A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo sự hài hòa giữa đoàn kết và đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

CTTBTG - Tinh thần đấu tranh cách mạng không ngừng (hay tính chiến đấu) là năng lực thường xuyên và tinh thần đoàn kết là phẩm chất đặc biệt của Đảng cộng sản Việt Nam. Hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau và được biểu hiện trong mọi nguyên tắc hoạt động của Đảng; biểu hiện suy giảm tinh thần đấu tranh cách mạng hay sự đoàn kết là nguyên nhân của mọi yếu kém trong quá trình lãnh đạo, cho nên đảm bảo hài hòa giữa đoàn kết và đấu tranh mang ý nghĩa phương pháp luận trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Với tư cách là tổ chức tiên phong, tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng cộng sản Việt Nam luôn giữ gìn và phát huy các nguyên tắc hoạt động của mình một cách chặt chẽ, trong đó việc giữ gìn sự đoàn kết, không ngừng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên là một yếu tố cơ bản để giữ vững năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đòi hỏi không ngừng đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ thì việc đảm bảo tính đoàn kết, thống nhất để thực hiện cương lĩnh của mình cũng như việc duy trì sức chiến đấu không ngừng của Đảng trước những dao động, suy thoái, những biểu hiện tiêu cực là nhiệm vụ được coi trọng hàng đầu.

Tính chiến đấu của Đảng có thể hiểu là sức mạnh, khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức, những hạn chế, tiêu cực, những trở lực và khả năng chống đỡ sự tấn công, phá hoại của các phần tử thù địch, tiêu cực, phản động để thực hiện lý tưởng, tôn chỉ của Đảng. Tính chiến đấu được thể hiện ở cả bên trong và bên ngoài, ở bình diện cá nhân và tổ chức. Ở bên trong, mỗi tổ chức Đảng, đảng viên phải không ngừng chiến đấu với hạn chế nội tại là chủ nghĩa cá nhân, ham muốn vật chất, với biểu hiện suy giảm ý chí, ngại khó, ngại khổ, hoang mang, dao động, nản chí; đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Ở bên ngoài, tính chiến đấu thể hiện năng lực đấu tranh, chống đỡ và nỗ lực vượt qua khó khăn của thực tiễn cách mạng, những trở ngại khách quan của từng giai đoạn lịch sử, cốt lõi là năng lực vượt qua sự chống phá, tấn công của các thế lực phản cách mạng. Trong tịch sử trưởng thành của mình, Đảng Cộng sản Việt nam đã phải không ngừng đấu tranh, vượt qua sự đàn áp của kẻ thù dành độc lập cho dân tộc, đồng thời chống lại sự xâm lược của kẻ thù, cũng như tác động tiêu cực từ biến đổi của phong trào cách mạng vô sản trên thế giới và đấu tranh với lạc hậu, đói nghèo.

Đoàn kết thường được hiểu là sự tập hợp, gắn liền, thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung, đoàn kết trong Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động để thực hiện lý tưởng cách mạng. Đoàn kết có nhiều cấp độ khác nhau, đoàn kết trong chi bộ, đơn vị, địa phương; đoàn kết trong toàn Đảng, đoàn kết với nhân dân và đoàn kết với nhân loại tiến bộ. Tinh thần đoàn kết được xuất phát từ tình đồng chí, thân ái, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau; thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, trên cơ sở thừa nhận sự khác biệt về nhận thức, nhu cầu, thói quen và hành động của mỗi thành viên trong tổ chức để cùng hướng tới mục tiêu, lý tưởng chung, đó là lý tưởng phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc. Đoàn kết là sức mạnh của Đảng, quyết định mức độ hoàn thành các mục tiêu cách mạng, chỉ có đoàn kết, Đảng mới tập hợp lực lượng đông đảo để chiến thắng những khó khăn thử thách trên con đường thực hiện sứ mệnh mà lịch sử giao phó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”[1]

Xét mối quan hệ bên trong của tổ chức, đoàn kết và đấu tranh có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, chi phối, ràng buộc lẫn nhau, kềm chế, thúc đẩy lẫn nhau. Thực tế phản ánh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, trong đó, đề cao tính chiến đấu của mỗi đảng viên, tổ chức đảng và tinh thần đoàn kết trong đảng được xem là nhiệm vụ trung tâm, mang tính nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, được biểu hiện ở mọi nguyên tắc hoạt động, quy định sinh hoạt của Đảng, đồng thời là yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công các nguyên tắc, quy định của tổ chức Đảng. Nhiều nghiên cứu về thực tiễn và lý luận đã chỉ ra, nguyên tắc tự phê bình và phê bình chỉ hiệu quả khi tinh thần chiến đấu cao và nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ được phát huy trên cơ sở đoàn kết thực chất. Cho nên, đoàn kết là vấn đề sống còn của Đảng và tính chiến đấu là phương thức để tổ chức Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình, đoàn kết giúp khả năng chiến đấu hiệu quả hơn và nhờ tính chiến đấu không ngừng Đảng mới duy trì được sự đoàn kết thực sự, đồng thời đảm bảo điều kiện để thực hiện mục tiêu đoàn kết rộng rãi. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa, đề cao tính chiến đấu trong Đảng có thể làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, ngược lại đoàn kết, xuôi chiều, đoàn kết bề ngoài thì không tạo được sự thống nhất và làm giảm sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Hiện nay một số quan điểm trái chiều, đối lập ý thức hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam đang không ngừng tấn công làm giảm uy tín của Đảng, âm mưu phá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam và nền tảng lý luận của Đảng, trọng tâm hướng vào việc chia rẽ, phá hoại tinh thần đoàn kết trong Đảng, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết rộng rãi giữa Đảng với quần chúng nhân dân và nhân loại tiến bộ. Âm mưu làm giảm sút tinh thần tiến công cách mạng và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, từng bước khoét sâu, làm tăng thêm nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” từ bên trong. Chúng triệt để lợi dụng những vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, sự tha hóa biến chất, suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền để xuyên tạc, bôi nhọ, cho rằng Đảng đã mất sức chiến đấu, không còn khả năng ngăn chặn tiêu cực, dung túng cho tham ô, tham nhũng… Ngược lại, khi Đảng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái thì chúng lại rêu rao là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực và mất đoàn kết bên trong; từ đó suy diễn, kích động, chia rẽ tinh thần đoàn kết trong Đảng, làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân. Nguy hiểm hơn, thông qua việc chia rẽ sự đoàn kết, các thế lực thù địch tấn công các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, chúng cho rằng tự phê bình và phê bình chỉ là hình thức, nội dung của tập trung dân chủ là mâu thuẫn và không có tính khả thi, từ đó phủ nhận nền tảng lý luận của Đảng, phủ nhận học thuyết của Chủ nghĩa Mác – Lênnin về Đảng cộng sản và các nguyên tắc sinh tắc của Đảng.

Trong khi đó, việc duy trì mục tiêu đoàn kết và nêu cao tinh thần chiến đấu của tổ chức Đảng ở nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm và đầy đủ. Nhiều tổ chức Đảng tuyệt đối hóa việc giữ gìn sự đoàn kết mà coi nhẹ việc đấu tranh, sử dụng đoàn kết giả tạo làm bình phong cho sai phạm, khuyết điểm, nên việc phê bình, tự phê bình với những hạn chế, tiêu cực không thực chất, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, suy thoái đạo đức lối sống… dẫn tới đoàn kết hình thức, một chiều, không thực chất, đồng thời làm mất đi sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm cho sai phạm ngày càng trầm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật. Thậm chí, không ít đảng viên gắn sự đoàn kết trong nhóm nhỏ, trong bộ phận, địa phương, vùng miền, chưa đề cao sự đoàn kết trong toàn Đảng, dẫn tới nảy sinh tư tưởng cục bộ, địa phương, phe cánh, lợi ích nhóm…, chưa thể hiện được tinh thần đoàn kết thực sự cũng như tư tưởng đoàn kết rộng rãi và gián tiếp để các phần tử bất mãn, cơ hội phản động xuyên tạc, chống phá. Trong hơn một năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên mà nguyên nhân cơ bản là suy giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên cũng như mất đoàn kết trong nội bộ, tinh thần chiến đấu, tự phê bình và phê bình không được phát huy, từng bước làm suy giảm năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng đối với địa phương đơn vị, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân và là cơ hội để các thế lực thù địch chống phá.

Có thể thấy đoàn kết và đấu tranh luôn phản ánh đầy đủ bản chất cách mạng của Đảng; ngược lại mọi hạn chế, khuyết điểm mà tổ chức đảng hay đảng viên gặp phải đều do yếu kém về tinh thần chiến đấu hoặc không duy trì được sự đoàn kết trong tập thể. Trong khi đó, mục tiêu phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, làm suy giảm sức chiến đấu của Đảng để phá hoại các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phủ nhận tính khoa học, cách mạng của Đảng Cộng sản là âm mưu xuyên suốt của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, giữ vững sự đoàn kết trong Đảng và tính chiến đấu không ngừng của mỗi tổ chức là điều kiện quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của chính đảng vô sản, trong đó đảm bảo hài hòa mối quan hệ trên coi trọng hàng đầu, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

1. Đảm bảo sự ổn định tương đối của "tính đoàn kết" với sự vận động không ngừng của "tính chiến đấu'.

Là một thuộc tính điển hình  của tổ chức Đảng, đoàn kết quy định sự tồn tại, sự sống còn của tổ chức đảng, đoàn kết cần được bảo đảm giá trị tương đối của nó, bởi đoàn kết luôn bị quy định, chế ước bởi sự vân động không ngừng của tính chiến đấu. Theo nguyên lý triết học Mác – Lenin thì mọi sự vật hiện tượng luôn vận động không ngừng và Đảng cộng sản là một hiện tượng cũng vận động, phát triển, liên tục không ngừng do việc giải quyết mâu thuẫn tự thân, bên trong nó; tính chiến đấu thực chất là sự đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn bên trong để làm mới mình, đưa tổ chức Đảng lên bước phát triển cao hơn. Thực tiễn phát triển của Đảng cũng luôn diễn ra sự đấu tranh bên trong giữa cái mới và cái cũ, giữa mặt tích cực với tiêu cực; giữa tính tiên phong, cách mạng với trì trệ, bảo thủ; giữa quyền lãnh đạo và dân chủ; giữ đổi mới và suy thoái; giữa lợi ích và lý tưởng; giữa cá nhân và tập thể… Quá trình vận động, đấu tranh không ngừng, việc giải quyết các mẫu thuẫn làm cho các mặt đối lập phủ định lẫn nhau, gián tiếp làm cho tính đoàn kết, thống nhất không thể duy trì tuyệt đối hoàn toàn mà ở trạng thái đứng yên tương đối, qua từng "bước nhảy" mặt tích cực, tiến bộ chiếm ưu thế chi phối tổ chức sẽ đưa tinh thần đoàn kết của tổ chức Đảng lên cấp độ mới, cao hơn, hoàn thiện hơn.

Tính tương đối trong đoàn kết thống nhất, thể hiện ở việc quá trình đấu tranh, giải quyết mâu thuẫn thúc đẩy tổ chức Đảng có bước phát triển mới nhữn mặt đối lập tiếp tục nảy sinh và được giải quyết thì tính đoàn kết của tập thể được phát triển không ngừng với mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn. Đoàn kết vừa là sản phẩm của đấu tranh bên trong vừa chịu sự chi phối của nó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa” (1)

Thực tế cho thấy, quá trình đấu tranh, giải quyết các mặt đối lập bên trong luôn có “tổn thương” nhất định cho chủ thể đòi hỏi có nhận thức đầy đủ về sự đấu tranh bên trong không thể đảm bảo sự thống nhất tuyết đối" trong tập thể với sự vận động, giải quyết các mâu thuẫn thì cái cũ, cái tiêu cực sẽ được thay thế, loại bỏ và khó đạt được sự thống nhất hoàn toàn trong tập thể. Việc hiểu rõ quy luật đấu tranh không ngừng của các mặt đối lập bên trong cho phép chúng ta tiếp cận mức độ của sự đoàn kết, ngăn ngừa được tình trạng mượn việc “bảo vệ tính đoàn kết” mà không giám đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực hoặc không chấp nhận những "tổn thương" cho tập thể; đưa việc tự phê bình và phê bình thực chất hơn, ngăn ngừa tình trạng "nguy đoàn kết", nảy sinh bè phái, cục bộ trong tổ chức Đảng; như Hồ Chí Minh từng khẳng định "một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". (2)

 Việc thừa nhận mâu thuẫn bên trong để đấu tranh, giải quyết sẽ làm cho các phần tử xấu, cơ hội, tiêu cực bớt xuyên tạc về tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Đảng, bịa đặt "mất đoàn kết" khi diễn ra quá trình đấu tranh bên trong; đồng thời phê phán quan điểm tô hồng, tuyệt đối hóa, “triết chung” trong lý luận đoàn kết. Mặt khác, việc giải quyết mâu thuẫn bên trong phải đảm bảo xây dựng bước "nhảy" để chuyển chất mới trong đoàn kết tập thể. Ngược lại nếu để "đánh chuột mà vỡ bình", đưa việc tự đấu tranh, tự chiến đấu, giải quyết mâu thuẫn nội tại dẫn tới phủ định sạch trơn, không kế thừa, không xác định được “độ” trong quá trình vận động bên trong sẽ phá vỡ nguyên tắc hoạt động của tập thể và mất tính đoàn kết và tác động trực tiếp đến năng lực của tổ chức Đảng. Thực tiễn nhiều tổ chức đảng mất vai trò lãnh đạo, mất đoàn kết, giảm sút ý chí dẫn tới bị kỷ luật là do chưa nhận thức đẩy đủ về sự vận động và xây dựng động lực cho quá trình vận động không ngừng của mọi sự vật hiện tượng và tổ chức Đảng, dẫn tới né tránh, không thừa nhận mâu thuẫn hoặc có phương án giải quyết dẫn tới "buông lỏng quản lý" và không giữ được vai trò của cấp ủy.

2. Giữ gìn đoàn kết thống nhất bên trong để tăng cường sức chiến đấu với thách thức bên ngoài

Nếu việc chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở " bên trong nội tại " quy định mức độ của tinh thần đoàn kết thì việc đấu tranh với khó khăn, thử thách "khách quan bên ngoài" lại phụ thuộc vào sự đoàn kết bên trong của tập thể. Đoàn kết, thống nhất, đủ mạnh và chặt chẽ mới có thể giúp tổ chức Đảng đấu tranh với những trở lực bên ngoài. Trong chặng đường vẻ vang của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách với sự đàn áp, khủng bố của thực dân, phong kiến, tay sai; sự xâm lăng của thế lực ngoại bang hùng mạnh. Ngày nay, sự xoay chuyển cục diện chính trị thì sự đấu tranh về ý thức hệ đã có diễn biến khác, nhưng thách thức từ biến đổi môi trường thế giới, chưa giải quyết triệt để. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn thường xuyên sử dụng các chiêu bài xuyên tạc, bịa đặt, kích động, ly gián với nhiều phương thức khác nhau, tập trung tấn công vào nền tảng lý luận của Đảng, phủ nhận, bóp méo bản chất khoa học, cách mạng trong chủ trương, đường lối lãnh đạo đất nước tấn công nguyên tắc sinh hoạt căn cốt và truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch phản động đã chuyển những âm mưu, xung đột bên ngoài vào bên trong, biến mâu thuẫn nguy tạo thành nguy cơ bên trong thông qua chia rẽ, kích động tính đoàn kết trong Đảng. Do đó, cần phải duy trì sự đoàn kết thực chất, thống nhất chặt chẽ thì mới có thể đấu tranh, ngăn chặn tác động bên ngoài; mặt khác cần duy trì năng lực ứng phó với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, chủ động phòng ngừa, linh hoạt đấu tranh với thủ đoạn mới của chúng, tạo nên sức đề kháng cao trước mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra.

Do đó, xét trong mối quan hệ giữa mặt bên trong thì đoàn kết tập thể giữ vai trò quyết định chi phối khả năng đấu tranh với thách thức bên ngoài của tập thể, tổ chức, đồng thời ngăn ngừa âm mưu li gián của kẻ thù, đồng thời tập trung sức mạnh để hóa giải sự phá hoại, tấn công từ những thế lực bên ngoài. Điều đó đặt ra cho các tổ chức Đảng phải đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ trong nội bộ cả về mặt tư tưởng, hành động và tổ chức, xem đó là nhân tố quyết định năng lực, sức chiến đấu của tổ chức, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Vì vậy, điều kiện đảm bảo cho đoàn kết thống nhất bên trong thực sự thì cấp ủy cần giữ vững nguyên tắc của tổ chức, đảm bảo dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, đồng thời phải ngăn ngừa biểu hiện đoàn kết "giả tạo, một chiều", biểu hiện sợ khuyết điểm, sợ phê bình, che giấu sai phạm. Bên cạnh đó, chủ động đấu tranh , ngăn chặn hiểu quả  các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản cách mạng; kịp thời nhận diện, dự báo các nguy cơ khách quan có thể ảnh hưởng tới việc duy trì sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng cũng như năng lực đấu tranh của tổ chức.

3. Đảm bảo hài hòa giữa đoàn kết rộng rãi và chiến đấu triệt để

Lý luận về sự phát triển của triết học Mác – Lenin cũng khẳng định việc giải quyết mâu thuẫn là sự thay thế chất mới; cho nên để tạo ra chất mới, hoặc trình độ phát triển mới của sự vật hiện tượng thì buộc phải phá bỏ những cái cũ, không phù hợp, đó là quá trình triệt tiêu, phủ định lẫn nhau…. Tức là sự đấu tranh giữa tư tưởng cách mạng với phản cách mạng, giữa tiến bộ và bảo thủ, giữa đổi mới và trì trệ, giữa suy thoái và tiên phong luôn phải được quán triệt nghiêm túc và cương quyết; những biểu hiện nửa vời, quanh co, thiếu quyết liệt sẽ bị các mặt tiêu cực lấn át, từng bước làm biến chất những giá trị tốt đẹp của Đảng chân chính, ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng. Thực tiễn chứng minh trong cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta hiện nay, chúng ta càng cương quyết, triệt để và “không có vùng cấm” thì càng làm cho Đảng ta mạnh thêm, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành nhân tố lãnh đạo không thể thay thế. Ngược lại, biểu hiện thiếu cương quyết trong đấu tranh với tham nhũng, quan liêu, với tiêu cực là nguy cơ tồn vong của Đảng mà sự sụp đổ của Đảng Cộng sản ở các nước Đông âu trước đây là minh chứng rõ nhất.

Mặt khác, xét những tác nhân bên ngoài thì các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ âm mưu phá hoại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện mưu đồ chia rẽ chuyển hóa ta theo ý đồ của chúng, đó là sự tấn công không ngừng của nhiều tổ chức phản động lưu vong với sự hậu thuẫn của nhiều thế lực phản động cực đoan, ngoan cố. Do đó, đấu tranh với âm mưu, thế lực phản cách mạng phải giữ vững lập trường triệt để cách mạng, nhất nguyên về tư tưởng, mọi biểu hiện tả khuynh, giao động, không triệt để sẽ bị các thể lực thù địch tác động, phủ định, chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên sự triệt để, kiên quyết trong đấu tranh với các thế lực phản động, chống phá bên ngoài cần được thực hiện song song với việc bày tỏ thiện chí đoàn kết để cảm hóa, chuyển biến họ; khẳng định những khác biệt về lập trường tư tưởng, về giá trị hướng tới và xu hướng cùng tồn tại, phát triển; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết rộng rãi với nhân loại tiến bộ và các đảng cấp tiến trên toàn thế giới. Thực tiễn cho thấy chế độ tư bản đang có thay đổi tích cực với điều chỉnh hạn chế bớt mặt trái, tiêu cực, dung nạp giá trị tốt đẹp mà mô hình chủ nghĩa xã hội đem lại… đang dần làm cho trí thức toàn cầu có cách tiếp cận khác về Đảng Cộng sản, nhiều nước thì các đảng phái với định hướng xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng ngày càng nhiều hơn, cho nên việc mở rộng quan hệ, tận dụng ảnh hưởng của các tổ chức này đang góp phần nâng cao vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, đoàn kết rộng rãi trước hết phải đoàn kết với nhân dân, để lãnh đạo và tổ chức hiệu quả các chủ trương, đường lối của mình, phát huy sức mạnh của nhân dân để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đồng thời ngăn chặn mọi biểu hiện cục bộ địa phương, âm mưu chia rẽ gắn bó giữa Đảng với quần chúng nhân dân và tập hợp đoàn kết các giai tầng trong xã hội, giữ vững tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân, trung tâm kết nối.

 

Lương Thị Ngân

Giáo viên, Trường THCS Vĩnh Tuy, Bắc Quang, Hà Giang

----------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 590.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr301

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011t. 6, tr. 17


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.165
Hôm qua : 3.179
Tháng 05 : 44.866
Năm 2024 : 344.280