A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CUNG CẤP THÔNG TIN CƠ SỞ

TGDV - Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, việc cung cấp thông tin cho cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đồng thời gắn kết giữa chính quyền và người dân. Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực triển khai hàng loạt chương trình, đề án và dự án cung cấp thông tin, mang lại những kết quả tích cực, dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Bức tranh tổng thể: Cơ hội và thách thức đan xen

Là tỉnh vùng cao, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với địa hình hiểm trở, dân cư phân bố không đồng đều, Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thông tin đến từng thôn, đặc biệt là các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh đã từng bước đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở với nhiều loại hình như đài truyền thanh cấp xã, bảng tin công cộng, hệ thống cổ động trực quan, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tuyên truyền viên cơ sở…

Toàn tỉnh hiện có 1.881 cụm/đài, trong đó truyền thanh internet 1.736 cụm/đài; truyền thanh FM 145 cụm/đài, hơn 4.200 tuyên truyền viên cơ sở, gần 5.000 báo cáo viên các cấp và 193 tủ sách pháp luật. 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã có trang thông tin điện tử, gồm: 01 Cổng giao tiếp điện tử; có 25 trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, trong đó có 01 trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ, 11 trang thông tin điện tử của huyện, thành phố; 193 trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn. Nhiều huyện, thành phố đã thực hiện tích hợp các trang mạng xã hội của cơ quan, đơn vị trên giao diện của trang thông tin điện tử, tạo thuận lợi cho việc truy cập, tìm hiểu khai thác thông tin đa dạng của người dùng, tăng lượng truy cập, nâng cao hiệu quả truyền thông.

Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện Hoàng Su Phì sản xuất chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc phát trên sóng FM

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bám sát định hướng tuyên truyền của tỉnh; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo Hà Giang điện tử duy trì thời gian cập nhật 24/24 giờ, trung bình mỗi ngày có trên 15.000 lượt người truy cập. Truyền hình Internet đã xây dựng được nhiều phóng sự với những nội dung nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh; những gương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế… thu hút đông đảo bạn đọc. Báo Hà Giang đã và đang thực hiện, duy trì 30 chuyên trang, chuyên mục trên báo in và báo điện tử. Từ tháng 02/2024, đã mở thêm chuyên trang tiếng Anh tập trung đưa thông tin về Hà Giang, thông tin về chính sách mới, thu hút đầu tư và quảng bá du lịch của tỉnh đến với bạn bè quốc tế, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ định hướng dư luận, phản bác kịp thời những thông tin xấu độc. Ngoài ra còn có Báo ảnh Hà Giang Cực Bắc, phục vụ đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, mỗi tháng xuất bản 1 kỳ với số lượng phát hành trên 3500 bản. Đặc biệt, Báo Hà Giang điện tử phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của kênh thông tin đa phương tiện với hàng trăm tin, bài, ảnh, video clips được cập nhật 24/24h, giao diện đẹp, hấp dẫn, nội dung phong phú, thu hút gần 15.000 lượt độc giả truy cập mỗi ngày.

Kênh truyền hình HGTV được duy trì ổn định với thời lượng phát sóng 18h30’/ngày bao gồm 6 bản tin Thời sự và  50 mũ chương trình chuyên đề, chương trình khoa giáo, phim tài liệu, các chương trình văn hóa văn nghệ và phim truyện…Trong đó, nhiều chương trình phản ánh sâu sát tình hình, hoạt động tại cơ sở và do chính các cộng tác viên ở trung tâm Văn hóa thể thao du lịch huyện thực hiện như “bản tin cơ sở” “Trang địa phương”…Cùng với đó,kênh phát thanh Hà Giang đã tăng thời lượng lên 16 giờ/ngày thay cho 4 giờ/ngày như trước đây. Chương trình được phát sóng trên máy phát FM tần số 92MHz và được truyền dẫn qua Vệ tinh Vinasat1. Hàng ngày sản xuất 05 Bản tin thời sự tiếng phổ thông, 03 chương trình thời sự tổng hợp tiếng dân tộc (Tày, Mông, Dao), hơn 30 mũ chuyên trang, chuyên mục và các chương trình kinh tế, khoa giáo, văn nghệ... Trang thông tin điện tử tổng hợp hagiangtv.vn đã nâng cấp giao diện mới, thu hút gần 3 triệu lượt truy cập, kênh Youtube Hagiangtv có 18,4 nghìn người đăng ký theo dõi, Kênh TikTok Hà Giang Television có 14.500 lượt người theo dõi, Kênh YouTube “Người Mông Hà Giang” có gần 1000 người đăng ký… Bên cạnh đó, hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí, giao nhiệm vụ cho một số cơ quan, đơn vị triển khai hợp tác, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương thông tin, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên các lĩnh vực và quảng bá hình ảnh địa phương.

Tạp chí Văn nghệ Hà Giang xuất bản 1 tháng/1 số với 52 trang ruột và 4 trang bìa màu; phát hành 1000 bản cùng 1 trang thông tin điện tử vannghe.hagiang.gov.vn và 1 trang fanpage Văn Nghệ Hà Giang cập nhật liên tục các thông tin hoạt động Hội và đăng tải các tác phẩm chất lượng từ các chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và múa của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Tạp chí đã được phát hành đến các sở, ban, ngành trong tỉnh, các trường học, các đồn biên phòng, các huyện, xã, phường, thị trấn, các thư viện trong tỉnh; 160 hội viên và cộng tác viên có tác phẩm được đăng tải; các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và 62 Hội VHNT địa phương trong toàn quốc. Tạp chí luôn được đánh giá là đăng tải được các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao về mặt nội dung, nghệ thuật; bám sát chủ đề tuyên truyền; đẹp về hình thức.

Hệ thống loa FM tại thị trấn Vị Xuyên tự động phát vào các khung giờ theo quy định

Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả truyền thông

Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh được duy trì, nâng cấp băng thông với quy mô 236 điểm, trong đó có 43 điểm là các ban, sở, ngành, huyện ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; 193 xã, phường, thị trấn; triển khai hệ thống giám sát băng thông, lưu lượng mạng truyền số liệu chuyên dùng. Ngoài hình thức tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền theo hình thức trực tiếp, các đơn vị còn thực hiện đường truyền trực tuyến đến cơ sở; 100% ban, sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và xã có mạng LAN, kết nối Internet và được cấp máy tính sử dụng phục vụ công tác chuyên môn. Duy trì hiệu quả Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Triển khai hạ tầng dự phòng Trung tâm tích hợp dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây; đảm bảo hạ tầng viễn thông phục vụ công tác thông tin ở cơ sở, đặc biệt là cung cấp những thông tin thiết yếu, khẩn cấp đến người dân, như: Phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn hoặc các sự cố, vụ việc trong trường họp đột xuất, bất thường...

Một trong những điểm sáng đáng chú ý là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác truyền thanh, Hà Giang đã triển khai phần mềm chuyển đổi văn bản thành giọng nói, giúp phát thanh viên dễ dàng sản xuất nội dung, tăng hiệu quả tuyên truyền, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là bước tiến đáng ghi nhận trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.

Ngoài ra, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok cũng được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh khai thác hiệu quả nhằm truyền tải nhanh chóng, kịp thời các thông tin cần thiết đến người dân.

Định hướng phát triển: Đổi mới toàn diện, gắn với chuyển đổi số

Tỉnh Hà Giang xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các giải pháp số, để nâng cao hiệu quả thông tin cơ sở. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông tại cơ sở, hướng đến xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Trong hành trình nâng cao chất lượng cung cấp thông tin đến người dân, Hà Giang đang chuyển mình mạnh mẽ. Dù còn khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự đồng hành của Trung ương, công tác thông tin cơ sở tại địa phương này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành nền tảng quan trọng phục vụ phát triển bền vững, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


Tác giả: Lê Hải (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)
Nguồn: Ban biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.222
Hôm qua : 1.543
Tháng 07 : 1.222
Năm 2025 : 381.605