ước đạt 3.332 tỷ đồng.
Một trong những tín hiệu đáng mừng đó là Hà Giang đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Tuyến đường này hoàn thành sẽ là "chìa khóa" mở ra cho Hà Giang nhiều cơ hội phát triển mới, khơi thông tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo luôn được quan tâm chú trọng. Việc triển khai đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là minh chứng rõ nét cho chủ trương, mục đích của tỉnh Hà Giang trong việc tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Đến nay, người dân đã dần thay đổi tư duy, nhận thức trong canh tác, phát huy được nội lực.
Hà Giang đang chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở để phục vụ tốt hơn đời sống, chăm lo sức khỏe cho người dân. Hiện, Dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Giang đang được thi công. Ngoài ra, công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên cả 3 phương diện là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, việc công bố thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là thành quả lớn trong lĩnh vực giáo dục, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh... Tất cả những kết quả đạt được cho thấy việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh được các cấp, ngành, các địa phương triển khai bài bản, có hiệu quả.
Tuy vậy, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Hà Giang vẫn còn đối diện như: khó khăn từ địa hình hiểm trở; nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế; nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp… cần quyết liệt tháo gỡ những "điểm nghẽn". Trong đó, phải tận dụng sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương, Chính phủ, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Dồn lực cho những dự án có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Mặt khác, cần phát huy mạnh mẽ lợi những thế mạnh như du lịch. Muốn làm được điều đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, Hà Giang cần có cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư có tâm, có tầm đến với địa phương; nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường, cảnh quan để phát triển kinh tế…
- Xin cảm ơn ông!
TRỌNG HIẾU thực hiện