A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi thế phát triển du lịch 3 thôn vùng cao xã Phương Độ

Với lợi thế về địa hình, 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ là: Nà Thác, Khuẩy My, Lùng Vài nằm tách biệt trên dải Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Đồng bào nơi đây 100% là người Dao. Họ sống chủ yếu dựa vào nương dẫy, trồng trọt. Qua hàng trăm năm sinh sống, lao động bà con nơi đây bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa riêng của dân tộc mình và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng mà ít nơi nào có được.

Phóng sự - Lợi thế phát triển du lịch 3 thôn vùng cao xã Phương Độ
Cách trung tâm thành phố chưa đến 10 km, vào tháng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch khi đến với thôn Khuẩy My, Lùng Vài du khách sẽ ngỡ ngàng, được thả hồn hòa với thiên nhiên, mãn nhãn khi ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn với cánh đồng lúa chín như dát vàng. Còn gì tuyệt vời hơn khi đứng trên cao và tận hưởng bức tranh hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang trải rộng ngút ngàn, với núi sông hùng vĩ, trùng điệp, cánh đồng vàng đã tạo điểm nhấn mạnh mẽ khi thả hồn với thiên nhiên nơi đây. Chính vì vẻ đẹp riêng hiếm có đã và đang thu hút khách du lịch từ khắp mọi miền của đất nước đến tham quan, trải nghiệm. Ruộng bậc thang của đồng bào người Dao vùng cao có lịch sử hàng trăm năm. Con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai thay vì làm nương làm rẫy. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ dân nơi đây. Khung cảnh ruộng bậc thang trải đều tít tắp uốn lượn quanh đồi, quanh núi tạo nên khung cảnh thật yên bình, giản dị. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên núi rừng cùng với con người nơi đây đã hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách từ thành thị.  Khung cảnh 3 thôn vùng cao Phương Độ đã thôi thúc những vị khách gác lại cuộc sống xô bồ nơi thành phố về đây để sống trong bầu không khí trong lành, cuộc sống bình yên, không có áp lực. Theo thống kế 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ có diện tích trên 95 ha ruộng bậc thang. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực thì ruộng bậc thang đã tạo điểm nhấn để phát triển du du lịch.
Bức tranh phong cảnh rực rỡ bởi lúa vàng Khuẩy My, Lùng Vài
Đi xa hơn nữa du khách sẽ được trải nghiệm, thưởng thức vị trà San Tuyết cổ thụ. Tổng diện tích trồng chè của 3 thôn vùng cao khoảng 192 ha, với trên 7.000 cây, với tuổi đời từ 50 năm đến 400 năm tuổi, được trồng phân tán trên những tán rừng của dải Tây Côn Linh, ở độ cao từ 500 đến 1000 m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ, quanh năm mù sương, thổ nhưỡng đa dạng phù hợp cho cây chè phát triển. Nhờ vậy, các sản phẩm từ Chè San Tuyết có giá trị rất cao. Nhất là trong những năm gần đây nhờ sự quảng bá mà sản phẩm từ chè san tuyết đã được các thương lái mua với giá cao, chế biến ra các loại chè hảo hạn và được xuất bán đi nhiều nơi. Cây Chè San Tuyết đã trở thành hàng hóa, cây chủ lực trong phát triển kinh tế cho bà con nơi đây.
Những gốc Chè Shan tuyết cổ thụ
3 thôn vùng cao của xã Phương Độ hiện có 207 hộ, với 1.151 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Trải qua những thăng trầm của thời gian, Người Dao không chỉ nổi tiếng bởi đức tính cần cù, chịu khó làm ăn nên đời sống khá ổn định mà họ còn giữ gìn hầu như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một trong những giá trị văn hóa độc đáo đó chính là lễ cấp sắc- một nghi lễ không thể thiếu trong đời người đàn ông Dao. Lễ cấp sắc hay gọi là lễ trưởng thành cho người con trai của dân tộc Dao. Lễ cấp sắc có mục đích là chuyển từ giai đoạn trẻ con lên người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành. Ngược lại, dù còn ít tuổi nhưng đã trải qua lễ cấp sắc thì người đó được phép tham dự bàn bạc những công việc của làng bản, dòng họ. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Mỗi lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như: Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên và thần thánh…Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc.    
Lễ hội của người Dao còn được bảo tồn và phát huy
Cùng với các nghi lễ thì người Dao nơi đây còn gìn giữ nhiều điệu múa hát dân gian phản ánh được các lĩnh vực của đời sống tinh thần gắn với truyền thống dân tộc, biết ơn Đảng, giao duyên, một số làn điệu gắn với đời sống xã hội như: Hát mừng khách, hát tiễn bạn, hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng... Bên cạnh đó là những điệu múa truyền thống có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người, như: Múa chuông, múa bát, múa cấp sắc… Nhạc cụ dân tộc của người Dao chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, gồm có trống, thanh la, chũm choẹ, đồng, chiêng, chuông nhạc, tù và, sáo, nhị, đàn môi…vv.
Với những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, thiên nhiên, con người và những nét văn hóa truyền thống của người Dao 3 thôn vùng cao Phương Độ, đây là một lợi thế, tiềm năng cho phát triển du dịch, nhất là loại hình du lịch trải nghiệm. Để phát triển du lịch bền vững thì các cấp chính quyền cần có cơ chế rõ dàng, chiến lược quảng bá đủ mạnh và phát triển các sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt là phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao nơi đây…//
Bàng Cường, TPHG

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.817
Hôm qua : 4.267
Tháng 06 : 68.054
Năm 2024 : 480.440