Niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và tấm gương của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”, là “quốc nạn” và phải phòng, chống.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc đấu tranh của cả nhân loại. Với đất nước ta cũng không ngoại lệ, cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã được nhắc đến qua nhiều triều đại từ thời phong kiến. Cho đến khi đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt. Bác Hồ lúc sinh thời từng nói: Tham nhũng, lãng phí là "giặc nội xâm”, là "quốc nạn”. Người ví tẩy sạch nạn tham ô như tiêu diệt "những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả".
Đất nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 với rất nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể tránh được những vấn đề xã hội tiêu cực, một trong số đó là tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Chính vì thế, trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đấu tranh, xử lí nghiêm nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nổi cộm, gây bức xúc dư luận cả nước. Rất nhiều đối tượng tham ô, tiêu cực, những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất vì đồng tiền, lợi ích cá nhân đã phải trả giá đắt cho hành vi tham nhũng, tiêu cực của mình. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi mà đất nước chúng ta hội nhập sâu rộng, kinh tế phát triển vượt bậc, đó cũng là thời điểm chúng ta đối mặt nhiều hơn với nguy cơ và phải đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng. Ngay trong năm 2022, chúng ta có thể điểm danh các vụ án lớn, như vụ thông thầu của Công ty AIC, vụ bảo kê cho chùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu, vụ nâng không thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai…Là những vụ án hết sức điển hình cho tệ nạn tham nhũng, làm tổn hại to lớn đến lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Mặc dù đã có pháp luật và các biện pháp răn đe mạnh và những vụ án được đưa ra xét xử điểm, thể hiện sự nghiêm khắc, mạnh tay của Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế, trước danh lợi làm lóa mắt, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực vẫn có chiều hướng gia tăng. Những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực và các vụ việc nổi cộm trong xã hội thời gian qua khiến dự luận nhân dân hết sức bức xúc. Điều này cũng tạo ra kẽ hở, cơ hội để các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, bất mãn nhân cơ hội bôi xấu, xuyên tạc hình ảnh của Đảng và Chính phủ. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn hòng làm giảm uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, đồng thời chúng cho rằng, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta là con đường phi thực tế, sự lãnh đạo của Đảng càng làm cho tham nhũng, tiêu cực gia tăng. Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ, đặc biệt là vai trò đứng đầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: Tham nhũng, lãng phí là "giặc nội xâm”, là "quốc nạn” để qua đó tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp nối nỗ lực và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự đã đem lại lòng tin yêu, sự khâm phục của toàn Đảng, toàn dân ta về một tấm gương, ý chí suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chính là một trong những người quyết liệt nhất, gương mẫu nhất trong Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với rất nhiều bài viết, phát biểu chỉ đạo, định hướng đối về công tác này. Nhân dịp Đảng ta kỷ niệm 93 năm ngày thành lập, ngày 3/2/1930 – 3/2/2023, cuốn sách mang bao tâm, tầm mang tên:"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư đã được xuất bản. Cuốn sách được ra đời trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội 13toàn quốc của Đảng với những quyết tâm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Có thể khẳng định, cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh"của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một ngọn lửa rực sáng, soi rọi quyết tâm của Đảng, Nhà nước và là điểm tựa của các tầng lớp nhân dân để quyết tâm trong công cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”. Cuốn sách gồm 3 phần, trong đó phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Có thể nói, trong bối cảnh chúng ta hay nhắc đếncâu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực“Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy” thì hình ảnh gương mẫu đi đầu với lống sống giản dị, chân thành, gương mẫu, sự quyết tâm của đồng chí Tổng Bí thư và cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" là một sự khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nó đủ sức nặng để dập đi những hoài nghi, những lăn tăn ở đâu đó trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
Những bài viết chứa đầy những giá trị nhân văn, sự cương quyết của người đứng đầu Đảng ta với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đập tan những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch chuyên nói xấu, hạ thấp và phủ nhận quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Và trên hết, khi đọc hết tác phẩm mang giá trị và ý nghĩa thời đại này, chúng ta càng thêm niềm tin yêu với Đảng. Bằng quyết tâm cao độ, bằng uy tín và tình cảm của người đứng đầu Đảng ta đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy được rằng, Đảng và nhân dân ta đang thực hiện một trong những điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc của Người, đó là: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Để từ đó, tạo nên sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Đập tan luận điệu của các thế lực thù địch, khẳng định phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt.
Thời gian qua, chúng ta có thể nhận thấy các thế lực thù địch rất hay lợi dụng các vụ việctham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Các âm mưu, thủ đoạn của chúng nhằm nói xấu Đảng và Chính phủ, bôi xấu hình ảnh các đồng chí lãnh đạo đất nước và các địa phương, trong đó có cả lãnh đạo, cán bộ tỉnh Hà Giang. Qua đó, mục tiêu cuối cùng chúng nhằm vào là chống phá con đường đi lên CNXH của nước ta. Vì thế, các phần tử xấu sử dụng rất nhiều luận điệu xuyên tạc, đặc biệt là sự chống pháđầy ác liệt trên không gian mạng với mục tiêu gieo rắc sự hoài nghi, làm suy giảm lòng tin, tạo những thông tin gây nhiễu nhằm gia tăng sự bất mãn trong nhân dân, gây nên sự nghi hoặc về vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có thể khẳng định, các thế lực thù địch như Đảng Việt Tân, các đài RFA, trang BBC và nhiều trang mạng ở nước ngoài đã lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực trở thành một chiêu bài để chống phá Việt Nam, chống phá Đảng ta. Từ những luận điệu tuyên truyền thâm độc, chúng đã lôi kéo được một số những kẻ bất mãn, những đối tượng bất đồng chính kiến và những người thiếu hiểu biết về tình hình Việt Nam hiệnđang sinh sống trong nước và Việt kiều ở nước ngoài tham gia tiếp tay để kích động, hòng gây bất ổn ở Việt Nam.
Trước các luận điệu thù địch, xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Đảng và các cơ quan chức năng của chúng ta luôn chủ động nhận diện, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Việt Nam. Cũng bởi chúng ta luôn sẵn sàng, chủ động để đối mặt với những thách thức, giải quyết những vấn đề nóng, những vấn đề có thể tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nhờ đó, những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các thế lực đã luôn được chúng ta nhận diện kịp thời.
Cuốn sách về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một bức tường thành vững chắc mà các luận điệu của các thế lực thù địch không thể nào xuyên thủng với một lí luận gắn thực tiễn, đó là: Tham nhũng gắn liền với quyền lực và là vấn nạn của mọi quốc gia, từ đó cuộc đấu tranh với tệ nạn này là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ. Nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp củaBCĐ TW về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: CTTĐT Chính phủ)
Có thể khẳng định, bằng quyết tâm cao độ của Đảng và cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại phiên họp thứ 23, BCĐ Phòng, chống tham nhũng TW, tháng 1 năm 2023 rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mới vượt bậc trên nhiều mặt. Cụ thể là bước tiến trong nhận thức, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Được chứng kiến các vụ việc điều tra, xét xử nghiêm minh nhiều đại án liên quan đến các cá nhân như Đinh La Thăng với đại án tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đại án AVG liên quan đến 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; đại án buôn lậu tại Công ty Nhật Cường có liên quan đến cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; đại án Việt Á với sự liên quan rất lớn đến nhiều cá nhân quyền lực và nhiều đơn vị… Cùng với đó, những cán bộ, lãnh đạo dù ở cấp nào chăng nữa, nhưng đã vi phạm các quy định của Đảng, xa ngã, biến chất cũng đều bị xem xét, xử lí nghiêm. Có những vị trí mà tưởng như “chiếc ghế” rất chắc chắn, nhưng cũng phải “đổ”, phải rời vị trí vì sự nghiêm minh của Đảng và pháp luật. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục quyết tâm để đưa thêm những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn nữa ra ánh sáng trong niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân. Những quyết tâm ấy đã cho thấy Đảng talà Đảng của nhân dân, của dân tộc và vì thế nhận được sự đồng thuận từ trái tim của nhân dân.
Từ thực tiễn trên, liên hệ với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và với cuốn sách quý của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhận thấy, việc cần phải chú trọng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược để tránh những mối nguy hại đe dọa đến sự phát triển, sự tồn vong của đất nước ta.
Cuộc họp BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Giang (Ảnh: Báo Hà Giang)
Cũng như nhiều tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, tại tỉnh Hà Giang, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương luôn quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, công tác này đã có sự chuyển biến ở cả 3 khâu: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Riêng năm 2022, các cấp, ngành tiếp nhận gần 1.500 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng số tiền tham nhũng phải thu hồi trên 3,4 tỷ đồng. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh trong cuộc họp BCĐ Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh cuối năm 2022 đã nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền cần sâu sát, lắng nghe ý kiến nhân dân; cần tập trung xử lý nghiêm túc theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chú trọng việc ngăn chặn, đẩy lùi, răn đe và nêu cao vai trò của cấp ủy Đảng các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ đó có thể khẳng định, không chỉ ở tầm Trung ương, đến một địa phương còn khó khăn như Hà Giang, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được quan tâm đặc biệt. Từ đó, trong những năm qua, chúng ta đã quyết tâm làm rõ nhiều vụ việc như các vụ việc tiêu cực trong thi cử năm 2018, vụ việc tại Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh, vụ việc tại Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh… đều được đưa ra ánh sáng. Những cá nhân, tập thể phạm pháp đã bị xử lí nghiêm, phải trả giá thích đáng. Đồng thời, chúng ta cũng không quên ghi nhận, biểu dương những cá nhân đã quyết tâm để tố cáo, đưa các vụ việc tiêu cực ra ánh sáng công lý.
Qua đó, chúng tay thấy rằng, với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Một cuộc đấu tranh không có “vùng cấm”, ai đã phạm tội, dù có lẩn trốn ở đâu cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật. Trên tinh thần đó có thể thấy rằng, lòng tin trong Đảng, trong nhân dân đã được tăng lên, chúng ta đã tạo được một sự đồng thuận với mục tiêu đấu tranh có lợi cho đất nước. Và khi chúng ta làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì các luận điệu chống phá của lũ phản động chẳng khác nào những trò lố bịch.
Nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên, của toàndân với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và đất nước ta và qua nghiên cứu cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhận thấy rõ những giá trị to lớn, bổ sung lí luận, thực tiễn cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta hiện nay. Qua đó, chúng ta cần phải khẳng định một quan điểm rõ ràng, rằng phải gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ và không kém phần khốc liệt này, rất cần vai trò, trách nhiệm cụ thể, mạnh mẽ hơn của cấp ủy, chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như trách nhiệm của toàn dân.
Thực tế cho thấy, ở những cơ quan, đơn vị, tổ chức nào mà người đứng đầu thiếu gương mẫu, tha hóa, biến chất, nói hay, làm dở, tham quyền, tham lợi lộc thì ở đó tình trạng tham nhũng, tiêu cực khó tránh khỏi. Để rồi, đến mức như đồng chí Tổng Bí thư từng tâm sự rằng, có cán bộ vi phạm, xách cả cặp tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để lo chạy tội, nhưng khi đó đã quá muộn. Nhưng, với quan điểm vừa kiên quyết, nghiêm khắc và cũng vừa nhân văn, đồng chí Tổng Bí thư nói, chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm rồi thì rửa tay đi”. Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn.
Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải quan tâm đến việc rèn luyện và giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị và lòng tự trọng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên. Như Bác Hồ từng nói, chủ nghĩa cá nhân nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tha hóa Ðảng. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần tâm sự rằng, "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Quả thực, khi mà mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được yêu cầu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhìn nhận lại chính mình như quan điểm của Bác Hồ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ xây dựng được một “hệ miễn dịch” để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện cuộc đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa từ sớm, từ xa với tệ nạn này.
Trên tinh thần đó, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đã và đang tích cực triển khai việc học tập nội dung, tư tưởng cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh". Cuộc học tập đã và đang trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, nó đủ sức nóng để khiến cho những cán bộ, đảng viên còn lăn tăn, còn mơ hồ trong câu chuyện lợi lộc cá nhân, tiêu cực, cảm thấy nóng gáy, bỏng tai. Tại tỉnh Hà Giang, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch 369, ngày 22/3/2023 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư. Tại hội nghị quán triệt tác phẩm của Tổng Bí thư ngày 11/5/2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang, đồng chí Thào Hồng Sơn nhấn mạnh, cần phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng những vấn đề lý luận và thực tiễn được đề cập trong tác phẩm vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tham nhũng, tiêu cực vẫn còn có nguy cơ xảy ra ở đâu đó, khi mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chưa làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống. Hoặc ở đâu đó, hình ảnh, vai trò của người quản lí, lãnh đạo yếu kém, chỉ ham vun vén lợi ích cá nhân; ở đâu đó mà nội bộ có sự mất đoàn kết, cán bộ, đảng viên, nhân dân sống thiếu gắn kết, chia rẽ…, ở đó sẽ dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Nhưng, với quan điểm rất rõ ràng của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngọn cờ "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta đang phất cao, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm trong cuộc đấu tranh này. Niềm tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng với tham nhũng, tiêu cực, rằng sẽ không còn đất sống cho tham nhũng, tiêu cực như mong muốn của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, chúng ta mới có thể dồn nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, thực hiện cho được những mục tiêu xây dựng đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra.
Từ thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước ta nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, để công tác này đạt được hiệu quả cao, khuyến khích được cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia, Đảng, Nhà nước và các địa phương cần phải tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác này. Qua đó, chúng ta cần phải:
- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thúc đẩy đất nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, chú trọng đổi mới, cải cách về chế độ tiền lương, thu nhập chính đáng để mỗi người cán bộ, đảng viên, nhân dân có thể sống được, sống ổn bằng nguồn thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình.
-Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, biện pháp mạnh tayhơn để răn đe, xử lý các vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó cũng cần phải xây dựng cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cá nhân, tổ chức dũng cảm, trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
- Chúng ta cần phải làm tốt, làm kỹ hơn nữa việclựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấpchuẩn về chuyên môn, vững về chính trị ngay từ ban đầu. Đồng thời, phải thường xuyên sàng lọc, lựa chọn cán bộ qua quá trình thử thách để đặt, giao nhiệm vụ cho cán bộ vào những công việc phù hợp, đặc biệt là những công việc nhạy cảm, dễ cám dỗ, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
- Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số một cách thực tế, tránh hô hào, khẩu hiệu xuông. Qua đó, nhằm xây dựng xã hội công bằng, minh bạch; hướng tới xây dựng một văn hóa trong đời sống xã hội mà ở đó, trước khi có hành vi tham ô, tham nhũng, người ta phải cảm thấy xấu hổ, không dám làm.
- Thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên để làm sao khuyến khích cán bộ có thu nhập chính đáng cũng như phát hiện kịp thời những thu nhập không chính đáng.
-Tích cực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội để có thể xây dựng một “hệ miễn dịch”, xây dựng một cuộc đấu tranh từ sớm, từ xa một cách hiệu quả với nạn tham nhũng, tiêu cực.
Hoàng Hải Dương
Kho bạc Nhà nước huyện Đồng Văn
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
1 - Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
2 - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật.
3- Hồ Chí Minh toàn tập -Tập 4. NXB CTQG. HN.
4 - Nghị quyết Đại hội VI của Đảng – Báo điện tử ĐCS Việt Nam