Không để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chống phá Đảng và Nhà nước ta
CTTBTG - Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội; sự chênh lệch về giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi khá rõ nét. Đặc biệt, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng núi cao đa phần còn gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ hội, là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng, truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, gây chia rẽ sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc; mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước ta, tập trung vào địa bàn chiến lược như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải Miền Trung. Đây là vấn đề không mới, nhưng vẫn còn nhức nhối, có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ở địa phương nào, nếu chúng ta không cảnh giác và có những biện pháp phù hợp để phát hiện sớm, phát hiện nhanh để xử lý kịp thời.
Trong những ngày vừa qua, vụ việc xảy ra sáng ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắk đã khiến cả nước bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ. Một nhóm người đã xông vào đập phá cửa trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, ném bom xăng, bắn chết đồng chí Bí thư xã Ea Ktur, đồng chí Chủ tịch xã Ea Tiêu, 4 cán bộ công an, 03 người dân và tấn công làm bị thương một số người khác. Chúng còn ném bom xăng để đốt phá trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Đây là hành vi gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng, manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng vào cuộc, quyết liệt truy bắt các đối tượng. Theo thông tin ban đầu, tất cả nhóm đối tượng tham gia vụ việc đều là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong khi chưa có kết luận điều tra vụ việc của các cơ quan chức năng thì nhiều thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là các tổ chức ở trong và ngoài nước, các đài, báo, tạp chí như BBC, AFP, Châu Á tự do, VOA… hàng ngày vẫn đăng tải video, bình luận, bài viết với những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ. Chúng rêu rao vụ việc ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắk xảy ra có nguyên nhân liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất của dân cho các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời, cho rằng người dân tộc Kinh đã lên Tây Nguyên chiếm hết đất nông nghiệp của người dân bản địa, đẩy họ phải đến sống ở những nơi không thuận lợi, không có đất sản xuất. Luận điệu này nhằm kích động, chia rẽ sự đoàn kết của các dân tộc đang sinh sống ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, chúng đả kích chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước ta; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, “chèn ép”, “phân biệt đối xử”, đàn áp người dân tộc thiểu số. Các tổ chức hội nhóm núp danh người dân tộc thiểu số lợi dụng đồng bào tộc thiểu số nhằm thực hiện âm mưu, ý đồ quốc tế hóa như thành lập “Vương Quốc Khmer Krôm”, “Vương quốc Chăm”, “Nhà nước Mông”, “Nhà nước Đề Ga” để hướng tới ly khai, tự trị.
Với tinh thần quyết liệt tấn công, truy bắt bằng hết các đối tượng tham gia vụ việc ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắk; các đối tượng đã lần lượt bị bắt. Qua quá trình điều tra, xét hỏi cho thấy hành động của các đối tượng là có tổ chức, mục đích do các thế lực thù địch đứng sau giật dây, điều khiển. Chúng hứa là xong việc thì sẽ được tiền và sang nước ngoài sống giàu có. Vụ việc đã sáng tỏ, ấy vậy mà một số các đài, báo… vẫn tiếp tục tung tin xuyên tạc, hòng làm nhiễu loạn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, âm mưu và thủ đoạn “quốc tế hóa” để thành lập các nhà nước tự trị riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số là không thể, nó đi ngược lại với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta, và cũng đi ngược lại với xu thế phát triển và con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, đó là “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Đây chính là chân lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, một tình cảm thiêng liêng, một ý chí kiên cường, sắt đá để bảo vệ sự toàn vẹn non sông mà không có thế lực nào có thể can thiệp, phá vỡ. Hẳn chúng đã quên rằng, từ thực dân Pháp đô hộ, chia Việt Nam thành 3 kỳ, 3 xứ riêng rẽ; đế quốc Mỹ chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc... nhưng tất cả đều thất bại dưới trước lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam, trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số là một phần máu thịt không thể tách rời.
Sự bình đẳng giữa các dân tộc đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh nghe ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau. Sau Cách mạng Tháng Tám, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm về vấn đề dân tộc trong Hiến pháp: Ngoài bình đẳng về quyền lợi, những dân tộc thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để tiến kịp trình độ chung.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thống nhất chủ trương, coi trọng công tác dân tộc, quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chú trọng bồi dưỡng, bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số vào công tác trong hệ thống chính trị ở các địa phương đảm bảo cơ cấu phù hợp. Vì vậy, đến nay, có thể khẳng định đời sống vật chất, tinh thần, của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng lên. Cộng đồng các dân tộc cùng nhau chung sống hòa thuận, đoàn kết, đùm bọc, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng quê hương, làng bản. Đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới có chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, đem lại năng suất, giá trị cao hơn. Ngày càng xuất hiện nhiều làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới, ấm no, hạnh phúc và văn minh.
Là một tỉnh vùng cao, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Hà Giang có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Đắc Lắk, bởi vậy, từ vụ việc xảy ra sáng ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin cũng sẽ đặt ra cho lực lượng chức năng của tỉnh yêu cầu và nhiệm vụ mới để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Như chúng ta đã biết, Hà Giang là mảnh đất sinh sống từ lâu đời của 19 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông, dân tộc Tày chiếm đa số. Trong những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được chú trọng; công tác nắm tình hình, hóa giải các mâu thuẫn ở cơ sở, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc được tăng cường. Tỉnh xác định phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và xuyên suốt: Đường, điện, trường, trạm được tập trung đầu tư; giáo dục, đào tạo được quan tâm, đặc biệt là chính sách giáo dục cho con em là dân tộc thiểu số được miễn, giảm học phí, cấp phát sách giáo khoa, thành lập các trường Phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện để các cháu em học sinh trung học cơ sở có điều kiện hoàn thành bậc học Trung học phổ thông; công tác chăm có sức khỏe được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Đặc biệt, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 và Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ thị và nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và tạo sức lan tỏa mạnh trong xã hội… Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, nhiều thế lực thù địch đã có ý đồ lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước ta nhưng đều thất bại. Điển hình là tổ chức bất hợp pháp do Dương Văn Mình cầm đầu núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, lôi kéo đồng bào Mông với ý đồ ly khai, tự trị, lập “Nhà nước Mông”. Tuy nhiên, sau nhiều năm mở rộng địa bàn hoạt động ở một số tỉnh phía Bắc đến lúc chết (cuối năm 2021) tổ chức bất hợp pháp do Dương Văn Mình cầm đầu đã không thể xâm nhập vào Hà Giang cho dù đây là tỉnh có đông dân tộc Mông sinh sống nhất của cả nước.
Trở lại vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk, mặc dù cơ bản các đối tượng đã bị bắt giữ và chắc chắn chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật và sự lên án mạnh mẽ của xã hội, tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, lơ là. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh ta càng phải quyết tâm nỗ lực xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, dân trí ngày càng được nâng cao. Có như vậy thì các thế lực thù địch mới không có cơ hội để lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số vào các mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước ta./.
Hùng Thị Hiền