A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người đứng đầu cấp ủy ở chi bộ

Chi bộ có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của cơ sở đảng, trong đó cấp ủy là bộ phận của chi bộ. Bí thư chi bộ là người đứng đầu chi ủy, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết của chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Người chỉ rõ: “Chi bộ do chi ủy lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi ủy”. Do đó, để phát huy vai trò của chi bộ, thật sự là “nền móng” của Đảng ở cơ sở, cần phải nâng cao trách nhiệm của bí thư chi bộ.

Hồ Chí Minh quan niệm: Đảng tốt là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do đảng viên, tập thể chi ủy, người đứng đầu chi ủy tốt. Bởi vậy Bác xác định rõ nhiều giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chi ủy, chi bộ. Người chỉ rõ: Đối với bí thư chi bộ, trong nhiều thứ tu dưỡng, rèn luyện thì tu dưỡng đạo đức cách mạng có ý nghĩa căn bản. Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải toàn diện, trên tất cả các khía cạnh, trong mọi mối quan hệ, gương mẫu để đảng viên trong chi bộ noi theo, đoàn kết, giúp nhau tiến bộ. Người đứng đầu chi ủy thường xuyên nuôi dưỡng lòng thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Phải rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm khiết, chính trực, không làm việc sai trái; rèn luyện đầu óc sáng suốt, biết xem người, xét việc. Bên cạnh đó, phải rèn đức tính có gan nói, có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan tự phê bình, có gan sửa chữa khuyết điểm, có gan chịu đựng khó khăn. Không tham địa vị, tiền tài. Không ham người tâng bốc mình.

Ảnh Tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35năm 
Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930-03/2/1965)


Hồ Chí Minh coi việc học văn hóa, nâng cao học vấn là một mặt của chế độ công tác, một biểu hiện của đạo đức cách mạng. Do đó, muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân được tốt thì người bí thư chi bộ phải có văn hóa, trình độ học vấn. Bác nhấn mạnh: Hơn ai hết, người bí thư phải chịu khó, học tập thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân”, học tập suốt đời nhằm tiếp thu, lĩnh hội được nhiều tri thức, khoa học - kỹ thuật của nhân loại, làm tăng năng suất công tác và cải tiến công việc. Người bí thư không chỉ giỏi về chính trị mà cũng phải giỏi về chuyên môn.
Theo Hồ Chí Minh, phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác là một mặt hết sức quan trọng của người đứng đầu cấp ủy. Cách lãnh đạo, cách làm việc của bí thư chi bộ (Hiểu rộng ra là văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử), Bác lập luận: Làm sao đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, thấm vào từng người dân thì phụ thuộc nhiều vào phong cách, phương pháp công tác của đồng chí bí thư. Phong cách và phương pháp công tác có văn hóa của bí thư chi bộ là theo đúng đường lối quần chúng. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là tình cảm, trách nhiệm công bộc với dân.
 Trong điều kiện hiện nay, việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ và mối quan hệ với tập thể cấp ủy là vô cùng cần thiết.  Bởi vì tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của bí thư chi bộ có tác dụng thúc đẩy và tạo động lực cho sự phát triển của từng cá nhân đảng viên, chi bộ, cơ quan, đơn vị. Do đó, người bí thư chi bộ cần thực hiện tốt vai trò “nêu gương”trong mọi lĩnh vực, nhất là việc học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 10/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường giám sát việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” đối với cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở trong tỉnh”…


Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng
Thống kê truy cập
Hôm nay : 190
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 102.111
Năm 2024 : 290.451