A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả kiểm tra công tác tiêm phòng Vắc xin cho gia súc trên địa bàn tỉnh

CTTBTG - Xác định tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm là giải pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, cúm gia cầm, tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác để góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái…Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hàng năm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn các huyện, thành phố. Từ tháng 4/2022 đến tháng 5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra ngẫu nhiên công tác tiêm phòng Vắc xin cho gia súc tại một số thôn, xã thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. 

 

Cán bộ thú y huyện Yên Minh thực hiện tiêm các loại vắc xin cho trâu, bò 

Từ đầu năm đến nay, UBND các huyện, thành phố triển khai tiêm phòng các loại vắc xin như: Lở mồn long móng, tụ huyết trùng trâu bò, nhiệt thán, viêm da nổi cục trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn.  Công tác tiêm phòng vắc xin hiện nay do thú y thôn bản tiêm phòng, mặc dù các thú y thôn bản đã được đào tạo tập huấn, hướng dẫn cụ thể nhưng để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của các loại vắc xin thì việc kiểm tra, đánh giá là rất cần thiết. 

Thông qua kiểm tra tại các huyện, thành phố cho thấy: Các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin như: Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự phối hợp giữa ngành chuyên môn của huyện với UBND các xã, thị trấn, sự đồng tình tham gia của người dân. Công tác bảo quản và vận chuyển vắc xin tại huyện, xã đảm bảo theo yêu cầu. Các xã, thị trấn đều thành lập tổ tiêm phòng gồm và tổ chức tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, tiêm tập chung có đóng gióng. Các điểm tiêm đều thực hiện cấp giấy chứng nhận tiêm phòng và tổ chức ghi danh sách đầy đủ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Việc triển khai tiêm phòng tại một số huyện, xã vùng cao chưa thực hiện được việc đóng gióng cho gia súc, vẫn thực hiện tiêm tại chuồng nuôi của từng hộ gia đình là chủ yếu; một số xã dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tiêm phòng còn thiếu; tỷ lệ hao hụt một số loại vắc xin còn cao do thao tác kỹ thuật của thú y thôn, bản chưa thành thạo; đội ngũ thú y viên thôn thường xuyên có sự thay đổi do phụ cấp hỗ trợ còn thấp không đảm bảo ngày công lao động, thậm chí chuyển làm công việc khác; công tác tuyên truyền, vận động về tiêm phòng vắc xin cho gia súc chưa được thường xuyên, vẫn còn trường hợp người chăn nuôi không cho thú y thôn tiêm phòng cho trâu bò của mình; xiệc thu tiền công tiêm phòng theo quy định của Bộ Tài chính hầu như không thực hiện được; một số xã còn phó mặc việc triển khai tiêm phòng cho lực lượng thú y tự triển khai,...

Để khắc phục các tồn tại trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc trong các đợt tiếp theo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung công việc sau: 

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã được kiểm tra tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại đã nêu ở trên.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến đến người chăn nuôi về tầm quan trọng, hiệu quả của công tác tiêm phòng vắc xin trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để người chăn nuôi hiểu và chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; xem xét đưa chỉ tiêu tiêm phòng cho đàn gia súc là một trong những hình thức để đánh giá tiêu chí hoạt động của xã, thôn bản.

- Trước các đợt tiêm phòng cần tổ chức tập huấn cho lực lượng tham gia tiêm phòng từ khâu bảo quản, sử dụng vắc xin, vô trùng dụng cụ, kỹ thuật tiêm, liều lượng tiêm...; rà soát, mua bổ xung dụng cụ bảo quản vắc xin, dụng cụ tiêm phòng, đảm bảo có đầy đủ dụng cụ mới thực hiện tiêm phòng (đảm bảo mỗi thôn có từ 03 bộ bơm tiêm và 30 kim tiêm các loại phù hợp; khuyến cáo sử dụng các loại bơm tiêm liên tục, bơm tiêm bằng mê ca chất lượng tốt để tiêm phòng,...).

- Chỉ đạo đảm bảo 100% số thôn, nhóm hộ có chăn nuôi đại gia súc đều phải đầu tư đóng gióng cố định trâu bò để phục vụ công tác tiêm phòng; thực hiện tiêm phòng theo hướng linh hoạt, đặc biệt là triển khai tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu từng thôn, thành lập các tổ tiêm phòng và tổ chức tiêm tập trung để đảm bảo rút ngắn thời gian tiêm phòng, giảm thời gian bảo quản vắc xin, giảm tỷ lệ hao hụt vắc xin trong quá trình tiêm phòng và hỗ trợ kỹ thuật tiêm phòng giữa thú y các thôn, bản,...

- Phân công thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của huyện trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tiêm phòng tại xã phụ trách, chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo về kết quả tiêm phòng tại xã được phân công phụ trách; xã phân công cán bộ xã kiểm tra việc tổ chức tiêm phòng tại các thôn bản để đảm bảo công tác tiêm phòng có chất lượng, hiệu quả. Xã nào tiêm phòng không đảm bảo mà để dịch bệnh xảy ra thì Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.

- Chỉ đạo thú y xã thu gom toàn bộ vỏ lọ chai vắc xin đã qua sử dụng để sử lý tiêu hủy và lập biên bản tiêu hủy theo đúng quy định; tổ chức tiêm phòng bổ xung cho gia súc chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính. 

- Đề nghị UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia tiêm phòng theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm. 

 Nguyễn Thị Hương - Chi cục Chăn nuôi và Thú y


Tác giả: Nguyễn Thị Hương Chi cục CNTY
Thống kê truy cập
Hôm nay : 129
Hôm qua : 2.313
Tháng 10 : 10.987
Năm 2024 : 813.964