A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Thực hiện hoá khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, được khởi công cuối tháng 5.2023 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Cùng với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông liên vùng, nội vùng, mở đường lớn, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc.

 

Kỳ 1: Dân chủ "mở cửa" lòng dân

Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã trở thành “chìa khóa vàng” để tỉnh ta “mở” cánh cửa thuận lòng dân. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhằm thực hiện mục tiêu kép: Ổn định cuộc sống cho người dân trong diện đền bù, thu hồi đất và đảm bảo mặt bằng sạch phục vụ thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Sẵn sàng nhường đất - dời nhà

Giải phóng mặt bằng chưa bao giờ hết “nóng” và vẫn luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn, thậm chí nan giải vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều tập thể, cá nhân. Thế nhưng, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, tỉnh ta đã nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Qua đó, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, trở thành lời giải cho “bài toán” khó: Đảm bảo mặt bằng sạch phục vụ thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Cán bộ xã Quang Minh (Bắc Quang) “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Năm 2023, gia đình anh Lộc Tiến Vân là hộ đầu tiên trong tổng số 7 hộ dân của thôn Minh Thượng, xã Quang Minh (Bắc Quang) di dời nhà ở để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Anh Vân cho biết: “Năm 2010 vợ chồng tôi ra ở riêng. Sau 13 năm tích góp, rồi vay nợ ngân hàng, mượn tiền người thân hơn 200 triệu đồng, tháng 8 năm 2023, gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà sàn bê tông khang trang nối liền nhà bếp xây kiên cố, công trình phụ khép kín với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Nhưng niềm vui trong căn nhà mới chỉ vỏn vẹn gần 4 tháng thì buộc phải tháo dỡ để bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Điều đáng nói ở đây, vì xây dựng nhà ở trái quy định trên đất nông nghiệp nên gia đình tôi không được nhận tiền đền bù về tài sản trên đất…”.

 

Nhiều hộ dân sẵn sàng nhường đất, dời nhà, chuyển đến nơi ở mới.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Minh Thượng, Hoàng Xuân Tân cho biết: “Gia đình anh Vân đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng ở cơ sở, sáng tinh thần, hành động “thép” vì lợi ích chung. Theo gương anh Vân, lần lượt 6 hộ khác trong thôn đều chủ động di dời nhà ở để nhanh chóng bàn giao đất, tạo thuận lợi cho việc thi công cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang”.

Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,48 km đi qua 26 thôn thuộc 6 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang. Theo đó, toàn huyện có 763 gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc diện thu hồi đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang với tổng diện tích gần 2,5 km2.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh cho biết: Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó, công khai các chủ trương thực hiện Dự án, thông báo thu hồi đất, kế hoạch điều tra, đo đạc kiểm đếm, quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để nhân dân biết; lấy ý kiến nhân dân bàn thảo về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có sự phối hợp của nhân dân trong tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được gửi đến từng hộ dân có đất thu hồi và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để nhân dân kiểm tra, giám sát, phản ánh, kiến nghị những nội dung chưa đúng quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

 

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, thu hồi đất, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với công dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân; kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân. Đồng thời, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế, chính sách, đảm bảo “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm”.

Xã Tân Quang là điểm cuối của tuyến cao tốc với chiều dài 2,12 km, đi qua địa bàn thôn Mục Lạn và Tân Tiến; có 76 hộ dân bị ảnh hưởng, 140.000 m2 đất phải thu hồi. Trong đó, 20 hộ có nhà ở cố định phải di dời, 33 ngôi mộ của 15 gia đình phải di chuyển. Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, Trần Ngọc Hùng cho biết: Ngay sau khi nắm được hướng tuyến cao tốc đi qua địa bàn, chúng tôi đã sử dụng flycam (quay phim và chụp ảnh từ trên cao) để ghi lại toàn bộ hiện trạng ban đầu. Mục đích là tuyên truyền để nhân dân ý thức được việc giữ gìn hiện trạng ban đầu, không trồng cây, xây dựng thêm nhà ở hay các công trình khác nhằm trục lợi chính sách. Cùng với công tác tuyên truyền để thống nhất nhận thức, hành động trong nhân dân, chúng tôi còn phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đến tháng 11.2023, xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sớm hơn thời gian dự kiến.

Đảm bảo "an cư lạc nghiệp"

Để giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, gần 67.400 m2 đất thổ cư, hơn 266 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của nhân dân buộc phải thu hồi. Trăn trở trước bài toán “an cư lạc nghiệp” của nhân dân, huyện Bắc Quang đã, đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo nhân dân có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Một cuộc sống mới đang về các khu tái định cư.

Anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Quang cho biết: Tính đến đầu tháng 6.2024, tại các khu tái định cư, khối lượng thi công đạt từ 71 – 83%, giá trị thực hiện đạt hơn 39 tỷ đồng. Trong đó, khu tái định cư xã Hùng An khởi công tháng 11.2023, hiện đã hoàn thành 100% hạng mục thi công: San nền theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, dựng 49 cột điện, lắp đặt 1.685 rãnh hộp bê tông cốt thép; 284 m rãnh thải B400; 75 cấu kiện ống cống D100. Nhiều hạng mục đạt khối lượng thi công từ 80 – 94% như: Kè chính, đổ bê tông các trục đường, lát vỉa hè, làm hố trồng cây, lắp xà, bóng điện chiếu sáng… Các hạng mục khu tái định cư xã Hùng An dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 30.6 này. Đặc biệt, UBND huyện Bắc Quang đã phê duyệt phương án giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 37 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, 22/37 hộ đã nộp tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất tái định cư. Các cơ quan chuyên môn của huyện đang tiến hành thẩm định phương án, dự toán đo vẽ bản đồ địa chính để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân

 

Anh Nguyễn Giao Thừa, thôn An Dương là 1 trong số 22 hộ dân của xã Hùng An đã nộp tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất tái định cư chia sẻ: “Tôi thấy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của Nhà nước đã đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân nên nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hiện nay, gia đình tôi đã xây dựng nhà ở kiên cố với diện tích 150 m2 tại khu tái định cư, dự kiến tháng 7 tới sẽ chuyển về nhà mới. Gia đình tôi rất hài lòng với hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư”.

Còn tại xã Tân Quang, khu tái định cư được khởi công tháng 12.2023, khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 83%, giá trị thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành 100% khối lượng các hạng mục: San nền, rãnh dọc thoát nước, ống cống tròn D150, đổ bù bê tông đỉnh kè, cống bản ngang đường, cống tròn, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch, nền đường nội tuyến, bó vỉa, lát vỉa hè, lan can; thi công mặt đường bê tông nội tuyến.

Với mục tiêu đảm bảo cho các hộ dân khu tái định cư có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang: Ngoài việc bố trí đất ở, cần quan tâm đến đất sản xuất, chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Khu tái định cư phải được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng, thuận lợi cho người dân trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, thụ hưởng những lợi ích do Dự án mang lại. Đồng thời, sâu sát, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân để đề ra các biện pháp giải quyết đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân và đúng quy định hiện hành…

Giờ đây, tại các khu tái định cư, đường điện chiếu sáng được lắp đặt; đường bê tông phẳng phiu như tô thêm nét duyên bên những ngôi nhà xây san sát nhau, hàng cây xanh bắt đầu bén rễ… Một cuộc sống mới đang về khu tái định cư để vang mãi khúc ca khải hoàn “Mở đường đi tới chân trời tươi sáng”!.

Thu Phương - Hồng Cừ 


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.170
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 33.223
Năm 2024 : 766.631