A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sau bao gian nan, thử thách, con dốc 2022 đã đưa chúng ta tới đỉnh. Một năm dốc sức phục hồi và phát triển, không ít thăng trầm và nhiều ấn tượng. Trước thềm năm mới 2023, có thể tự tin nói rằng, những thành tựu đạt được như lửa thử vàng, tạo đà bước vào năm mới - năm bản lề của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Ảnh minh hoạ.

Nhưng trước hết, hãy nói về một sự kiện có tầm nhân loại vào dịp cuối năm con Hổ. Ngày 15/11/2022, thế giới tròn tám tỷ người. Bé Venice Mabansag chào đời tại Manila (Philippines) được coi là “biểu tượng của sự phát triển trong tương lai”. Dấu mốc này vừa là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời, cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho nhân loại.Và không lâu nữa, dân số đất nước ta sẽ tròn 100 triệu người. Trong mọi chiến lược phát triển của các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng phải xem đây vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là động lực của sự vươn lên trở nên phồn vinh, hạnh phúc cho con người.Chúng ta nhận thức rõ rằng, mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh khiến cho việc xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ở chiều ngược lại, nếu đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là các mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới, sẽ góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.

Nhưng đó là câu chuyện sẽ còn phải bàn thảo nhiều lần, toàn diện và thấu đáo hơn. Bây giờ, hãy trở lại với điểm sáng kinh tế 2022. Sau hơn hai năm kiên cường chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta đã có bước phục hồi và phát triển thần kỳ. Nói thần kỳ là bởi, tình hình thế giới, khu vực diễn biến vô cùng nhanh chóng, phức tạp, xuất hiện thêm các yếu tố, động thái mới liên quan đến cạnh tranh địa chiến lược, nhất là xung đột Nga - Ukraine. Thêm vào đó, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước khác nhau, gây không ít khó khăn. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, chủ động, sáng tạo, tìm thấy “cơ” trong “nguy”, vừa thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội, vừa làm thật tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta vui mừng với những kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 dự báo đạt hơn 8%. Sự phát triển ổn định của nền kinh tế là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế toàn cầu. Đạt được mức tăng trưởng ấn tượng đó, là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố quyết định là các chủ trương, chính sách quyết liệt, bài bản, tập trung sau đại dịch. 

Theo nhận xét của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngay từ 6 tháng đầu năm 2022, đã thấy rõ sự chuyển dịch lớn về kinh tế khi thực hiện nới lỏng quy định về chống dịch, chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội. Các chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, mang lại sản lượng nông sản cao, bán lẻ và du lịch phục hồi. Chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì COVID-19. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đó giúp chúng ta có thêm niềm tin ở con đường đi tới, trước mắt là thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Mới đây, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng nhấn mạnh, cần làm tốt công tác Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo định hướng đó, chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Có người nói một cách hình tượng, năm Quý Mão, “Con mèo”phải nhanh hơn, thính nhạy hơn, sức bật tốt hơn, tiếp tục lấy đà, tiếp tục bứt phá. Bởi theo các nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể thấp hơn từ 0,5 đến 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Nền kinh tế toàn cầu năm tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, dẫn tới gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn. Thêm vào đó là các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài, nhưng càng khó khăn càng phải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các đột phá chiến lược. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Trước mắt, phấn đấu “về đích” vào năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: “Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong định hướng chung đó, có một mục tiêu cụ thể, mang tính đột phá: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Bước vào năm mới, mừng Xuân mới, cũng là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vui mừng đón chào mùa xuân thứ 93 của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của “đạo đức và văn minh”. Hơn chín thập niên đã qua và nhất là qua hơn 36 năm đổi mới đất nước, dẫu trong chiến tranh hay trong hòa bình, dựng xây đất nước, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi đến thắng lợi khác. Theo con đường đã chọn, chúng ta vươn tới chân trời hạnh phúc, lớn lao không phải bằng cách thu nhỏ mình mà là làm giàu văn hóa của mình. Sức mạnh nội sinh của văn hóa nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng, tự bản chất của một Đảng tiên phong, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết mà hình thành, phát triển như một lẽ tự nhiên vậy.

Nhớ lời Di chúc của Bác Hồ trước lúc đi xa, từ Trung ương đến các chi bộ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với việc ngăn chặn, đẩy lùi phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chống đi đôi với xây để Đảng ta ngày càng vững mạnh và trong sạch, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. 

Một năm mới, mùa xuân mới đang về, mang đến niềm vui, niềm tin mãnh liệt, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Hải Đường


Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 53
Hôm qua : 3.474
Tháng 03 : 81.543
Năm 2024 : 180.209