Bảo vệ tổ quốc trên các phương tiện truyền thông mới
CTTBTG - Là một trong 20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet cao nhất thế giới, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển tích cực nhờ ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ tội phạm công nghệ cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chủ quyền quốc gia.
“Truyền thông mới” là một thuật ngữ tổng hợp của thế kỷ 21, được dùng để định nghĩa tất cả những gì liên quan đến internet cũng như sự tương tác giữa công nghệ, hình ảnh và âm thanh. Khác với trước đây, thông tin được tiếp nhận chủ yếu thụ động qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thì hiện nay, thay vì phải ngồi một chỗ chờ thông tin phát ra đúng giờ, chúng ta có thể chủ động tìm kiếm tin tức từ nhiều nguồn, nhiều ngôn ngữ ở bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ với một thiết bị thông minh kết nối internet. Điều này dẫn đến sự ra đời và phát triển chóng mặt của các phương tiện truyền thông mới, phổ biến nhất có thể kể đến website, mạng xã hội, game, ebook và các hình thức kỹ thuật số khác.
Lợi dụng sự phát triển nhanh như vũ bão của các phương tiện truyền thông mới, trong khi công tác kiểm soát, quản lý còn chưa bắt kịp tốc độ, website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại trở thành “địa điểm lý tưởng” để các đối tượng chống phá đăng tải thông tin sai lệch, tung tin giả nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, kích động biểu tình, bạo loạn, gây “thù trong”, móc nối với “giặc ngoài” nhằm lật đổ chính quyền… Trên không gian mạng, các thế lực thù địch từng ngày vẫn tuồn những âm mưu, tư tưởng thâm độc, lồng ghép vào các bài viết, các video clip hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta; lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lợi dụng tự do tôn giáo để kích động bạo lực … Chính vì vậy, bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các phương tiện truyền thông mới là vấn đề rất cần được quan tâm.
Trong giai đoạn 2010 – 2021, với việc sử dụng 8.784 web/blog có tên miền nước ngoài, 381 web/blog có tên miền trong nước, các lực lượng chống phá đã phát tán hơn 60.000 bản tin, bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình… Một số tổ chức thường xuyên sử dụng phương tiện truyền thông mới để chống phá Việt Nam có thể kể đến như Việt Tân, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều Đại Việt… Không chỉ lợi dụng website, mạng xã hội, chúng còn tận dụng những phương tiện truyền thông mới mà ta ít khi ngờ tới, chẳng hạn như game (trò chơi) trên điện thoại. Vào năm 2017, Phạm Quốc Thiều (quê Đà Nẵng, sống tại California, Mỹ) đã cho ra mắt một game mang tên “Lấy lại quê hương”. Kịch bản trò chơi này đã cố tình thổi phồng, bôi nhọ những mâu thuẫn xảy ra trong xã hội Việt Nam nhằm kích động người chơi, làm họ lẫn lộn giữa thế giới ảo và thật, kèm theo là những lời bình phỉ báng lãnh đạo quốc gia, phản ánh không đúng thực tế. Bộ Thông tin & Truyền thông đã phối hợp với Google gỡ bỏ trò chơi này khỏi kho ứng dụng, đồng thời gỡ bỏ video giới thiệu trò chơi trên Youtube.
Mặt khác, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các phương tiện truyền thông mới không chỉ áp dụng với những đối tượng cố tình chống phá, mà đôi khi, cũng cần phải cảnh giác với những trường hợp “vô tình” làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Ví dụ gần đây, thương hiệu thời trang Yody đã đăng tải một bài viết trên website và fanpage của công ty có hình ảnh bản đồ Việt Nam, nhưng thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, thương hiệu thời trang này nhận không ít những bình luận chỉ trích, thậm chí đòi “tẩy chay” đến từ phía cộng đồng mạng. Yody đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi về việc sử dụng bản đồ sai lệch, gây ảnh hưởng đến chủ quyền Việt Nam. "Là một doanh nghiệp Việt Nam, được lập ra bởi những người Việt, chúng tôi ý thức rất rõ rằng sai sót này là không thể bao biện", phía thương hiệu thời trang Yody phản hồi trong thông cáo báo chí.
Riêng tại Hà Giang, là tỉnh biên giới vùng cao, giao thông đi lại khó khăn. Theo thống kê, toàn tỉnh có 63% dân số thường xuyên sử dụng mạng xã hội, internet. Lợi dụng trình độ dân trí không đồng đều, nhiều đối tượng đã sử dụng không gian mạng như một “vũ khí” tấn công vào các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân. Ví dụ như trường hợp cá nhân sử dụng tài khoản Facebook Trần Vương Việt (Thích Đủ Thứ) và kênh Youtube Viva Viet Nam để tuyên truyền thông tin sai lệch về lãnh đạo tỉnh nhằm chia rẽ nội bộ, gây mất lòng tin của nhân dân; hay một số tổ chức phản động lợi dụng hủ tục của người dân biên giới để bịa đặt, xuyên tạc; truyền bá tư tưởng tôn giáo lệch lạc qua các hội nhóm Pháp luân công, Hội Thánh đức chúa trời…
Nhận thức rõ thực trạng trên, Đảng và Nhà nước ta nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng hết sức coi trọng vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các phương tiện truyền thông mới, từ đó ban hành những chính sách, biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Từ năm 2018, Luật An ninh mạng được ban hành. Đồng thời, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25.7.2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25.7.2018 về “Chiến lược An ninh mạng Quốc gia”... Các văn kiện nêu trên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng - nơi hoạt động của các phương tiện truyền thông mới, xác định bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng Quốc gia diễn ra ngày 7.4.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”. Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, không gian mạng được coi như “không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ”.
Tại Hà Giang, các cấp, các ngành cũng tích cực vào cuộc phòng chống thông tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần định hướng đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh từ khi thành lập đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành nhiều giải pháp kịp thời; duy trì nhóm Facebook Miền Cực Bắc với trên 10 nghìn thành viên để tuyên truyền đấu tranh. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên các phương tiện truyền thông mới. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp phát hiện và xử lý hơn 20 trường hợp đăng tải tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tuyên truyền sai lệch trên mạng xã hội…
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lã Đình Điền, để chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, sở đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, chẳng hạn như: Tuyên truyền cho người dân chủ động tìm hiểu về mạng xã hội; khuyến khích sử dụng họ tên thật để tham gia vào môi trường mạng. Ban hành văn bản thống kê, quản lý các trang mạng xã hội chính thống trên địa bàn. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng có trang fanpage riêng để góp phần định hướng đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức chia sẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh sinh viên, xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với những đổi mới, sáng tạo liên tục của thời kỳ cách mạng 4.0, trong giai đoạn tới, dự báo tình hình, diễn biến trên các phương tiện truyền thông mới vẫn hết sức phức tạp. Do đó, để chủ động ứng phó, tác chiến trong mọi tình huống, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các lực lượng chiến đấu, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tạo một “lá chắn” tự bảo vệ trước những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá. Đặc biệt, vấn đề này không chỉ là “đại sự” của các vị lãnh đạo cấp cao hay lực lượng chức năng, mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân trong đời sống xã hội. Mỗi công dân cần thường xuyên cập nhật và nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trang bị cho mình kỹ năng phân tích và dự báo tình hình; nâng cao trình độ chính trị để có thể nhanh chóng phát hiện, chủ động phản bác các thông tin sai lệch. Sự cảnh giác của mỗi cá nhân sẽ tạo nên sức mạnh tập thể to lớn, tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững vàng, đẩy lùi sự công kích của các thế lực thù địch.
Internet và các phương tiện truyền thông mới phát triển mạnh mẽ tạo ra thuận lợi, thời cơ cho đất nước, tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều thách thức và đe dọa đối với an ninh quốc gia. Với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự thấu hiểu, cảnh giác của nhân dân, tin tưởng rằng, Việt Nam ta đủ sức mạnh để chiến thắng “giặc 4.0”, vững vàng tiến bước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Qua đó cũng cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng là vai trò tiên quyết, không thể thay thể ở nước ta; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng là con đường đúng đắn nhất để đưa dân tộc ta phát triển ổn định, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Minh Châu
Báo Hà Giang