A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang

CTTBTG - Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới có 19 dân tộc cùng chung sống trong đó dân tộc Mông là chủ yếu chiếm 34,3% dân số. Trong những năm qua nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Song vài năm trở lại đây các thế lực thù địch, phản động không ngừng gieo rắc niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mông trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc. Bọn phản động tuyên tuyền, kích động (người Mông) với luận điệu “di cư tự do đi các tỉnh Tây Nguyên được tự do theo học đạo, có nhiều đất đai để canh tác”.

 1. Vài nét về tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Mông và tình hình tín ngưỡng tôn giáo trong thời gian qua

Trước hết nói về tín ngưỡng, thì người Mông có tín ngưỡng nguyên thủy đa thần, chịu ảnh hưởng của đạo giáo phù thủy. Trong đó đặc biệt coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công đã khuất, những vị thần bản mệnh của cá nhân, của dòng họ… Tuy nhiên những năm qua các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tiến hành lợi dụng vào việc tuyên truyền theo đạo trái pháp luật trong đồng bào Mông để thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", thành lập "Vương quốc Mông" tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây mất ổn định an ninh chính trị ở các địa phương. Bên cạnh đó việc một số giáo phái mới xuất hiện và lan truyền trong cộng đồng đã làm mất đi tính đa dạng của tín ngưỡng truyền thống trong đồng bào dân tộc Mông.

Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông xã Tả Sử Choóng huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang)

Sự phát triển của tôn giáo trong đồng bào Mông hiện nay được xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như bị lôi kéo, xúi giục lừa mị tin theo với những luận điệu viển vông, đồng thời nó cũng xuất phát từ những vấn đề khách quan khác như sự khó khăn như đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp, nhận thức không đồng đều chưa nắm rõ quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, giao thông đi lại khó khăn… Từ đó các thế lực thù địch bên ngoài và một số phần tử xấu đã lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh, báo chí (bên ngoài), mạng Internet, trang Web, Blog để tuyên truyền xúi dục, phá hoại tư tưởng và tín ngưỡng truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riên. Mặt khác, chúng cũng lợi dụng đặc điểm tâm lý của đồng bào để sử dụng các băng đĩa hình, tài liệu phát tán vào địa bàn và các kênh phát thanh bằng tiếng dân tộc từ nước ngoài [1] với những nội dung đánh trúng vào đặc điểm tâm lý của đồng bào dân tộc nên họ dễ nghe, dễ tiếp nhận và tin theo. Bên cạnh đó là hạn chế của hệ thống chính trị tại cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh một số vấn đề nổi cộm trong tín ngưỡng và tôn giáo trong cộng đồng dân tộc Mông thời gian qua.

2. Vai trò, giải pháp trong công tác vận động quần chúng trong cộng đồng dân tộc Mông

Thực tế cho thấy, vai trò của công tác vận động quần chúng trong cộng đồng dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết để nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức cộng đồng và củng cố sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Với sự phát triển của xã hội như ngày nay cùng với việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng, công tác vận động quần chúng sẽ giúp cộng đồng Mông có được những thông tin hữu ích, hiểu rõ hơn về các chính sách, pháp luật và các hoạt động của xã hội. Đồng thời xuất phát từ vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng và tình hình đặc thù của đồng bào dân tộc Mông hiện nay.

Để thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng, nhằm ổn định tình hình chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mọi mặt cho đồng bào dân tộc Mông, trước hết hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải nêu cao vai trò, trách nhiệm và chức năng của các cấp các ngành và phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc triển khai cụ thể hóa một cách hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển về đời sống cho vùng đồng bào các dân tộc. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào dân tộc Mông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế chính sách quy định cụ thể của địa phương, làm cho đồng bào dân tộc Mông có nhận thức sâu sắc, đúng đắn, có niềm tin tưởng, trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, không mắc mưu của kẻ xấu, đặc biệt là nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Bởi hiện nay các tổ chức phản động đang ráo riết đẩy mạnh tuyên truyền, gieo dắt hướng lái đồng bào dân tộc Mông theo tư tưởng các hệ phái tôn giáo không chính thống, từ đó xa rời những giá trị văn hóa truyền thống, những nền tảng đạo đức và tín ngưỡng, tập tục tốt đẹp đã tồn tại qua nhiều thế hệ.

Cô gái Mông thiêu thổ cẩm may áo váy

Với những đặc điểm và sự hiểu biết của đồng bào dân tộc Mông, đòi hỏi chúng ta phải phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đặc biệt là truyền thống bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông chỉ biết có một con đường duy nhất đó là nghe và tin theo Đảng, Bác Hồ kính yêu. Cũng như công lao của đồng bào dân tộc Mông đã góp phần quan trọng cả con người và vật chất cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến thắng hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới phía Bắc cũng như công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Một vấn đề mang tính cốt yếu đó là phải phát huy và giữ vững các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông theo Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 21/4/2017 của Tỉnh Ủy Hà Giang về bảo tồn, khôi phục phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1/5/2022 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2030. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng nếp sống mới, xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa trong đồng bào dân tộc Mông, từng bước đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, các tệ nạn xã hội, giúp đồng bào dân tộc Mông có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị cơ sở nơi có đồng bào dân tộc Mông cư trú và sinh sống để lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trung hạn, dài hạn gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Mông nói riêng.

Triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc, trong đó có dân tộc Mông để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân. Có chủ trương, kế hoạch cử cán bộ có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều kinh nghiệm phong phú hướng dẫn giúp đỡ đồng bào dân tộc Mông bố trí sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp vốn, vay vốn sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào, đưa đồng bào đi thăm quan, học tập các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để thay đổi nhận thức làm tốt công tác định canh, định cư, giao đất, giao rừng... cho đồng bào vừa trực tiếp quản lý vừa là chủ sở hữu để tăng trách nhiệm rằng buộc... tránh di cư tự do làm cho chính quyền các cấp không kiểm soát được tình hình gây khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, ảnh hưởng đến an ninh chính trị... Sở dĩ nói điều này, bởi vì nơi nào mật độ dân cư quá đông, thiếu đất ở, đất sản xuất, nếu đồng bào có nguyện vọng di chuyển đến nơi đã được Nhà nước quy hoạch có đất sản xuất, điều kiện đời sống tốt hơn thì bố trí sắp xếp lại trong phạm vi các vùng trong xã, huyện và tỉnh là tốt nhất, quá trình tổ chức thực hiện di chuyển dân phải chặt chẽ, thống nhất giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi dân chuyển đi và nơi dân chuyển đến, các chủ trương di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác phải báo cáo Đảng và Nhà nước đồng ý trước khu tổ chức thực hiện, nếu thực sự không còn đất sản xuất thì phải hướng dẫn giúp đỡ đồng bào chuyển sang các ngành nghề mới có thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp, kiên quyết không để tái đói nghèo, tái mù chữ... đăng ký quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, cấp giấy chứng minh thư nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất, đất rừng... cho nhân dân để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho đồng bào, người có giấy tờ hợp pháp tùy thân, đất đai có chủ sở hữu là rằng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ công dân thì chác chắn từng bước đẩy lùi được tình trạng đồng bào, dân tộc Mông di cư tự do và chặt phá rừng làm nương rẫy như hiện nay.

Xây dựng cơ sở chính trị ngày một vững mạnh, quan tâm chăm lo bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng lực lượng cốt cán trong các thôn, bản, các dòng họ, trong các chức sắc tôn giáo tạo thành một đội ngũ cán bộ cơ sở chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc Mông, thành viên mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân phải thực sự hết sức coi trọng phát triển đoàn viên, Đảng viên, hội viên trong dân tộc Mông và các chức sắc, tín đồ, hệ phái tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc với tinh thần quyết tâm chính trị cao, kiên quyết đưa các hệ phái tôn giáo vào đăng ký quản lý và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc Mông sinh hoạt đạo theo đúng quy định của Pháp luật, học tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, đối ngoại và phổ biến giáo dục pháp luật cho các chức sắc tôn giáo, tín đồ, giáo dân trong các hệ phái tôn giáo làm cho đồng bào hiểu rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào, để đồng bào hiểu và phân biệt rõ trái, phải cũng như bộ mặt thật của người tốt và kẻ xấu, luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước, cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến các vùng đồng bào hoạt động tôn giáo bất hợp pháp để đồng bào đủ ý chí và sức mạnh dám tố giác, tố cáo, báo tin vạch trần những kẻ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chóng phá cách mạng Việt Nam.

Kiên trì vận động đồng bào từ bỏ và không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển các chất ma túy và các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phản bội Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc Mông lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.

Như chúng ta đã biết, do đặc điểm, điều kiện nhận thức của đồng bào dân tộc Mông cũng như điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội tác động đến đồng bào, cho nên công tác giáo dục, tuyên truyền cho đồng bào phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, tuyên truyền nói ngắn gọn, dễ hiệu, dễ nhớ, không nói dài theo sách vở. Khi đối thoại, nói chuyện trực tiếp với đồng bào, đòi hỏi chúng ta phải có chính kiến khẳng định rằng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất nhiều không kể hết được, chỉ đơn cử như các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án giúp đỡ đồng bào ổn định đời sống cho đồng bào như ba chương trình mục tiêu Quốc gia và một số chính sách cụ thể của địa phương với mục tiêu cuối cùng là đều để góp phần xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, khám chữa bệnh, hỗ trợ vây vốn làm giàu chính đáng... cho đồng bào, mong muốn tụt cùng của Đảng, Nhà nước là để đồng bào có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn và ngược lại đồng bào với trách nhiệm là người công dân Việt Nam phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đó là phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chỉ biết có Đảng là còn mình để cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong điều kiện hiện nay, việc lựa chọn đúng cán bộ và vận dụng phương pháp tiếp cận này vào tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Mông là hết sức hiệu quả./.

 

Vàng Đình Chiến 

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì

------------------------------------ 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị số 45 – CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

2. Đề án 09 – ĐA/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020 định hướng đến năm 2030.

3. Báo cáo số 351 – BC/TU, ngày 02/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang báo cáo sơ kết 05 năm Đề án 09 – ĐA/TU, ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020 định hướng đến năm 2030

4. Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1/5/2022 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn 2030.

[1] Nội dung: Hướng dẫn, dạy cách theo đạo, cầu nguyện, với luận điệu “đi theo Chúa được bình an, ăn nên làm ra; khi ốm đau cầu Chúa sẽ khỏi bệnh; khi chết được lên trời...”.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.112
Hôm qua : 3.271
Tháng 05 : 4.383
Năm 2024 : 303.797