A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tỉnh Hà Giang

CTTBTG - Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm và là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả tích cực.

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 240 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, hàng năm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định pháp luật. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản có liên quan đến trẻ em; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên truyền quảng bá về bảo vệ trẻ em; hướng dẫn quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên để chuyển tải thông điệp công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Duy trì hoạt động của đường dây nóng 18001282 về phòng, chống mua, bán người tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để tiếp nhận các thông tin và xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị mua, bán được tiếp cận với các cơ quan chức năng, dịch vụ hỗ trợ pháp lý về phòng, chống mua, bán người.

Các em học sinh vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ bản thân khi bị bạo lực tinh thần tại Ngày hội phát triển năng lực trẻ em

Đồng thời, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, địa phương đã dành sự quan tâm, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đến nay, quyền của trẻ em được quan tâm thực hiện tốt, trẻ em được đi học đúng độ tuổi, được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,88%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99,23%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hàng ngày đạt trên 98%. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp Bảo hiểm y tế miễn phí; 100% Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức rà soát, khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho toàn bộ người dân, trong đó có trẻ em. Thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật, đặc biệt người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật.

Các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em cũng được chú trọng thực hiện với hệ thống các khu, điểm vui chơi được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hiện có 67/175 xã có nhà văn hóa đạt chuẩn; 1.760/2.071 thôn, tổ có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; nhiều xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Diễn đàn trẻ em các cấp cũng được tổ chức thường xuyên, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện quyền của mình.

Trẻ em khó khăn được quan tâm chăm sóc đầy đủ. Số trẻ em chịu thiệt thòi như khuyết tật, tàn tật, nạn nhân chất độc hóa học, mồ côi... được nhận hỗ trợ bằng nhiều hình thức, như: trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, trợ cấp học bổng, hỗ trợ phẫu thuật, nhận đỡ đầu... đã có hàng trăm trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ, ủng hộ theo chương trình "Mẹ đỡ đầu", được trao học bổng "Cùng em vượt khó đến trường". Trong năm Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được 4.659 triệu đồng ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ khuyết tật, tim bẩm sinh, sứt môi, hở vòm miệng được phẫu thuật, phục hồi chức năng, hỗ trợ cuộc sống. Sở Lao động, thương binh và xã hội đã tổ chức tặng quà cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang 211 suất quà với tổng giá trị 253,2 triệu đồng, hướng dẫn tiếp nhận và cấp phát gói hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với tổng giá trị 448,3 triệu đồng…

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế nhìn nhận, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế và không ít thách thức. Nhận thức của một bộ phận gia đình, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng bỏ học, tảo hôn, xâm hại, mua bán trẻ em...; một số gia đình bố mẹ đi làm ăn xa trẻ thiếu sự chăm sóc, giáo dục; số cặp vợ chồng ly hôn có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện game, điện tử, trẻ em truy cập vào các trang mạng internet có nội dung độc hại hoặc vô tình hay cố ý bị tiết lộ bí mật đời tư, hình ảnh, thông tin cá nhân và bị kẻ xấu lợi dụng; tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra.

Để xây dựng được môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện, đòi hỏi nỗ lực, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi gia đình; cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; đồng thời tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, các diễn đàn trẻ em tạo sân chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ, cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh tai nạn thương tích, tránh bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột sức lao động, đồng thời tạo điều kiện để các em đề xuất những khuyến nghị tới lãnh đạo các cấp, các ngành, nhà trường và gia đình trong việc tạo môi trường thuận lợi để thực hiện quyền trẻ em... 


Tác giả: Dương Thắm - BTGTU
Nguồn: Ban Biên Tâp
Thống kê truy cập
Hôm nay : 274
Hôm qua : 2.266
Tháng 12 : 6.161
Năm 2024 : 942.859